» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

24/02/2011

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN


Tọa lạc tại công trường Công Xã Paris ngay tại trung tâm thành phố, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tên đây đủ là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ  vô nhiễm nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica), là một công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất và đặc sắc nhất tại thành phố Hồ Chí Minh với màu gạch đỏ truyền thống và hai tháp chuông vươn cao giữa trời.

a

Ảnh: nguồn Niemhyvong.net

LỊCH SỬ

Nguyên sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã nghĩ ngay đến việc tìm một địa điểm làm nơi hành lễ cho các tín đồ Công giáo trong đoàn quân viễn chinh. Lúc ấy tại vị trí đường số 5 (đường Ngô Đức Kế ngày nay) đang có một ngôi chùa của người Việt bị bỏ hoang do biến cố thời cuộc, linh mục Lefèbvre đã có sáng kiến mượn tạm ngôi chùa này làm nơi hành lễ.

Do “nhà thờ” tạm đó quá nhỏ, Đề đốc người Pháp Bonard đã cho lập ngôi nhà thờ chính thức bên bờ kinh Lớn tức kinh Charner, tại vị trí trước 1975 là Tòa Tạp tụng, ngày nay là Tòa án Nhân dân Quận 1. Chính linh mục Lefèbvre đã đặt viên đá đầu tiên ngày 28.3.1863 xây cất ngôi nhà thờ bằng gỗ này, công trình kéo dài đến năm 1865 mới hoàn thành, gọi là nhà thờ Sài Gòn. Sau 12 năm, ngôi nhà thờ gỗ bị mối mọt làm hư hỏng nhiều không còn an toàn khi tiếp tục sử dụng, các buổi lễ đã được tổ chức ngay tại phòng khánh tiết của dinh Thống đốc trong lúc chờ xây một ngôi nhà thờ mới.

a

Ảnh: Trịnh Minh Nhựt – nguồn Panaromio.com

Để có một ngôi nhà thờ “xứng tầm” với nền văn minh Pháp, viên Thống đốc Nam kỳ lúc bấy giờ là Duperré đã cho tổ chức thi vẽ đồ án thu hút khá đông giới kiến trúc tham gia, với 17 đồ án được gởi đến trong đó hai đồ án của Fabre và Bourad được chú ý nhiều nhất, cuối cùng đồ án của Bourad với kiến trúc Roman cách tân pha trộn nét Gothic ở kiểu vòm cuốn gãy bên trong đã được chọn. Về địa điểm xây dựng, đã có 3 nơi được đề nghị: trên nền trường thi cũ tức vị trí Lãnh sự quán Pháp ngày nay; tại khu vực kinh Lớn tức đường Nguyễn Huệ ngày nay; cạnh công trường Đồng hồ tức vị trí hiện nay.

Sau khi chọn được đồ án thiết kế ngôi thánh đường tương lai, Đô đốc Duperré đã cho đấu thầu xây dựng và chính kiến trúc sư Bourad đã trúng thầu, trực tiếp giám sát công trình. Theo thiết kế, nhà thờ có chiều dài 93m, rộng 35m, cao 29m (1), riêng hai tháp chuông cao 36,6m với sức chứa chừng 1.200 người. Về nền móng đã dự trù chịu được tải trọng gấp 10 lần khối lượng kiến trúc bên trên. Các vật liệu từ sắt thép, ốc vít đến xi-măng, kính màu trang trí (hãng Lorin, tỉnh Chartres)… đều đưa từ Pháp sang, đặc biệt loại gạch được đặt làm tại Marseille để bảo đảm dù để trần không tô trát vẫn giữ được màu sắc nguyên thủy và không bám bụi rêu. Dự kiến tiến hành trong 3 năm với chi phí xây dựng và trang trí nội thất lên đến 2.500.000 franc Pháp do Soái phủ Nam kỳ đài thọ.

a

Nhà thờ Đức Bà ban đầu với tháp chuông chưa có phần chóp mái
Ảnh tư liệu: nguồn Vuontaodan.net

Ngày 7.10.1877, trước mặt Phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt đương thời, Giám mục Isidore Colombert đã đặt viên đá đầu tiên cho công trình được tiến hành. Đến ngày 11.4.1880 đúng dịp lễ Phục sinh, cũng chính Giám mục Isidore Colombert đã long trọng khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường với sự hiện diện của Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers.

