» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

18/09/2018

LÝ SƠN - MIỀN ỐC ĐẢO THẦN TIÊN


Nằm về hướng Đông Bắc bờ biển Bình Sơn (Quảng Ngãi), cách đất liền 15 hải lý (31,45 km), Lý Sơn là tên gọi huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, gồm đảo Lớn (Lý Sơn) hay còn gọi Cù lao Ré, đảo Bé hay cù lao Bờ Bãi nằm về phía Bắc đảo Lớn và hòn Mù Cu nằm về phía Đông đảo Lớn với tổng diện tích 9,97 km², trong đó chiếm 1/4 diện tích là đồi núi...

LÝ SƠN - NGHE QUEN MÀ RẤT LẠ…

Huyện đảo Lý Sơn được thành lập ngày 1-1-1993 theo quyết định số 337-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ, trên cơ sở tách hai xã Lý Hải và Lý Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với hơn 20.000 nhân khẩu, mật độ dân số tương đương với nhiều đô thị cấp tỉnh. Đến ngày 1-12-2003, Huyện Lý Sơn đã tách xã Lý Vĩnh thành xã huyện lỵ An Vĩnh (trên đảo Lớn) và xã An Bình (trên đảo Bé), đổi tên xã Lý Hải trên đảo Lớn thành xã An Hải.

 Vị trí Lý Sơn trên bản đồ Việt Nam

Vị trí Lý Sơn trên bản đồ Việt Nam – Ảnh: nguồn diamoitruong.com

Các bậc lão làng cho biết, đảo Lý Sơn còn được gọi “Cù lao Ré” là do trước kia trên đảo mọc rất nhiều cây ré hay thảo đậu khấu hoang dại, một loại cây thân thảo có tên khoa học là Alpinia katsumadai thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Do trong các mẫu tự Hán-Nôm không có chữ “ré” mà người xưa đã phải mượn tạm chữ “lý” trong Hán tự để ghi âm chữ “ré”. Lâu dần thành quen, đảo “Ré” đã bị gọi nhầm thành đảo “Lý” (!). Có lẽ xuất phát từ đó mà ngày nay cùng tồn tại song song hai tên gọi đảo “Lý Sơn” và cù lao “Ré”, với tên “Lý Sơn” được sử dụng trong các văn bản hành chánh. 

Hệ thống núi lửa kiểu nón xỉ ở cù lao Ré  

Hệ thống núi lửa kiểu nón xỉ ở cù lao Ré – Ảnh: Google Earth (nguồn diamoitruong.com)

Theo các nhà địa chất, cù lao Ré được hình thành do kết quả vận động phun trào nham thạch của các núi lửa xảy ra trong khoảng Pleistocen muộn (126.000 ± 5.000 năm) đến Holocen sớm (vào khoảng 11.700 năm trước và còn tiếp tục đến ngày nay), đã phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn và nâng những nếp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển mà vết tích rõ nét là nón núi lửa hai tầng Hang Câu-Chùa Hang & Thới Lới (thực chất là hai nón núi lửa có cùng họng phun), các nón núi lửa Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Tai và Hòn Vung thuộc cù lao Ré và nón núi lửa Hòn Đụn trên cù lao Bờ Bãi; ngoài ra còn có chừng 5 nón núi lửa trên đáy biển quanh cù lao Ré.

 Miệng núi lửa Giếng Tiền

Miệng núi lửa Giếng Tiền – Ảnh: nguồn zing.vn

Trong thời kỳ biển tiến Flandrian (?), các quá trình phong hóa, bóc mòn và tác động xâm thực của sóng biển vào cấu trúc núi lửa đã hình thành các thềm biển, bãi biển, vách biển, hang biển, nhiều dạng địa hình có hình thù độc đáo như tháp đá, nấm đá, cổng đá (cầu thiên nhiên) được nhìn thấy ở khu vực hòn Thới Lới, nơi các lớp trầm tích đáy biển nhô cao hơn cả trong hệ thống cù lao Ré. Núi lửa còn để lại vết tích là những khối đá bazan màu đen nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy cùng những lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu khắp đảo, tạo điều kiện cho sự đa dạng và tươi tốt của hệ thực vật...

