PHILIPPINES
Là một quốc gia quần đảo ở vùng Đông Nam Á, tên gọi đầy đủ là nước Cộng hòa Philippines, được hợp thành bởi 7.107 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 299.700km² trong đó có gần 700 hòn đảo có người ở. Phần lớn đất đai ở đây nằm trong vùng khí hậu gió mùa nhiệt đới hải dương, có nhiều núi lửa đang hoạt động và thường xuyên có động đất. Dân số Philippines là 86.241.697 người, trong đó dân tộc Mã Lai chiếm trên 90%, ngoài ra còn có người Hoa, người Indonesia, người Ấn Độ, người Ả Rập. 85% cư dân theo đạo Thiên Chúa, còn lại theo đạo Độc lập Phi. Tiếng Philippines là quốc ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính. Thủ đô là Manila.
Hầu như không có tài liệu nào cho biết về cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế các đảo nay là đất nước Philippines trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến đây vào thế kỷ 16, chỉ biết khoảng năm 1000, người châu Á đã đến đây định cư và về sau xây dựng thành nhiều vương quốc cát cứ. Năm 1565 khi người Tây Ban Nha xâm luợc vùng đất này, họ đã đặt tên nơi đây theo tên của thái tử Tây Ban Nha Felipe – tên Philippines dần quen thuộc trở thành tên gọi chính thức của quốc gia quần đảo này.
Người Tây Ban Nha đã xây dựng chính quyền thực dân, thống trị hơn 300 năm trên đất nước này. Trong thời kỳ thống trị của Tây Ban Nha, tác động kinh tế đối với các dân tộc ở Philippines là rất ít, đang khi tác động về tôn giáo và chính trị lại rất đáng kể. Mặc dù cùng chia sẻ với Indonesia và Malaysia một gốc chủng tộc Mã Lai và chia sẻ niềm tin vào thuyết vạn vật hữu hình với nhiều nước khác trong khu vực nhưng Philippines là nước duy nhất trong số các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng của Ấn giáo và Phật giáo.
Ngày 12-6-1898, Philippines tuyên bố độc lập nhưng ngay trong năm đó đã bị biến thành thuộc địa của Mỹ. Tháng 11-1935, người Philippines thành lập chính phủ tự trị, đến năm 1942 lại bị Nhật Bản chiếm đóng. Ngày 4-7-1946, Philippines tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Philippines.
Philippines tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN năm 1967 cùng với các nước Indonesia, Malaysia, Thailand và Singapore.