THÁP CHUÔNG & NHỮNG QUẢ CHUÔNG

Do hai tháp chuông ban đầu không có mái, năm 1895 kiến trúc sư Gardes đã thiết kế nối thêm phần chóp mái cao 21m, đó là chưa kể cây thánh giá cao 3,5m, ngang 2m và nặng đến 600kg, nâng chiều cao toàn bộ tháp chuông lên đến 57m. Tại hai gác chuông đã bố trí 6 quả chuông gồm các âm tiết sol, la, si, đô, rê, mi đặt đúc tại Pháp và được chuyển đến Sài Gòn năm 1879, với tổng trọng lượng chưa đến 20 tấn (2). Trong số 6 quả chuông này có những chuông lớn đáng kể như Rê (2.194kg), Si (3.150kg), Sol (8.785kg), riêng chuông Sol được xếp vào hàng những chuông lớn nhất thế giới với 2,25m đường kính miệng chuông và chiều cao tính đến núm treo 3,5m. Đặc biệt trên mặt các quả chuông đều có những họa tiết trang trí được đúc nổi rất sắc sảo và đẹp mắt.

a

a

Họa tiết trang trí & chuông Sol
Ảnh: nguồn Thuyngakhanhhoa.wordpress.com

Tuy bộ chuông gồm 6 quả với trọng lượng không đồng đều, nhưng việc phân bố chuông lại không dựa trên sự cân đối mà có lẽ dựa vào sự phối âm, vì vậy ở gác chuông bên phải treo 4 quả chuông Sol, Si, Rê, Mi nặng chừng 16 tấn,  đang khi 2 quả chuông La, Đô chỉ nặng chưa đến 4 tấn được treo ở gác chuông bên trái. Việc vận hành tuy được điều khiển bằng điện ở bên dưới nhưng do 3 quả chuông lớn quá nặng, trước khi khởi động phải được trợ giúp của con người bằng cách đạp cho chuông lắc tạo trớn. Vào các ngày thường, nhà thờ chỉ sử dụng một chuông mi hoặc rê lúc 5g00 và 17g30 nhưng vào ngày lễ hoặc Chủ nhật, số chuông sử dụng là 3, riêng đêm Giáng sinh, nhà thờ cho đổ hết 6 chuông làm thành một âm hưởng rộn ràng vui tươi, vang xa đến 10km. Tưởng cũng nên biết, chuông Sol chỉ được khởi động một năm một lần vào đêm vọng Giáng sinh (24-12).

a

Ảnh: Hà Thành – nguồn Travellive.com.vn

NỘI CUNG - NGOẠI BIÊN

Bên trong nhà thờ, hai hàng cột lớn hình chữ nhật gồm 12 cột tượng trưng cho 12 vị môn đồ tiên khởi của Chúa Giêsu trong đời hoạt động công khai. Hai hàng cột này đã phân nội thất thành một lòng chính và hai lòng phụ ở hai bên được bố trí như hai dãy hành lang, nơi đây được phân bố thành nhiều gian với những bàn thờ nhỏ cùng các bệ thờ và tượng thánh. Ngay tại gian cung thánh, bàn thờ là một khối đá cẩm thạch có khắc hình 6 vị thiên thần đỡ nâng mặt bàn thờ. Phía trên tường, các ô kính màu ngoài chức năng lấy sáng với hiệu ứng ánh sáng vừa huyền ảo vừa rực rỡ tuyệt vời, đã chuyển tải nhiều nội dung lấy ý từ kinh thánh hay đời sống tôn giáo, với 56 ô kính mô tả nhân vật hoặc sự kiện, 31 ô kính tròn hình bông hồng, 25 ô kính mắt bò với những hình ảnh đẹp được ghép từ nhiều loại kính màu… Đáng tiếc là trong số 56 ô kính mô tả nhân vật - sự kiện, cho đến nay chỉ 2 ô là còn giữ nguyên trạng. Bên cạnh hệ thống lấy sáng tự nhiên, nhà thờ còn có hệ thống đèn trang trí và chiếu sáng bằng điện được sử dụng từ khi khánh thành nhà thờ cho đến nay. a

Ảnh: Hà Thành – nguồn Travellive.com.vn

Điểm khác biệt nhất so với nhiều ngôi nhà thờ khác trong vùng là bên ngoài nhà thờ không có vòng rào hay bờ tường bao quanh nhưng phía trước có một công viên nhỏ với bề ngang bằng bề ngang ngôi nhà thờ, dài hơn 50m với hai con đường giao nhau ở giữa tạo thành hình thánh giá. Ngay tại trung tâm, từ năm 1903 người Pháp đã cho dựng một tượng đồng tạc hình giám mục Pigneau de Béhaine dắt tay hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), đặt trên một bệ đá hoa cương đỏ hình trụ tròn, như muốn đề cao vai trò của nước Pháp, đã có công khai hóa và bảo hộ người dân đất Việt (!). Năm 1945, tượng này bị phá bỏ nhưng phần bệ đá thì vẫn còn đứng đó, chơ vơ lạc lõng như một chứng nhân bất đắc dĩ…

a

Ảnh: Hà Thành – nguồn Travellive.com.vn

CÔNG VIÊN “NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH”

Năm 1959, nhân dịp Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, cũng là dịp mừng kỷ niệm 300 năm hai giám mục tiên khởi được bổ nhiệm tại Việt Nam ngày 9.9.1659, các giám mục tại miền Nam đã có sáng kiến tổ chức Năm Thánh Mẫu và Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc tại Sài Gòn trong 3 ngày 16-17-18 tháng 2-1959. Ngày 25.1.1959, Giáo hoàng Gioan 23 đã ban tông thư gởi đến các giám mục tại Việt Nam, hoan nghênh sáng kiến cao đẹp của Đức Giám mục Giáo phận Sài Gòn, chúc Đại hội thành công và thông báo việc Ngài gởi Đặc sứ Tòa thánh là Hồng Y Grégorie Pierre XV Agagiania, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền bá Đức tin đến chủ tọa Đại hội. Cũng nhân dịp này, Giáo hoàng đã gởi tặng Giáo phận Sài Gòn bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình được nhà điêu khắc người Ý, G. Chioccheti khởi tạc từ 8.12.1958 trên loại đá cẩm thạch trắng qúy hiếm. Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, được bố cục Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm quả địa cầu, chân đạp đầu con rắn, mắt đăm đăm hướng lên trời cao như đang nguyện cầu…

a

Ảnh tư liệu – nguồn VietCatholic News (1.11.2005)

Sáng 16.2.1959, linh mục Phạm Văn Thiên, Chánh sở nhà thờ Sài Gòn (sau này là Giám mục Giáo phận Phú Cường, nay đã qua đời) đã tiến hành nghi thức dựng tượng trên bệ đá đỏ vẫn để trống từ 1945 và dâng lên Đức Mẹ tước hiệu “Nữ Vương Hòa Bình”. Tại bệ đá, chỗ giáp với chân tượng, người ta đã khoét một cái hốc và đặt vào đó chiếc hộp bằng bạc, trong có chứa những lời kinh cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và thế giới, được viết trên những lá mỏng bằng nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, nhôm, thiếc, giấy, da được gởi đến từ nhiều miền đất nước, trong đó có cả một số vùng ở miền Bắc. Phía trước bệ đá gắn một bảng đồng với dòng chữ “REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII.II.MCMLIX” (Nữ Vương Hòa Bình - Cầu cho chúng tôi - 17.2.1959). Chiều cùng ngày, nhân dịp long trọng chào đón vị Đặc sứ Tòa thánh tại tiền đường nhà thờ Sài Gòn, Đức Hồng y Agagiania đã cử hành nghi thức thánh hóa bức tượng (sớm hơn 1 ngày so với ngày dự kiến được ghi trên bảng đồng).

a

Ảnh: nguồn Gxdaminh.net

TƯỚC HIỆU CAO QÚY

Ngày 5.12.1959, giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã cử hành nghi thức xức dầu thánh hiến ngôi nhà thờ và đặt hài cốt nhiều chân phước tử đạo Việt Nam trong lòng bàn thờ, đến ngày 13.11.1962, Giáo hoàng Gioan 23 đã ban sắc chỉ “Spectabile Monomentum” chính thức nâng nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương cung Thánh đường. Đây là lần thứ hai, một ngôi nhà thờ tại Việt Nam nhận được danh hiệu tôn vinh đặc biệt mà vị đứng đầu Giáo hội ban tặng cho một số nhà thờ do tính cách cổ kính hoặc có tầm quan trọng trong lịch sử phát triển của giáo hội (trước đó là Tiểu Vương cung Thánh đường La Vang tại Quảng Trị năm 1961). Từ đây nhà thờ có danh hiệu chính thức là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.

