» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

22/04/2020

KHU DU LỊCH TÀU NGẦM NHA TRANG


Trong những ngày chuẩn bị đón năm mới 2020 và Tết Canh Tý, người dân thành phố biển Nha Trang đã rất hào hứng với sự xuất hiện của Khu du lịch Tàu Ngầm trên dãy núi Cù Hin thuộc khu vực suối Lùng (thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, thành phồ Nha Trang), cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng 12km về phía Nam. Đây là một điểm đến mới toanh tại nơi từng là căn cứ địa cách mạng của Huyện ủy Vĩnh Trang sau khi di chuyển từ Lòng Bò về Suối Lùng từ giữa năm 1970 đến ngày giải phóng 30-4-1975, sau này từng có lúc là vùng kinh tế mới của thành phố Nha Trang.

CÓ CHĂNG SỰ SAO CHÉP?

Là một thành phố ven biển và là trung tâm du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang có thế mạnh về du lịch biển, đảo. Bên cạnh những điểm đến tự nhiên như hòn Chồng, hòn Tre, hòn Tằm hay đảo Hoa Lan, đảo Khỉ trên vịnh Nha Phu..., thành phố này còn những điểm đến đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm lý thú, như Thủy cung Trí Nguyên, Viện Hải Dương học, Vinpearl Land, Tháp Bà Ponagar, Nhà thờ Đá, Làng du lịch Con Sẻ Tre, Khu du lịch Bãi Tranh, Khu du lịch Hồ Kênh Hạ - Galina Lake View, Khu du lịch Trăm Trứng... và mới nhất phải kể đến Khu du lịch Tàu Ngầm.

 Tàu ngầm và tàu hộ vệ tên lửa

Khu du lịch Tàu Ngầm – Ảnh: nguồn Travelgear.vn

 Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Một thời đạn bom, một thời hòa bình – Ảnh: nguồn Vntrip.vn

Sau thành công của “Đường hầm Điêu khắc” với địa hình thung lũng và màu đất đỏ bazan, kỹ sư kinh tế Trịnh Bá Dũng và nhóm cộng sự lại muốn thử sức với một môi trường khác lạ và xương xẩu hơn: địa hình đồi núi. Ngay từ  giữa năm 2016 khi được bàn giao 15 hecta đất (bằng với diện tích ở khu du lịch “Đường hầm Điêu khắc”) với 90% mặt bằng là đá, các nhà sáng tạo đã mất cả năm trời ăn ngủ tại đây, trăn trở, suy nghĩ và cuối cùng cũng tìm ra cách “hội nhập” làm cơ sở cho việc hình thành khu du lịch Tàu Ngầm.

 Ngôi nhà đất đỏ tại KDL Đường hầm Điêu khắc

Ngôi nhà đất đỏ tại KDL Đường hầm Điêu khắc – Ảnh: nguồn aseantraveller.net

 Ngôi nhà có đắp hình bản đồ trên mái

Ngôi nhà có đắp hình bản đồ trên mái – Ảnh: nguồn nhatrangtoday.com

Nhiều du khách khi tiếp cận khu du lịch Tàu Ngầm, đã nhận ra điểm gần gũi so với khu du lịch “Đường hầm Điêu khắc” hay còn gọi “Đường hầm Đất sét” tại khu vực hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, mà rõ nét có thể kể đến ngôi nhà trên mái có đắp nổi hình bản đồ Việt Nam (!). Do cùng một chủ nhân khai sinh, hai khu du lịch này có những nét tương đồng âu cũng là điều dễ hiểu. Trong thực tế, mỗi khu du lịch đều có thế mạnh và nét độc đáo riêng. Nếu chất liệu “đất sét” được sử dụng chủ yếu tại “Đường hầm Điêu khắc” thì tại khu du lịch Tàu Ngầm, nghệ thuật nổi bật là vẽ trên đá và những dịch vụ được phục vụ ngay tại con tàu ngầm vốn là điểm nhấn của khu du lịch...   

KHU DU LỊCH TÀU NGẦM HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Với chủ trương kết hợp giữa du lịch sinh thái và văn hóa lịch sử, Khu du lịch Tàu Ngầm đã nỗ lực phản ảnh quá trình 50 năm phát triển của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa. Bằng những thủ pháp và nghệ thuật riêng, những người chủ trương đã biến nơi đây thành một khung trời kỷ niệm, với sự xuất hiện cánh rừng Trường Sơn gợi nhớ những ngày nơi đây là căn cứ địa trong hai kỳ kháng chiến, với những gốc rạ, bờ tre, những chú trâu thảnh thơi gặm cỏ bên cạnh những chiếc bánh giày, bánh chưng, trống đồng, đàn tranh... làm liên tưởng đến bầu khí lễ hội của một đất nước thanh bình...   

 Tàu ngầm và tàu hộ vệ tên lửa

Tàu ngầm và tàu hộ vệ tên lửa trên núi – Ảnh: nguồn zing.vn

 Không gian bên trong tàu ngầm

Không gian bên trong tàu ngầm – Ảnh: nguồn antamtour.vn

Nét độc đáo của Khu du lịch Tàu Ngầm, là đã vận dụng khéo léo vùng đồi núi với những khối đá tự nhiên, tái hiện cả một lịch sử của vùng Nha Trang-Khánh Hòa qua nghệ thuật 3D, khắc họa cách sinh động những di tích lịch sử địa phương như thành cổ Diên Khánh, Tháp Bà Ponagar - người Mẹ của xứ sở, Nhà thờ đá, Chùa Long Sơn Phật Tích..., đặc biệt mang tính thời sự với căn cứ tàu ngầm tại vịnh Cam Ranh, qua phiên bản tàu ngầm lớp kilo 636 có hình dáng và tỷ lệ như thật, chiếc tàu hộ vệ tên lửa, chiếc xe zil một thời của Liên Xô với mô hình bệ phóng tên lửa phòng không... đã tạo thành một tổ hợp quân sự trên núi trông thật lạc lỏng nhưng không kém phần ấn tượng...

 Cổng thành cổ Diên Khánh

Cổng thành cổ Diên Khánh – Ảnh: nguồn vekhangvuong.over-blog.com

Những phương tiện vận chuyển một thời  

Những phương tiện vận chuyển một thời – Ảnh: nguồn khanhhoa.tv

Đến với khu du lịch Tàu Ngầm, du khách còn tỏ ra thích thú với những quả dưa khổng lồ tại con đường đi bộ gợi nhớ An Tiêm một thời trên đảo hoang; những chiếc đèn dầu cổ, những phương tiện vận chuyển xa xưa như xe lambro 3 bánh, xe cyclo máy thật lạ lẫm với thế hệ trẻ ngày nay. Nơi đây còn có thêm điểm nhấn là hồ nước nhân tạo trên núi với những chú cá vàng bơi lội tung tăng, khu vườn tượng 12 con giáp bằng sáp... Không gian bên trong tàu ngầm cũng thật thú vị với quầy Bar, nhà hàng được thiết kế như một hầm rượu, với các chai rượu khổng lồ cao đến 3-4m đều là những tên tuổi nổi tiếng trên thế giới, với ché rượu cần Tây nguyên biểu trưng sự gắn kết giữa các dân tộc Việt Nam... 

THÔNG TIN VỀ KHU DU LỊCH TÀU NGẦM

Khu du lịch Tàu Ngầm nằm tại khu vực Suối Lùng - núi Cù Hin thuộc thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng 12km về phía Nam (Tỉnh lộ 3, ngay ngã tư nghĩa trang Phước Đồng giao với quốc lộ 1A, gần trường lái xe Hồng Bàng). Điện thoại liên lạc: (0258) 2493 999

 Đường đến Khu du lịch Tàu Ngầm

Đường đến Khu du lịch Tàu Ngầm – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn

So với nhiều điểm du lịch khác ở Nha Trang, Khu du lịch Tàu Ngầm khá thất thế vì tuyến giao thông ở đây chưa được phát triển. Tính đến nay, tỉnh Khánh Hòa chưa triển khai và nâng cấp tuyến đường này nên việc di chuyển bằng xe bus, taxi đến đây là điều bất khả thi, Bạn chỉ có thể di chuyển bằng xe hai bánh. 

 Những quả dưa gợi nhớ An Tiêm

Những quả dưa gợi nhớ An Tiêm – Ảnh: nguồn letsflytravel.vn

Từ trung tâm thành phố theo hướng Trần Phú - Vinpearl Land, Bạn đi thẳng rồi rẽ vào đường Hoàng Diệu (đoạn giao với đường Trần Phú). Tiếp đến lần lượt đi vào các đường Nguyễn Đức Cảnh - đại lộ Nguyễn Tất Thành - Phước Đồng. Từ Phước Đồng Bạn đi thẳng thêm một đoạn sẽ gặp cây cầu nhỏ có tên Phước Thượng, qua cầu Bạn sẽ gặp một ngã ba (tại đây Bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đi tới Khu du lịch Tàu Ngầm), rẽ trái rồi đi thêm một đoạn là tới.

Thành phố... đá  

Thành phố... đá – Ảnh: nguồn nhatrangtoday.vn

Theo tiết lộ của đại diện Khu du lịch Tàu Ngầm, nơi đây được phân thành nhiều khu vực, như nhà hàng quán bar, khu tâm linh, thư pháp, khu phố đi bộ, cấu trúc Nha Trang xưa và nay, khu công viên đá... nhưng hầu như khu vực ăn uống được bố trí quanh hồ nhân tạo và cũng là khu vực trung tâm, một khu vực không có cây cối che phủ tạo bóng mát đang khi phía trong tàu ngầm lại quá nhỏ, nên có lẽ vì thế mà Khu du lịch Tàu Ngầm đã bố trí giờ tham quan từ 14:00 – 22:00, một khung giờ xem ra không hợp lý cho sắp xếp tour đối với các đơn vị làm du lịch.

Điểm ăn uống lộ thiên  

Điểm ăn uống lộ thiên tại KDL Tàu Ngầm – Ảnh: nguồn nhatrangtoday.com

Với khung giờ như vậy, giá vé tham quan 100.000đ/người lớn và 50.000đ/trẻ em (khách không được phép mang thức ăn và nước uống vào khu du lịch) là khá cao so với mặt bằng chung (Khu du lịch Hồ Kênh Hạ - Galina Lake View gần đó cũng là điểm “check in” tốt có đường đi lại thuận tiện và khung giờ hợp lý, với giá tham quan 50.000đ/người lớn và 25.000đ/trẻ em - khách được tặng kèm một chai nước suối).

● ● ●

Do địa hình toàn đá và thiếu bóng râm tại khu vực trung tâm, Khu du lịch Tàu Ngầm đang có nguy cơ đi vào vết xe đổ của Khu du lịch “Đường hầm điêu khắc”: khách chỉ đến một lần rồi không dám đến nữa vì quá nắng (!). Với việc mở cửa từ 14 – 22 giờ mỗi ngày và du khách không được phép mang thức ăn, nước uống vào khu du lịch, nơi đây rất dễ biến thành điểm ăn nhậu với lượng khách có chọn lọc. Sẽ là đáng tiếc cho một khu du lịch nhiều đầu tư chăm chút như Khu du lịch Tàu Ngầm, với nhiều không gian để check in và sống ảo, nếu thực tế diễn ra như vậy (!)...

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung