» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
05/07/2019
NON NƯỚC CAO BẰNG - CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO
Ngày 12-4-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại kỳ họp lần thứ 204 diễn ra ở Paris (Pháp), đã thông qua nghị quyết công nhận 13 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO trong đó có Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang và là Công viên Địa chất toàn cầu thứ tám tại khu vực Đông Nam Á.
CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO
Công viên Địa chất (Geopark) là một khu vực tự nhiên được phân bố trong một phạm vi nhất định, có ranh giới rõ ràng, không chỉ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên mà còn chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị đa dạng sinh học, bên cạnh các giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội... Một CVĐC cũng phải có diện tích đủ lớn để có thể phát triển kinh tế địa phương thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ...
Logo UNESCO-Global-Geoparks – Ảnh nguồn magmageopark.no
Năm 1998, Mạng lưới CVĐCTC (Global Geoparks Network - GGN) được thành lập. Các thành viên GGN được hình thành từ các CVĐC quốc gia, hoặc các CVĐC địa phương được công nhận để tập trung bảo vệ các điểm địa chất và di sản đặc biệt. Các CVĐC thành viên đầu tiên của GGN đã được công bố trong Hội nghị quốc tế về Công viên địa chất lần đầu tiên vào năm 2004. Đến tháng 11/2005, Mạng lưới CVĐCTC UNESCO được thành lập nhằm thay thế Mạng lưới CVĐCTC trong sứ mạng bảo tồn di sản địa chất của Trái Đất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và phát triển bền vững các giá trị cộng đồng có liên quan.
Kỳ họp 204 Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Paris – Ảnh nguồn caobangdiembao.blogspot.com
Do nằm trong mạng lưới hỗ trợ của UNESCO với sự quản lý của Ủy ban Khoa học Trái đất và Sinh thái (UNESCO Division of Ecological and Earth Sciences), một CVĐC khi được công nhận CVĐCTC UNESCO sẽ có những lợi ích thiết thực như tăng trưởng du lịch; tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; công nhân khai thác mỏ nhỏ có cơ hội quay lại làm việc; nhận thức về môi trường địa chất của người dân được gia tăng; những vị trí nhạy cảm được bảo vệ tốt hơn...
Cao nguyên đá Đồng Văn hấp dẫn khách du lịch – Ảnh nguồn baohagiang.vn
Tính đến tháng 4/2018, đã có 140 CVĐCTC UNESCO hiện diện tại 5 trong số 7 lục địa (trừ Nam Cực và châu Úc), gồm 37 quốc gia trong đó có 4 CVĐCTC UNESCO liên quốc gia (Karawanken / Karavanke - Austria & Slovenia, Muskauer Faltenbogen / Łuk Mużakowa - Germany & Poland, Novohrad / Nógrád - Hungary & Slovakia, Marble Arch Caves - Ireland & United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland). Riêng tại Đông Nam Á có 8 CVĐCTC UNESCO: Đảo Langkawi (Malaysia - 2007), CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Vietnam - 2010), CVĐC Batur , Bali (Indonesia - 2012), CVĐC Gunung Sewu, Java(Indonesia - 2015), CVĐC Ciletuh-Palabuhanratu (Indonesia - 2018), Rinjani Lombok (Indonesia - 2018), CVĐC Satun (Thailand - 2018), CVĐC Non nước Cao Bằng (Vietnam - 2018).
CVĐC Núi lửa Krông Nô tại tỉnh Đăk Nông – Ảnh nguồn bvhttdl.gov.vn
Hiện ngoài các CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống CVĐC cấp tỉnh: Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn), Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa (Phú Yên), Núi lửa Krông Nô (Đăk Nông) và K’Bang - An Khê - Măng Yang - Đăk Đoa (Gia Lai).
CVĐC NON NƯỚC CAO BẰNG & DANH HIỆU UNESCO
Nằm ở miền đất địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, CVĐC Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km² bao trùm toàn bộ địa giới hành chính của sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích của ba huyện Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Đây là nơi sinh sống giao thoa của hơn 250.000 người thuộc tám dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa, Kinh với nhiều di sản văn hóa độc đáo, nhiều di sản vật thể và phi vật thể...
Non Nước Cao Bằng - CVĐCTC thứ 2 của Việt Nam – Ảnh nguồn vnews.gov.vn
Với địa hình phức tạp và đa dạng cùng mức độ cắt xẻ lớn, CVĐC Non Nước Cao Bằng được hình thành gồm ba dạng chính: địa hình núi đá vôi (karst), địa hình núi cao và địa hình núi thấp, thung lũng. Các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo thuộc các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú và đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Ngoài ra, còn có rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... đã góp phần phong phú hóa lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
Bản đồ phân bố di sản trong CVĐC Non Nước Cao Bằng – Ảnh nguồn canhquan.net
Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu, nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam như: nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa... Không những thế, đây còn là miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa - lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Nhũ đá trong động Ngườm Ngao – Ảnh nguồn baoquocte.vn
Năm 2015, Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO đã giới thiệu đến tỉnh Cao Bằng mô hình phát triển bền vững của CVĐCTC UNESCO. Lãnh đạo tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và cộng đồng địa phương đã cùng Ban thư ký UBQG UNESCO (Bộ Ngoại giao) và Tiểu ban Kỹ thuật về CVĐCTC của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) quyết tâm triển khai trên thực tế các bước xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối mạng lưới CVĐCTC của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ kịp đệ trình UNESCO vào tháng 11/2016.