 Cổng đá Tò Vò trên cù lao Ré

Cổng đá Tò Vò trên cù lao Ré – Ảnh: nguồn traveltimes.vn

Cù lao Ré từng là địa bàn cư trú của các chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong lòng núi lửa Giếng Tiền (xã An Vĩnh) những công cụ sản xuất và đồ dùng của người tiền sử thuộc thời kỳ đồ đá cũ (kéo dài từ khoảng 2,5 triệu năm trước và kết thúc vào khoảng cuối kỷ Pleistocene - 10.000 năm TCN). Tại hai di chỉ Xóm Ốc (xã An Vĩnh) và Suối Chình (xã An Hải), những mộ chum, mộ đất cùng đồ tùy táng như bát mâm đồng, rìu đồng... thuộc văn hóa Sa Huỳnh cách đây từ 2.500 – 2.000 năm được phát lộ. Vết tích của cư dân Champa cũng còn lưu lại trong miếu Con Bò thờ Bò thần Nandin hoặc trong chùa Hang với những bệ thờ bằng sa thạch... Cù lao Ré còn đặc biệt lưu dấu những huyền tích oai hùng về hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn tồn tại đến ngày nay.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trước Nhà trưng bày tư liệu và di vật về Hải đội Hoàng Sa – Ảnh: nguồn photphet.info

Trên quần đảo Lý Sơn đặc biệt đảo Bé có bạt ngàn dứa dại, các cây phong ba, cây tra (hoa đổi màu) cũng có mặt khắp nơi, ngoài ra còn có cả bàng vuông, mù u, cam đường và nhiều loại cây ăn quả khác. Rất nhiều loại cây thuốc cũng hiện diện ở đây, phổ biến phải kể đến sâm biển xanh, sâm biển đỏ, sâm đất, cỏ xước, cà dây leo, nhàu, thù lù, lạc tiên, nhãn rừng, cách, cỏ tranh, cỏ hôi, cỏ ba chỉ, cỏ hạch, hành, tỏi, các loại đậu...

 Vườn tỏi trên đảo Lý Sơn

Vườn tỏi trên đảo Lý Sơn – Ảnh: nguồn daolyson.info

Cùng với tỏi và hành Lý Sơn rất nổi tiếng, cây bắp (ngô) cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của cư dân đảo. Ngày 31-3-2009, tỏi và hành Lý Sơn đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, là cơ sở khẳng định thương hiệu tỏi và hành Lý Sơn không chỉ trên thị trường nội địa mà còn ra cả thế giới... Một thế mạnh khác của huyện đảo là khai thác hải sản, Lý Sơn có hơn 400 tàu thuyền lớn, nhỏ chuyên hành nghề khai thác và làm dịch vụ thu mua hải sản, quy tụ hơn 3.600 lao động tham gia. 

Tàu đánh cá trên đảo Lý Sơn

Tàu đánh cá trên đảo Lý Sơn – Ảnh: nguồn newindichinatravel.com

Ngày 16-2-2017, tại huyện đảo Lý Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn với tổng diện tích 7.925 ha, trong đó có 7.113 ha mặt nước biển.

ĐẢO LÝ SƠN - ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG VÀ HẤP DẪN

Những di sản văn hóa, những sử tích hào hùng cùng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo đã đưa hòn đảo Lý Sơn vào trong “top” những điểm đến hấp dẫn và ấn tượng nhất Việt Nam... Ngày 28-4-2007 tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức khai trương tuyến du lịch “Biển đảo Lý Sơn” và đến ngày 13-7-2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận tuyến du lịch “Biển đảo Lý Sơn” gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn như chùa Hang, đình làng An Hải (di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa), chùa Đục, miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn...

Đảo Lý Sơn - điểm đến ấn tượng  

Đảo Lý Sơn - điểm đến ấn tượng – Ảnh: nguồn dulichmekong.vn

Từ thành phố Quảng Ngãi theo quốc lộ 24B chừng 20km đến cảng Sa Kỳ, du khách có thể theo tàu đánh cá của ngư dân mất từ 2 – 2,5 giờ để ra đảo Lý Sơn, hoặc bằng tàu cao tốc vượt biển mất chưa đến 45 phút. Từ đảo Lớn, du khách có thể thuê xe máy để thăm thú các di tích trên đảo, hoặc dùng ca-nô mất chừng 15 phút vượt 5,5km từ cầu cảng An Vĩnh sang cầu cảng An Bình trên đảo Bé, nơi tập trung nhiều bãi tắm đẹp, nước biển rất trong và lặng sóng.

 Bến cảng vào đảo Lý Sơn

Bến cảng vào đảo Lý Sơn – Ảnh: Lê Đình Dũng (nguồn motthegioi.vn)

Tuy trên đảo Lớn không có bãi tắm nhưng đây là khu thị tứ sầm uất với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, với lượng xe cộ và taxi lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui... Đảo Lớn - Lý Sơn ẩn chứa cả một tiềm năng văn hóa vô cùng phong phú, có thể xem như một bảo tàng sống của những truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội, các tín ngưỡng dân gian, tục thờ cá Ông..., đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều chứng tích sống động về hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa), nhiều tư liệu quan trọng chứng minh chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Việt Nam cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa khác.

