thu nhỏ | phóng to

BRUNEI

A

DƯ ĐỊA CHÍ

Nằm về phía Tây Bắc đảo Kalimantan hoặc Borneo thuộc vùng Đông Nam châu Á, Brunei hay Vương quốc Hồi giáo Brunei có tên đầy đủ là nước Negara Brunei Darussalam. Theo ngôn ngữ Malay, “Brunei Darussalam” có nghĩa là nơi ở của hòa bình.

Là một quốc gia nhỏ có phần lãnh thổ hầu hết bị bao bọc bởi Đông Malaysia và phần còn lại giáp với biển Đông ở phía Bắc, Brunei gồm hai bộ phận tách rời nhau: một phần lớn ở phía Tây gồm 3 vùng (daerah) Brunei - Muara, Tutong, Belait với 97% dân số và phần nhỏ hơn là vùng núi Temburong ở phía Đông với chừng 10.000 cư dân. Đất nước Brunei có khí hậu nhiệt đới - cận xích đạo, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và mưa nhiều với 75% diện tích là rừng cây tạo nên cảnh phố - rừng gần gũi, hài hòa đã được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” của Đông Nam Á.

 

Trên một diện tích lãnh thổ với 5.765 km², Brunei có khoảng 380.000 cư dân, trong đó 64% là người Mã Lai, 20% là người Hoa và 8% còn lại thuộc các bộ tộc, với khoảng 60% dân số sống tại vùng đô thị. Thủ đô của Brunei là Bandar Seri Begawan Area với khoảng 46.000 dân, những khu vực quan trọng khác gồm thành phố cảng Muara, những vùng sản xuất dầu lửa Seria và Kuala Belait.

Với nền kinh tế ổn định và vững chắc, người dân Brunei không phải đóng thuế, thậm chí không phải nộp cả phí giáo dục và chi phí khám chữa bệnh cũng chỉ dừng lại ở 1 dola Brunei (BND).

BÊN DÒNG LỊCH SỬ

Ít có tư liệu đề cập đến thời tiền sử của Brunei nhưng Brunei được biết đến trong khoảng thế kỷ 14 – 16 là một vương quốc hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn bao gồm vùng phía Nam Philippines, Sarawak và Sabah. Các ảnh hưởng đến từ châu Âu đã dần thu hẹp diện tích lẫn quyền lực của vương quốc này. Tuy Brunei có giành chiến thắng trong một cuộc chiến ngắn với Tây Ban Nha vào năm 1578 nhưng đến thế kỷ 19, phần lãnh thổ này đã dần bị thâu tóm vào tay White Rajahs ở Sarawak và đến năm 1882 chỉ còn lại hai vùng đất bé nhỏ là thành phố Brunei và một phần bên trong Sarawak.

Để bảo vệ vùng đất còn lại của vương quốc Brunei và tránh sự dòm ngó xâm lược của các cường quốc châu Âu khác, người Anh đã tuyên bố bảo hộ các vùng Sarawak, Brunei và Bắc Borneo từ năm 1888. Năm 1959, Brunei được tự trị và một hiến pháp đã được soạn thảo cho phép bầu cử Hội đồng Lập pháp. Cuộc bầu cử lần đầu tiên tổ chức năm 1962 đã đem lại thắng lợi cho đảng Rakyat với xu thế đòi dân chủ toàn diện cho Brunei và cổ xúy việc tham gia cùng các bang láng giềng là Sabah và Sarawak trong Liên bang Bắc Borneo.

Những trào lưu quá mới mẻ của một đất nước quân chủ còn lệ thuộc sự bảo hộ đã dẫn đến xung khắc quyền lực với hoàng tộc và cuộc nổi dậy đòi dân chủ đã sớm bị đội quân Gurkhar của người Anh ngăn chặn, Quốc vương Brunei ban bố tình trạng khẩn cấp và đình chỉ hiến pháp, tuyên bố cuộc bầu cử không hiệu lực và cấm đảng Rakyat hoạt động. Những diễn biến này cùng những quyền lợi khó phân định đã làm cho ý tưởng thành lập Liên bang Bắc Borneo tan vỡ, ảnh hưởng tới quyết định của Brunei không tham gia Liên bang Malaysia sau này mà vẫn là một vương quốc bảo hộ thuộc Anh.

Ngày 1-1-1984, Brunei tuyên bố độc lập, chính thức trở thành một nhà nước quân chủ lập hiến. Ngày 13-2-1984, Hội đồng Lập pháp bị giải thể. Vương quốc Hồi giáo Brunei được Tiểu vương Hassanal Bolkiah, vị vua triều đại thứ 29 cai trị bằng sắc lệnh. Brunei gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN từ ngày 8-1-1984, là thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh.

Trong nỗ lực chứng tỏ tính hiện đại của hoàng gia Brunei trước công luận, một hoàng gia không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của người dân mà còn cả đến đời sống tinh thần, các hoạt động chính trị… đồng thời không đóng cửa trước trào lưu dân chủ xã hội, Quốc vương Hassanal Bolkiah đã từng bước cải cách chính trị mà cụ thể ngày 15-7-2004 đã công bố triệu tập lại Hội đồng Lập pháp với 21 thành viên được chỉ định. Hội đồng này đã họp phiên đầu tiên vào ngày 25-9-2004 bàn luận về đề xuất sửa đổi hiến pháp để tiến hành bầu cử có giới hạn.