Tưởng cũng nên biết, ngay từ khi khánh thành, nhà thờ Đức Bà đã được đặt làm chính tòa của giáo phận Tây Đàng Trong. Năm 1924, giáo phận Tây Đàng Trong được đổi thành giáo phận Sài Gòn và đến năm 1960, khi Tòa thánh Vatican quyết định thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với 3 tòa Tổng Giám mục tại 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn, giáo phận Sài Gòn đã trở thành Tổng giáo phận Sài Gòn. Năm 1976 khi thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ sự kết hợp đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định cũ, có lẽ để phù hợp với địa danh mới và nói lên sự nhanh nhạy của giáo hội trong nỗ lực “đồng hành cùng dân tộc”, Tổng giáo phận Sài Gòn đã được đổi thành Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Có thể đây là một sự thay đổi không cần thiết vì tạo ra nhiều bất cập trong xưng hô (ví dụ trước đây người ta có thể gọi tắt là Tổng giám mục Sài Gòn, thì ngày nay phải gọi đầy đủ là Tổng giám mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh), đang khi ngoài xã hội, nhiều cơ sở quan trọng vẫn giữ lại tên “Sài Gòn” như Cảng Sài Gòn, Công ty Du lịch Sài Gòn…

a

Nhà thờ Đức Bà và công viên trên bản đồ Google

Không chỉ là một công trình tôn giáo, nhà thờ Đức Bà còn là một kiến trúc độc đáo góp phần làm nên diện mạo đô thị Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Tuy được du nhập từ phương Tây với những kết cấu và vật liệu hoàn toàn mới lạ, nhưng nhà kiến trúc đã khéo dung hợp để công trình không lạc lỏng mà trở thành sự nối kết hòa hợp giữa kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, vừa phô diễn vẻ tráng lệ, uy nghiêm mà vẫn giữ được nét giản dị, gần gũi giữa thiên nhiên và con người, xứng đáng là một dấu son giữa lòng đô thị trải qua nhiều năm tháng…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)

(1):Trong hầu hết các tư liệu chúng tôi tham khảo đều ghi chiều dài 93m (có nơi ghi dài đến 133m), cao 21m và tháp chuông cao 36,6m. Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế, nhất là khi đối chiếu với hình ảnh ngôi nhà thờ khi chưa có mái tháp chuông, chúng tôi thấy số liệu về chiều cao tại đỉnh mái so với tháp chuông đã có điều bất cập. Thử đo đạc trên hình chụp để đối chiếu và suy ra chiều cao thực tế với sai số có thể chấp nhận được, chúng tôi thấy rằng nếu tháp chuông cao 36,6m thì chiều cao nhà thờ bao gồm cả cây thánh giá phải chừng 31m, còn đến đỉnh mái chỉ chừng 29m mới hợp lý. Có thể trong sao chép đã có sự nhầm lẫn ghi từ số 3 thành số 2 chăng? Riêng chiều dài ngôi nhà thờ, khi đối chiếu với không ảnh thì thấy kết quả “93m” là dễ chấp nhận hơn.

(2):Chưa đến 20 tấn là theo phỏng đoán của chúng tôi. Trong khi tham khảo các tư liệu, chúng tôi đã gặp 2 kết quà khác nhau: 25.850kg (Nhóm Tác giả - Giáo trình Trường Đào tạo Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn) và 28,85 tấn (Wikimedia). Tuy nhiên, cũng theo số liệu từ Wikimedia về trọng lượng 3 quả chuông lớn nhất (8.750kg - 3.150kg - 2.194kg) là số liệu mà chúng tôi đang sử dụng, thì 3 quả chuông còn lại phải nhỏ hơn 2.194kg x 3. Chính điều này đã phủ nhận kết quả 28,85 tấn của Wikimedia và cả 25.850kg của Nhóm Tác giả, nếu số liệu về 3 quả chuông lớn nhất do Wikimedia cung cấp là khả dĩ tin cậy.

Danh mục nội dung