» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
24/02/2011
PHỐ LÂN - ĐÈN LƯƠNG NHỮ HỌC
Lương Nhữ Học là một trong những con phố nổi tiếng của khu vực Chợ Lớn với đa phần cư dân là những người Hoa gốc Quảng và Triều Châu, họ đến đây mang theo nhiều nét văn hóa truyền thống của cố hương trong đó có cả nghệ thuật múa lân, sư, rồng và làm lồng đèn. Trong hơn 200 năm định cư, những người Hoa này đã kinh doanh những vật dụng phục vụ các nghi lễ, các đám múa lân, trang phục cúng bái, trang phục tuồng cổ và nhất là lồng đèn vào dịp tết Trung thu.
Theo quan niệm dân gian của các dân tộc Á Đông, lân là một sinh vật xếp thứ nhì trong bộ tứ linh (long, lân, qui, phụng). Tuy có hình thù dữ dằn nhưng lại ăn chay (rau quả), có tâm địa hiền lành, ngây ngô và chỉ thích xuất hiện ở những nơi thanh bình. Thường những nơi lân xuất hiện, dân cư sẽ làm ăn khấm khá, bệnh dịch bị loại trừ và đất đai trở nên màu mỡ, hưng vượng… Chính vì vậy mà hình ảnh con lân đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong những dịp vui hay hội hè, trở thành biểu tượng cho những điều may mắn.
Lân được thiết kế với nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau, như màu trắng cho các dịp mừng thọ hay lễ lớn, màu đen trong các dịp cúng đình, chùa, màu đỏ, vàng hay xanh thể hiện sự vui tươi thích hợp với các dịp lễ tết hay khai trương, ngũ sắc biểu hiện điều may mắn và sung túc… Kinh doanh lân là một nghề gia truyền bởi không phải ai cũng có thể tự mình thiết kế và sản xuất mặt hàng này, chưa kể mỗi gia đình đều có những bí quyết riêng mà người ngoài khó lòng khám phá được. Để làm được một con lân hoàn chỉnh, từ khâu thiết kế, vẽ khung sườn cho đến khi lên khuôn, nhuộm màu…, đòi hỏi một kíp thợ chừng 10 người phải làm việc cật lực trong cả tuần.
Không chỉ dừng lại ở những kiểu lân truyền thống, những đầu lân thời hiện đại còn được nâng cấp theo nhiều cách, kiểu khác nhau vừa bảo đảm độ bền vừa tăng tính “qúy tộc”, như được kết bằng lông cừu, đính thêm nhiều hạt kim tuyến lấp lánh, gương mặt cũng được điều chỉnh sao cho thể hiện nét dữ dằn nhưng khi múa tùy vào nghệ thuật lắc lân của người điều khiển, lại có nét giống… thần Tài (!). Dĩ nhiên đi kèm những đầu lân cao cấp như thế phải là những chiếc đuôi lân bằng lụa tốt, những đôi giày kết lông cừu và kim tuyến đã làm cho lân mang nét sang trọng và ngộ nghĩnh, rất được ưa chuộng bởi các đoàn nghệ thuật hay Việt kiều.
Vào thời điểm tết Trung thu, đường Lương Nhữ Học và con đường nhỏ Phú Định nằm cạnh như thay sắc áo mới, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh lồng đèn và những chiếc đèn với đủ màu sắc, kiểu dáng tràn xuống cả lề đường tạo cho con phố nét nhộn nhịp đông vui. Các cửa hàng luôn có nhiều mẫu mới và lạ mắt để phục vụ khách hàng nhỏ tuổi, từ những chiếc đèn lồng bằng giấy xếp, giấy kiếng… đến các lồng đèn hình lân hay sư tử với đủ loại chất liệu.
Khi màn đêm buông xuống, con đường bỗng rực lên với sắc màu lung linh cổ tích, những âm thanh rộn ràng đặc trưng như gọi hồn phố cổ trở về…
Mai Kim Thành
Ảnh: V.T.H. (vovnews.vn)
Chủ đề liên quan :
- PHỐ KÉO TRIỆU QUANG PHỤC 24/02/2011