Ngày 1-9-2005, Quốc vương Hassanal Bolkiah đã giải thể Hội đồng Lập pháp cũ và chỉ định 29 thành viên cho Hội đồng Lập pháp mới hoạt động từ ngày 2-9-2005, với nhiệm kỳ 5 năm gồm Thủ tướng, các Bộ trưởng, những người có chức danh cống hiến cho cộng đồng và đại diện của 4 vùng thuộc Vương quốc Brunei. Hội đồng Lập pháp Brunei đã tham gia Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) với tư cách Quan sát viên đặc biệt, và tại Đại Hội đồng AIPA 30 diễn ra tại Thái Lan, Hội đồng Lập pháp Brunei đã được AIPA kết nạp làm thành viên chính thức ngày 4-8-2009.

VĂN HÓA

Văn hóa Brunei chịu nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hóa lân cận, trong đó đậm nét nhất phải kể đến Malaysia và Indonesia là hai nước gần gũi về địa lý cũng như lịch sử. Những nghiên cứu còn để lại cũng cho thấy tầm ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hồi giáo và Ấn giáo trong sinh hoạt thường ngày của cư dân với những quy định và phong tục khá khắt khe. Tuy có nguồn gốc từ Malaysia nhưng chính những chuẩn mực Hồi giáo với nhiều hạn chế và cấm kỵ đã hình thành nên tính cách người Brunei, bảo thủ và độc đoán hơn hẳn người dân bản quán của mình.

Do Hồi giáo là quốc giáo nên hàng năm tại Brunei vẫn diễn ra nhiều lễ hội mang đậm màu sắc Hồi giáo như tháng chay Ramadhan, lễ hội Hari Raya Aidilfitri…, nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Hồi giáo. Brunei được mệnh danh là xứ sở của các thánh đường Hồi giáo với cả trăm ngôi thánh đường có kiến trúc đặc trưng với màu trắng cẩm thạch và mái hình chóp dát vàng lộng lẫy. Ngoài Islam là quốc giáo, Brunei cũng hiện diện một số tôn giáo khác như Phật giáo, Cơ-đốc giáo và bái vật giáo (hình thức tôn giáo nguyên thủy thờ cúng đồ vật như cây cối, cung tên…).

Tại đất nước Brunei, một bộ phận người dân có truyền thống định cư trên sông đã hình thành khu làng nổi Kampong Ayer nổi tiếng, quy tụ khoảng 30.000 cư dân với nền văn hóa sông nước rất độc đáo. Cũng chính tại đây mà một số ngành thủ công mỹ nghệ như làm đồ trang sức bằng bạc hay làm giỏ đan, móc, thêu… đã được duy trì.

Ngôn ngữ Malay là quốc ngữ của Brunei nhưng trong giao tiếp, tiếng Anh và tiếng Hoa cũng được sử dụng rộng rãi.

TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG

Là quốc gia có trữ lượng dầu thô và khí thiên nhiên rất lớn, việc khai thác dầu từ những năm 1930 đã nhanh chóng đưa Brunei từ một đất nước bé nhỏ thành một siêu cường về kinh tế, có thu nhập đầu người cao nhất vùng Đông Nam Á. Nền kinh tế của đất nước này phát triển chủ yếu dựa vào dầu thô và khí thiên nhiên, chiếm 96% thu nhập quốc dân.

Ý thức được nguồn dầu mỏ không phải là không có ngày cạn kiệt, trong những năm 1980 và 1990, chính phủ Brunei đã ưu tiên phát triển nông nghiệp để khỏi phải lệ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển ngành công nghiệp nhẹ, Tổng cục Du lịch cũng được thiết lập để khai thác ngành công nghiệp không khói…

Tuy Brunei sở hữu 161km bờ biển với nhiều bãi biển còn nguyên sơ rất hấp dẫn đối với khách du lịch, nhưng ngành du lịch biển Brunei khó phát triển bởi những quy định và cấm kỵ ngặt nghèo của đạo Hồi đã khiến người dân Brunei không biết đến thú tắm biển, thậm chí không cả phát triển ngành đánh bắt cá. Brunei có quá ít điểm tham quan, quá ít các hoạt động mang tính giải trí cộng đồng đang khi có quá nhiều ràng buộc đối với du khách. Đất nước này cấm bia, rượu, thuốc lá nơi công cộng và cứ sau 10 giờ đêm là đường xá vắng tanh nên du khách chỉ có thể… đi ngủ sớm (!). Một Brunei như thế rõ ràng không phải là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người.

Thực tế vẫn còn một Brunei khác, một quê hương thanh bình với những con người hiền lành và rất mực hiếu khách, một vương quốc thân thiện với nhiều dịp lễ trong năm hoàng cung mở rộng cửa tiếp kiến thần dân và du khách, một đất nước trầm mặc với nền văn hóa Hồi giáo cổ kính và những ngôi thánh đường tráng lệ tuyệt mỹ, một “hòn ngọc xanh” với những cánh rừng nguyên sinh chạy dài dọc theo hệ thống đường cao tốc rất phong phú chủng loại động, thực vật qúy hiếm và những bãi biển đẹp đến nao lòng…, tất cả làm thành một Brunei kỳ diệu rất đáng để mọi người thử một lần khám phá.

Mai Kim Thành