» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch
17/12/2023
PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
Nằm cách bờ biển thành phố Phan Thiết chừng 56 hải lý (hơn 100km) về phía Đông - Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540km về phía Tây Bắc, thành phố Cam Ranh 150km về phía Nam, Côn Đảo 330km về phía Đông Bắc và thành phố Vũng Tàu 200km về phía Đông, Phú Qúy là một quần đảo gồm 10 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ngoài khơi bờ biển Nam Trung bộ với tổng diện tích 17,82km². Nơi đây thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp, lại được con người chăm chút kiến tạo nhiều cổ tự qua chiều dài lịch sử, trở thành những danh thắng nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận…
Đảo Phú Qúy giữa mênh mông đại dương – Ảnh: nguồn dulichdemen.vn
ĐẢO PHÚ QÚY QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
Phú Qúy là tên gọi nhóm đảo gồm đảo chính Phú Qúy hay hòn Thu (diện tích 16km²) cùng các đảo nằm rải rác gồm hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng, hòn Giữa, hòn Đỏ, hòn Hải, hòn Đồ Lớn, hòn Đồ Nhỏ, hòn Đá Tý hợp thành huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận nằm biệt lập giữa đại dương, tại tọa độ 108°55’ đến 108°58’ kinh Đông và từ 10°29’ đến 10°33’ vĩ Bắc.
Đảo ngọc Phú Qúy – Ảnh: nguồn taucaotoc.vn
Theo những huyền thoại được lưu truyền, trước khi có sự khai phá thiên nhiên từ những con người đến từ lục địa, tại đảo Phú Qúy đã có một nhóm người “Thượng” sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Sau này, khi kỹ thuật đóng thuyền buồm phát triển với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, tạo nên nhiều thay đổi lớn.
Cột cờ chủ quyền trên đảo Phú Qúy – Ảnh: nguồn phuquy.binhthuan.dcs.vn
Ngay từ thời Tiền Lê (981 - 1009), đảo Phú Qúy đã từng được biết đến với nhiều tên gọi như Cổ Long, Thuận Tình, Cù lao Khoai Xứ, Cù lao Thu… Những dấu tích như nền văn hóa Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ phát hiện cách đây không lâu, cho thấy các bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Tại những ngôi mộ vò lớn còn sót lại, người ta đã tìm thấy một số công cụ như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác khá tinh tế.
Bãi nhỏ Gành Hang – Ảnh: nguồn truyenhinhdulich.vn
Theo nhiều tài liệu tồn lưu, trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672), nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung đã phải phiêu dạt khắp nơi để kiếm sống, lánh nạn cường quyền hoặc đi tìm nguồn cá đã dong thuyền vượt trùng dương cập đảo như một điểm đến an bình. Cũng vào thế kỷ 17, một số quan lại nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại đã trốn ra nước ngoài. Trong số đoàn thuyền vượt biển bôn tẩu này, một số đã quyết định chọn Phú Qúy làm “đất lành” và dừng chân lập nghiệp.
Biển đảo Phú Qúy – Ảnh: nguồn mocmientravel.com
Khi cư dân ngày một đông thì các tổ chức xã hội cũng dần được hình thành. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo thành từng hộ bạch bố đến đội bạch bố, rồi dần dần trở thành ấp và làng. Tuy số dân lúc đầu chưa đông nhưng Phú Qúy lúc ấy có đến 14 làng và 1 ấp. Từ năm Thiệu Trị thứ tư (1884), do số lượng đặc sản đáng kể nạp cho triều đình Huế và tiềm năng kinh tế dồi dào, đảo đã được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Qúy trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Hồ cá làng Dương – Ảnh: nguồn Pin Tappi
Hiện Phú Qúy là huyện đảo chuẩn đô thị loại V thuộc tỉnh Bình Thuận, gồm 3 xã: Ngũ Phụng (huyện lỵ), Tam Thanh và Long Hải.
PHÚ QÚY PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Từ bờ biển thành phố Phan Thiết, vượt hơn 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, đảo Phú Qúy hiện ra giữa biển trời mênh mông với hình thù kỳ thú. Nhìn từ phía Đông, đảo nổi lên như một con rồng, nhìn từ phía Bắc lại giống con cá thu, còn khi ngắm nhìn từ phía Tây Nam, lại dễ liên tưởng đến một con cá voi khổng lồ đang bơi trên mặt nước... Với 10 hòn đảo lớn, nhỏ cùng nhiều cảnh quan đẹp và còn rất hoang sơ, Phú Qúy ngoài sự phát triển về ngành hải sản mũi nhọn còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái biển.
Hòn Đen - Hòn Giữa - Hòn Đỏ – Ảnh: nguồn Trip.com
Phát huy thế mạnh của một huyện đảo xa bờ, trong những năm gần đây tỉnh Bình Thuận và huyện Phú Qúy đã quan tâm khai thác tiềm năng du lịch của quần đảo với mục đích đưa Phú Qúy trở thành một đặc khu kinh tế du lịch và dịch vụ. Trước mắt, Phú Qúy đang tập trung mọi điều kiện kết cấu hạ tầng như nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đến các điểm du lịch, phát triển phương tiện tàu biển, bến tàu, sân bay, hệ thống nhà hàng, khách sạn... tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn.
Hòn Tranh nên thơ và quyến rủ – Ảnh: @ttgiiaanng (nguồn luhanhvietnam.com.vn)
Du khách đến đảo Phú Qúy, ngoài việc được tận hưởng nguồn không khí mát mẻ trong lành quanh năm, thoải mái vẫy vùng tại những bãi tắm cát vàng mịn trải dài ở vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa ở Ngũ Phụng, bãi nhỏ Gành Hang, bãi Dộc Cái..., còn được đón ánh bình minh trên biển cả, tham quan những thắng cảnh tự nhiên với những dãy đá san hô, những cụm đá đen cùng đá gành nhiều màu sắc nhấp nhô trên biển. Cách cảng 3km về phía Tây là ngọn núi Cấm cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Hải đăng núi Cấm – Ảnh: nguồn antuongchaua.com.vn
Không chỉ có phong cảnh đẹp, con người Phú Qúy cũng rất cần cù, chất phác và hết mực hiếu khách. Đến Phú Qúy, du khách còn có thể bắt gặp những công trình tài hoa của bàn tay con người, hài hòa giữa cảnh quan trở thành những danh lam thắng cảnh đặc sắc như chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh; một số công trình tiêu biểu như đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải, đình làng Triều Dương, chùa Linh Sơn núi Cao Các, Mộ Thầy Nại, Miếu Bà Chúa Bàng Tranh, Thánh thất Cao Đài Ngũ Phụng...
Chùa Linh Quang trên đảo Phú Qúy – Ảnh: nguồn qquangcao.vn
Đã từ lâu, Phú Qúy nổi tiếng với các loại hải đặc sản qúy hiếm như hải sâm, cá mú bông, cua mặt trăng, cua huỳnh đế, ốc vú nàng, gỏi ốc giác, rau câu chân vịt... Ngoài nguồn hải sản phong phú, du khách đến Phú Qúy sẽ hài lòng với những thú tiêu khiển như tắm biển, du thuyền, câu cá, leo núi hay sưu tầm các loài sinh vật biển.
• • •
Tàu cao tốc đưa khách ra Phú Qúy – Ảnh: nguồn baobinhthuan.com.vn
Nếu trước đây hải trình từ Phan Thiết đến Phú Qúy phải mất đến 6 giờ (biển êm) thì ngày nay đã có nhiều hãng tàu cao tốc như Hai Bà Trưng Express, Superdong, Phú Qúy Express, Phú Qúy Island, Chấn Kha Havaco... với thời gian di chuyển rút ngắn còn 2 - 3 giờ, là bước tạo đà để du lịch Phú Qúy được đánh thức. Hy vọng Phú Qúy sẽ phát triển đúng hướng, đáp ứng niềm kỳ vọng của bạn bè và khách du lịch khắp gần xa...
Mai Kim Thành (Tổng hợp)