» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

24/02/2011

HỘI TRƯỜNG THỐNG NHẤT


Nằm giữa bốn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Công chúa Huyền Trân và Nguyễn thị Minh Khai, trên một khu đất rộng 15ha có mặt chính quay ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hội trường Thống Nhất hay Dinh Độc Lập ngày nay nguyên là dinh Norodom được người Pháp xây dựng từ năm 1863 theo đồ án của kiến trúc sư Hermite, nơi đặt Phủ Toàn quyền Đông Dương. Đến ngày 7-9-1954, Dinh Norodom được đổi thành dinh Độc Lập và là nơi đặt Phủ Tổng thống của chính quyền miền Nam. Tháng 2 - 1962, một viên phi công của quân đội Sài Gòn là Phạm Phú Quốc do bất mãn chế độ đã ném bom dinh Độc Lập làm hư hỏng nặng, Tổng thống lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm đã cho xây lại mới hoàn toàn, là công trình còn nhìn thấy như hiện nay.

a

Toàn cảnh dinh Độc Lập - Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)

a

Dinh Norodom - Ảnh tư liệu: nguồn Saigon 24h.vn

Được khởi công từ 1.7.1962 theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng quốc tế Khôi nguyên La Mã), phần thi công do Công binh quân đội Sài Gòn đảm nhận, công trình đã hoàn tất vào ngày 31.10.1966. Với diện tích sàn 20.000m² được phân bố thành 100 phòng lớn, nhỏ trong đó có một hội trường lớn. Công trình có dáng dấp của một tòa nhà 5 tầng với lối vào uy nghi và hành lang rộng, bên dưới còn có tầng hầm (bố trí phòng ngủ của tổng thống và một đài phát thanh dự phòng có khả năng phát sóng ngay sau khi đài chính ở mặt đất bị tấn công) và bên trên sân thượng được thiết kế như một sân bay dã chiến, có thể đón máy bay trực thăng đáp xuống một cách an toàn. Ở phần mặt tiền, những bao lam được trang trí cách điệu lấy cảm hứng từ những lóng tre gợi liên tưởng đến truyền thống Việt Nam. Ngay lối vào và giữa sân là một thảm cỏ hình oval, ở giữa có một đài phun nước tạo nên sự thông thoáng, nhẹ nhàng… Dinh Độc Lập là một công trình thiết kế dựa trên thuyết phong thủy và kiến trúc phương Đông, được đánh giá là một kiến trúc hiện đại kết hợp với truyền thống khá hiếm hoi tại Sài Gòn, vừa có nét bề thế lại vừa đăng đối hài hòa với môi trường chung quanh.

a

Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao -Ảnh: nguồn Saigon 24h.vn

a

Thảm cỏ xanh trước cổng Dinh
Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)

Tuy là người quyết định cho xây dựng lại dinh Độc Lập, nhưng Ngô Đình Diệm không có duyên được ở trong dinh mới này vì chỉ 16 tháng sau ngày khởi công, ông đã bị lật đổ vào ngày 1.11.1963 và bị giết một ngày sau đó. Chính Nguyễn Văn Thiệu mới là chủ nhân thực sự của dinh này trong một thời gian dài, từ tháng 10-1967 đến 21.4.1975.

Ngày 30.4.1975 là thời khắc lịch sử của dinh, khi vào lúc 10g45 hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 của đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203 thuộc quân đoàn 2 Quân đội Nhân dân Việt Nam húc tung cánh cổng dinh Độc Lập, đánh dấu sự cáo chung của chế độ miền Nam. Dinh Độc Lập trở thành nơi làm việc của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tháng 12-1975, tại đây đã diễn ra hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước. Nơi đây còn diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một số đoàn thể để bàn việc thống nhất các tổ chức… Với ý nghĩa lịch sử đó, dinh Độc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.

a
Hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 đã húc tung cổng Dinh
ngày 30/4/1975 – Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)


a
Chiếc máy bay chiến đấu F5E được phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung sử dụng ném bom xuống Dinh Độc Lập
Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)

a
Phòng làm việc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)

a
Phòng tiếp khách trong nước của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ảnh: Ngọc Bằng  (Dantri.com.vn – 30.4.2010)

Ngày nay tham quan dinh Độc lập, du khách có thể nhìn thấy trong khuôn viên hai chiếc xe tăng đã từng húc đổ cổng sắt dinh, chiếc máy bay F5E do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Sài Gòn đã được viên phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung điều khiển ném bom xuống dinh Độc Lập lúc 8 giờ sáng ngày 8.4.1975. Khách tham quan cũng có thể nhìn thấy cả lá cờ vàng 3 sọc đỏ, con dấu và huân huy chương cao cấp của chế độ Sài Gòn mà bộ đội đã thu được trong ngày 30.4.1975, hiện được trưng bày tại phòng triển lãm chính trong dinh.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung