» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

19/09/2023

LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN


Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm và có thể xem như tết Nguyên đán của người Kinh, được tổ chức dài ngày và có qui mô rộng khắp khu vực cộng đồng người Chăm sinh sống. Từ năm 2000, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất của Việt Nam và đến ngày 4-4-2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ý NGHĨA VÀ DIỄN BIẾN LỄ HỘI

Mbăng Katê là lễ hội truyền thống của người Chăm nhằm tưởng niệm các vị thần của dân tộc Chăm, các vị vua có công phát triển nông nghiệp đã được thần hóa như Pô Klong Garai, Pô Rômê, các bậc tiên nhân có công với cộng đồng... Lễ hội còn mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đôi lứa hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở...

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư  

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

Không chỉ dừng lại ở phạm vi các ngôi đền, lễ hội cũng được mở rộng đến tận các thôn làng, dòng tộc và cuối cùng là ở mỗi gia đình. Người Chăm rất coi trọng quan hệ họ hàng huyết thống cũng như đời sống tình cảm của gia đình nên lễ hội Mbăng Katê là dịp để các người Chăm dù sống hay làm việc ở đâu cũng cố trở về quê hương, chia sẻ niềm vui bên người thân, bạn bè.

Lễ hội Katê tại Bình Thuận cũng diễn biến tương tự như Lễ Mbăng Katê tổ chức tại tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) và kéo dài trong 3 ngày:

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

Ngày thứ nhất (30-6 Chăm lịch, diễn ra các nghi thức chuẩn bị).

Ngày thứ hai (1-7 Chăm lịch, với các nghi lễ chính diễn ra tại các đền, tháp) gồm các nghi lễ:

- Lễ đón rước y trang (còn được gọi là lễ trình diện y trang)

- Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang)

- Lễ tắm tượng thần (mộc dục – Mưney yang)

- Lễ mặc y phục cho tượng thần (Angui khan aw Pô yang)

- Đại lễ Katê

- Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ Chăm đặc sắc, các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm Bình Thuận như thi đi cà kheo, làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật...

Ngày thứ 3 (2 tháng Bảy Chăm lịch): lễ Katê ở làng (plei).

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

QUẢNG BÁ VĂN HÓA & HÌNH ẢNH BÌNH THUẬN

Người Chăm là cộng đồng dân tộc thiểu số có dân số đông nhất, chiếm tỷ lệ 38,98% so với các dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận và chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh. Hiện Bình thuận có trên 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung và xen ghép tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, trong đó đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn có khoảng 18.000 người.

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

Hàng năm cứ vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch), cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn từ các huyện Ninh Phước, Ninh Hải... (tỉnh Ninh Thuận) và tỉnh Bình Thuận lân cận nô nức mang lễ vật về tháp Po Klong Garai tham dự lễ hội Mbăng Katê. Ngoài lễ hội Katê, người Chăm còn có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như Rijanưga, Súc dâng, Tết Ramưwan...

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư 

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

Trong nỗ lực thỏa đáp nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm tại Bình Thuận và góp phần phát triển du lịch, ngay từ năm 2005 Lễ hội Katê đã được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong sáu lễ hội tiêu biểu nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách.

 Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn phanthiet.vn.com

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội địa phương, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều quan tâm phát triển các vùng dân tộc miền núi và thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm, tỉnh Bình Thuận cũng còn bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật đối với di sản văn hóa...

• • •

Trải qua 18 năm phục dựng tại tháp Pô Sah Inư, lễ hội Katê tại Bình Thuận đã phản ảnh những giá trị cao đẹp của cộng đồng người Chăm, như giáo dục truyền thống gia đình, giúp các thế hệ con, cháu biết nhớ đến công ơn và tỏ lòng kính ngưỡng đối với tổ tiên...

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư 

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư – Ảnh: nguồn toquoc.vn

Với những giá trị tiềm ẩn và tích cực, lễ hội Katê năm nay được tổ chức vào các ngày 13 - 14/10/2023 tại tháp Pô Sah Inư sẽ góp phần tích cực vào thành công của Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, giúp tỉnh Bình Thuận giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam nói chung và vùng đất Bình Thuận nói riêng đến với du khách trong nước và quốc tế...

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung