» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
03/01/2011
VĨ TUYẾN 17 VỚI BẾN HẢI - HIỀN LƯƠNG
Trên quốc lộ 1A tại Km 735 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, có một dòng sông cùng với chiếc cầu bắc qua đã đi vào lịch sử, trở thành nổi đau của cả dân tộc trong gần 21 năm. Miền Nam gọi dòng sông này là Bến Hải xuất phát từ địa danh Bến Hải được người Pháp ghi trên bản đồ, còn Miền Bắc lại gọi là Hiền Lương theo tên một làng quê ở ven bờ Bắc nơi con sông được hợp lưu bởi sông Bến Hải và sông Sa Lung.
Cầu Hiền lương mới và cũ – Ảnh: Tuyết Minh (hanoimoi.com.vn – 6.4.2010)
Để nối hai bờ, ngay từ năm 1928, chính quyền và người dân Vĩnh Linh đã cho dựng một chiếc cầu bắc ngang bằng cọc sắt và gỗ, đủ tải trọng cho khách bộ hành. Đến năm 1931 người Pháp đã cho sửa chữa nhưng cũng chỉ dành cho người đi bộ, xe cộ phải dùng phà để qua sông. Năm 1943, người Pháp lại một lần nữa nâng cấp cầu nhưng chỉ các xe cơ giới nhỏ mới lưu thông được. Đến năm 1950, để đủ tải trọng cho xe cơ giới, người Pháp đã xây dựng lại cầu bằng bê-tông cốt thép nhưng chỉ sau hai năm đã bị du kích đánh sập bằng bộc phá nhằm ngăn chặn người Pháp vận chuyển binh lính và các khí tài quân sự. Tháng 5 năm 1952, người Pháp lại cho xây cầu mới có thân bằng thép theo kiểu dã chiến Benley dài 178m gồm 7 nhịp với trụ bằng bê-tông cốt thép, mặt cầu lát ván thông.
Cột cờ bờ Bắc cầu Hiền Lương (cũ) - Ảnh: nguồn raovatquangtri.vn
Ngày 20-7-1954, hiệp định Genève đã chia Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời và dòng sông Bến Hải rộng chưa đến 200m phát nguồn từ dãy Trường Sơn ở phía Tây chảy ra Cửa Tùng hòa vào biển Đông dài chừng 100km dọc theo vĩ tuyến này đã trở thành ranh giới tự nhiên ngăn cách hai miền. Ngay chính bản thân cây cầu bắc qua sông cũng bị chia làm hai phần bằng nhau, mỗi phần dài 89m. Nhà văn Nguyễn Tuân đã tỉ mẩn đếm được 450 tấm ván mặt cầu ở phần cầu phía Bắc và 444 tấm ván mặt cầu ở phần cầu phía Nam. Có một ngịch lý được ghi nhận là đang khi phía miền Nam nhiều lần cố tạo màu sơn khác bên phần cầu của mình biểu thị sự chia cắt, thì phía miền Bắc lại cố công duy trì một màu sơn của cầu để nói lên ước nguyện về một đất nước không thể phân ly.
Năm 1967, cây cầu lịch sử này đã bị bom Mỹ đánh sập, việc qua lại từ 1967 – 1974 phải nhờ vào cầu phao lấy được từ phía Tây bờ Nam của quân đội Sài Gòn. Đến năm 1974, cầu được xây lại bán vĩnh cửu với kết cấu hạ bộ bằng cọc thép 1360, dài hơn 180m, mặt lát ván, hai bên có hành lang cho người đi bộ. Sau đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước thì giới tuyến tạm thời mới chính thức được xóa bỏ, cây cầu này đã từng chứng kiến sự đoàn tụ của người dân hai miền.
Tượng đài “Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam cầu Hiền Lương (cũ)
Ảnh: nguồn raovatquangtri.vn
Do lưu lượng giao thông trên quốc lộ 1A ngày càng tăng, cầu cũ cũng ngày càng xuống cấp nên vào năm 1995, một cây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m đã được xây dựng cách vị trí cầu cũ 100m về phía thượng lưu với kinh phí 42,8 tỷ đồng. Theo thông lệ khi cầu mới được xây dựng xong thì cầu cũ phải được tháo dỡ, nhưng vào năm 1998 khi cầu mới gần hoàn thành thì một cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến số phận của một cây cầu ít nhiều đã đi vào lịch sử, đi vào tâm khảm và tình cảm của nhiều người, được xếp hạng di tích quốc gia A1 tháng 12/1988. Cuối cùng, với quyết tâm bảo vệ cây cầu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương phục chế với tổng dự toán 6,5 tỷ đồng. Ngày 18-5-2003 cây cầu phục chế được hoàn thành, để lại cho nhân dân và các thế hệ về sau một chứng tích “không thể nào quên”…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN 03/01/2011
- THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 03/01/2011
- ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC 03/01/2011