Tỉnh Cao Bằng đón nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO – Ảnh nguồn vtv1
UBQG UNESCO Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng và người dân địa phương tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan quốc tế uy tín, bao gồm Nhóm thẩm định CVĐCTC (tháng 7/2017) và Hội đồng CVĐCTC UNESCO (tháng 9/2017). Ngày 12-4-2018, tại kỳ họp lần thứ 204 diễn ra ở Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐCTC UNESCO.
NON NƯỚC CAO BẰNG - ĐIỂM ĐẾN MỚI CỦA DU LỊCH VIỆT NAM
Được xem là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến và là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Non Nước Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt.
Non nước Cao Bằng - CVĐCTC UNESCO – Ảnh nguồn vntravellieve.com
Lịch sử phát triển địa chất trên 500 triệu năm với 18 phân vị địa tầng gồm các hoạt động kiến tạo, magma, phun trào rộng khắp đã tạo cho Cao Bằng các giá trị di sản địa chất phong phú. Trải rộng hơn 1.800m² diện lộ đá vôi, CVĐC Non nước Cao Bằng là xứ sở của hang động, với khoảng 200 hang động, trong đó tầm 50 hang động có thể khai thác phát triển du lịch, có nhiều hang lớn, dài, thạch nhũ đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như động Ngườm Ngao, hang Dơi, hang Ki Lu... Nơi đây còn có quần thể hồ - sông hang ngầm Thang Hen thuộc loại kỳ thú chưa thấy nơi nào khác ở Việt Nam, đặc biệt thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới được xếp vào hàng những thác lớn và đẹp bậc nhất thế giới.
Kỳ vỹ thác Bản Giốc – Ảnh nguồn caobangtv.gov.vn
Trong nỗ lực khai thác những lợi thế mà thiên nhiên đã dành tặng cho Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 3 tuyến du lịch với 3 chủ đề khác nhau:
Tuyến du lịch phía Tây: “Khám phá Phia Oắc - ngọn núi của những đổi thay” (tập trung ở huyện Nguyên Bình với 16 điểm tham quan).
Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén với đỉnh Phia Oắc cao hơn 1.900m được coi là nóc nhà của Cao Bằng. Tại đây trước kia người Pháp đã xây dựng khu nghỉ mát và hiện vẫn còn dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ... Về địa chất, nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Rừng ở đây còn giữ được nhiều nét nguyên sinh mà đặc trưng phải kể đến các khu rừng lùn.
Băng tuyết trên đỉnh Phia Oắc – Ảnh nguồn baotainguyenmoitruong.vn
Tuyến du lịch cụm phía Bắc: “Hành trình về nguồn cội” (tập trung ở huyện Hòa An và Hà Quảng).
Với địa hình núi đá đa dạng, tuyến du lịch này chứa đựng nhiều di sản địa chất mang giá trị quốc tế, đặc biệt tại huyện Hà Quảng, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm), có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng. Cũng tại khu vực này, nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền Dẻ Đoóng, đền vua Lê, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo...
Hóa thạch cúc đá ở Lũng Luông, xã Kéo Yên (Hà Quảng) – Ảnh nguồn baocaobang.vn
Tuyến phía Đông: “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (tập trung vào 4 huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh và Hạ Lang).
Đến với “xứ sở thần tiên”, du khách có dịp khám phá động Ngườm Ngao, trải nghiệm kayak trên sông Quây Sơn, đặc biệt thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), được xếp hạng thác lớn và đẹp thứ tư thế giới, nơi cảnh quan quanh thác là địa hình karst dạng cụm đỉnh - lũng trên bề mặt san bằng 400 - 600m phủ thảm thực vật dày. Trên tuyến này, du khách cũng sẽ được ngắm các cảnh quan karst trưởng thành và già, đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu như núi Mắt Thần trong hồ Nặm Trá (Trà Lĩnh)...
Kỳ quan núi Thủng Phja Piót (Mắt Thần) ở Trà Lĩnh – Ảnh: Phạm Khoa (nguồn Laodong.vn)
● ● ●
Với việc được công nhận CVĐCTC UNESCO, Non nước Cao Bằng không chỉ trở thành điểm nhấn mới trong bản đồ di sản Việt Nam, mà còn góp phần tích cực trong kích cầu du lịch Cao Bằng phát triển... Đến với CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách sẽ có dịp khám phá những giá trị thiên nhiên, đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, trải nghiệm di sản văn hóa và bản địa độc đáo, đồng thời cũng là dịp trở về nguồn cội, khám phá tiến trình lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam...
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- DI TÍCH PÁC BÓ 25/03/2011