Lễ khai lề thế lính Hoàng Sa  

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm (nguồn danviet.vn)

Du khách đến đảo Lớn có thể tham quan chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu Bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng núi lửa, di tích hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa), Âm Linh tự, một số ngôi mộ cổ... Nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Hang với tên chữ Thiên Khổng Thạch tự (hang đá trời xây) là một hang động lớn nhất đảo, được tạo thành từ thế kỷ 16 để thờ Phật, trên một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới; Đình làng An Hải (nguyên là đình làng Lý Hải) là di tích lịch sử văn hóa quốc gia được xây dựng năm 1820 và là ngôi đình làng cổ nhất Quảng Ngãi; Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi Giếng Tiền; Âm Linh tự là nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa, cũng là nơi tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa...

Bình minh ở thắng cảnh hòn Đụn  

Bình minh ở thắng cảnh hòn Đụn (đảo Bé) – Ảnh: nguồn zing.vn

Khác với đảo Lớn, đảo Bé tuy chỉ rộng 69 hecta với hơn 500 cư dân nhưng lại sở hữu nhiều bãi tắm nhỏ xinh với những cái tên khá dân dã, từ bãi Hang, bãi Dừa, bãi Tây đến bãi Đụng, bãi Sép, bãi Trứng... Các bãi tắm đều có cát trắng mịn, nước trong xanh như pha-lê trộn lẫn đá macma đen, một loại đá khi trên bờ thì sắc lẹm nhưng lúc ở dưới nước lại nhẵn thín do sóng bào. Vào buổi trưa, những hồ nhỏ ở bãi Trứng có làn nước ấm như suối nóng...

Những chiếc thuyền thúng  

Những chiếc thuyền thúng đưa khách lặn ngắm san hô – Ảnh: nguồn zing.vn

Du khách thích mạo hiểm có thể đi thuyền thúng, ngao du dưới đáy biển với thiết bị đơn giản, ngắm đàn cá tung tăng bơi lội bên những rạn san hô màu sắc sặc sỡ hoặc bắt cá, bắt ốc và khi đêm về, du khách có thể đi câu cá, câu mực...  Nếu tràn trề sinh lực, du khách cũng có thể trải nghiệm một vòng ôm đảo theo lối mòn chừng 4km, nghe lá khô xào xạc đếm những bước chân. Vào mùa trăng, du khách còn có cái thú leo lên ngọn Thới Lới ngồi thưởng trăng, ngắm biển lung linh dưới ánh trăng kỳ ảo hoặc đón làn gió dịu mát mang theo cả hương đồng nội thơm ngát...

Ốc cừ hay còn gọi ốc mặt trăng  

Ốc cừ hay còn gọi ốc mặt trăng – Ảnh: nguồn zing.vn

Đến với đảo Lý Sơn, ngoài việc khám phá những cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên cùng hệ thống những di tích có giá trị lịch sử và văn hóa, du khách còn có dịp tiếp xúc với những con người vùng biển đảo thật thà chân chất, được thưởng thức những món ăn mang hương vị biển, từ gỏi rong biển, gỏi rau cum cúm, gỏi tỏi (vào mùa tỏi - tháng 12), gỏi sứa, gỏi cá cơm, cháo nhum (cầu gai), hàu son xào đu đủ... đến các món hải sản hấp dẫn như ốc tượng, ốc cừ (ốc mặt trăng), cua Huỳnh Đế, cua dẹt, cá tà ma..., chắc hẵng sẽ để lại những dư vị khó quên... 

● ● ●

Có thể nói, cù lao Ré và cù lao Bờ Bãi là giá đỡ cho hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, rất xứng đáng trở thành Công viên Địa chất Đảo núi lửa. Với các nón núi lửa nhô cao, các dạng địa hình bờ biển đá nhiều hình thù, Lý Sơn là một vùng cảnh quan thiên nhiên thật đẹp và ấn tượng. Bên cạnh đó, các di chỉ khảo cổ trên miệng núi lửa, trong trầm tích thềm biển cùng các đền, chùa, miếu cũng góp phần tạo nên một hệ thống di sản có giá trị lịch sử và văn hóa trên đảo núi lửa, hấp dẫn ngày càng nhiều khách du lịch đến với Lý Sơn.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn  

Toàn cảnh đảo Lý Sơn – Ảnh: Vinh Hiển (baovinhlong.com.vn)

Có điều, với sự phát triển du lịch quá nhanh dễ dẫn đến quá tải và lộn xộn như hiện nay, rất cần một định hướng để du lịch đảo Lý Sơn phát triển đúng hướng. Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh trong lần thăm đảo gần đây, đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch đảo Bé làm đảo du lịch bền vững, xanh, sạch... Hy vọng hồi chuông cảnh báo này sẽ được lắng nghe với cả sự trân trọng, để du lịch đảo Lý Sơn ngày càng phát triển, đáp ứng niềm kỳ vọng của bạn bè khắp bốn phương...

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung