» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
17/02/2011
LÀNG SƠN MÀI CÁT ĐẰNG
Nằm giữa hai trục đường bộ và đường sắt xuyên Việt thuộc địa phận xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Cát Đằng là một làng nghề sơn mài nổi tiếng có từ khoảng thế kỷ 11, do hai vị cựu quan triều Đinh là Ngô Dũng và Đinh Ba đã đến cư ngụ tại làng và truyền dạy nghề cho dân làng. Có người đã cho rằng, hầu hết các đồ sơn mài được dùng trang trí trong các cung đình hay lăng tẩm xưa, từ Hà Nội đến Huế, Đà Nẵng… đều là sản phẩm làm ra từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Cát Đằng (!).
Nếu trước đây sản phẩm sơn mài chỉ được hình thành trên những tấm gỗ đã được chọn lựa rất công phu, thì người Cát Đằng ngày nay đã có nhiều sáng tạo khi chọn chất liệu thay thế để có những sản phẩm vừa nhẹ về trọng lượng, đạt về chất lượng và giảm thiểu về chi phí đầu vào, nhờ vậy sản phẩm đầu ra (chủ yếu là xuất khẩu) có giá rẻ đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng.
Điển hình cho những cải tiến này là việc chắp nứa nhưng không phải vì thế mà công việc trở nên đơn giản. Từ khâu chọn nứa, ngâm nứa, pha nứa, pha nan, vót và đánh bóng nan, uốn theo khuôn, quét keo, mài… để hình thành một sản phẩm thô đến khâu trang trí, pha màu, phun sơn… là cả một quá trình gian nan trong đó khó nhất nằm ở hai khâu cuối – đây chính là bí quyết làng nghề và nếu không phải là trai làng thì khó để được truyền dạy.
Ngày nay nghệ nhân Cát Đằng đã có mặt ở nhiều địa phương, họ làm nghề và mở các lớp dạy nghề làm sơn mài. Cho dù ở đâu họ cũng sớm khẳng định sự tài hoa và luôn nhớ về ngày giỗ tổ nghề được tổ chức linh đình hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch trên quê hương Cát Đằng.
Mai Kim Thành
Ảnh: nguồn lukhách24h.com
Chủ đề liên quan :
- LÀNG KÈN ĐỒNG PHẠM PHÁO ĐẤT THÀNH NAM 03/11/2017
- CÀ KHEO CỒN VINH 17/02/2011