» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

24/02/2011

BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Nằm trong khuôn viên khu di tích Bến Nhà Rồng tại ngã ba sông, đầu đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa phận quận 4, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh là nơi giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cư dân thành phố và bè bạn.

a

 Ảnh: nguồn nto.com.vn

a

Ảnh: nguồn nto.com.vn

Nguyên nơi đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales), một trong những công trình đầu tiên được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào cuối năm 1863. Ngôi nhà tuy được thiết kế theo kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc lại kết hợp kiểu thức phương Đông với đôi rồng theo thế “lưỡng long triều nguyệt” (hai rồng chầu mặt trăng) rất quen thuộc với đền chùa Việt Nam. Năm 1955 khi tu sửa lại mái ngói ngôi nhà này, người ta đã cho đặt đôi rồng khác bằng đất nung trám men xanh, hai đầu quay ra ngoài theo thế “hồi long”, ở giữa đặt bức phù điêu có hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo là biểu tượng của Tổng Công ty. Cũng vì lối trang trí này mà ngôi nhà đã được người dân địa phương biết đến với tên gọi “nhà Rồng”, và cảng Khánh Hội, tiền thân của cảng Sài Gòn cũng đã được biết đến với tên gọi “bến Nhà Rồng”. Trong những năm người Mỹ tham chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng ngôi nhà này làm trụ sở của cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngôi Nhà Rồng đã được quản lý bởi Cục đường biển Việt Nam.

a

Ảnh: nguồn nto.com.vn

Bến Nhà Rồng chứng kiến sự ra đi của người thanh niên Văn Ba (tức Nguyễn Tất Thành) khi vào ngày 5-6-1911, anh đặt chân xuống tàu Amiral Latouche Tréville làm chuyến viễn hành, và sau 30 năm bôn ba nơi hải ngoại, người trở về đã hóa thân thành lãnh tụ Hồ Chí Minh của cách mạng Việt Nam. Để ghi nhớ khoảnh khắc đặc biệt trong đời hoạt động cách mạng của Người, Nhà Rồng đã được giữ lại làm di tích lưu niệm và đón khách tham quan từ 2-9-1979.

aẢnh: nguồn photo.yume.vn

a

Ảnh: nguồn photo.yume.vn

Ngày 20-9-1982, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí minh đã ra quyết định số 236/QĐ-UB thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 30-10-1995, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại ra quyết định số 7492/QĐ-UB-NCVX chuyển Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành chi nhánh trong hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước.

aẢnh: nguồn photo.yume.vn

aẢnh: nguồn photo.yume.vn

Từ khoảng 400 tư liệu, hiện vật lúc mới thành lập năm 1979 với 3 phòng trưng bày chừng 250m², đến nay Bảo tàng đã thực sự lớn mạnh với hơn 17.000 tư liệu, hiện vật sưu tầm và 450 hiện vật trưng bày ngoài trời, một  thư viện với hơn 4.000 đầu sách hoặc do Hồ Chủ tịch viết, hoặc do những tác giả trong ngoài nước viết về Hồ Chủ tịch… Nơi đây hiện có 9 phòng trưng bày gồm 1.482,62m² diện tích, trong đó có 6 phòng trưng bày các chuyên đề cố định và 3 phòng trưng bày các chuyên đề thời sự. Sau những lần chỉnh lý, các phòng trưng bày đều được nâng cấp cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó nhiều yếu tố đã được kết hợp vào khâu trưng bày để tăng tính thuyết phục và ngày càng hấp dẫn người xem.

aẢnh: nguồn Sài Gòn (sưu tầm)

Năm 1998, dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của Thành phố. Cũng vào dịp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hiệp hội LION của Pháp, đầu tư trang thiết bị và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho Nhà Rồng. Công trình hoàn thành vào ngày 21-11-1998 đã làm nổi bật các khối kiến trúc, đem lại nhiều nét mới mẻ và hấp dẫn khiến cho ngôi Nhà Rồng trở nên lãng mạn hơn mỗi khi đêm về…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung