» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

18/03/2011

LÀNG NGHỀ THÊU VĂN LÂM


Văn Lâm là một thôn thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, nơi có nghề thêu ren truyền thống qua nhiều đời. Với những miếng vải đủ màu sắc cùng những sợi chỉ mảnh mai, người thợ thêu ren Văn Lâm đã làm nên những sản phẩm khéo léo và phong phú về chủng loại, từ ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn ăn, khăn tay đến các loại tranh, ảnh… Sản phẩm của làng nghề Văn Lâm đã xuất biên đến nhiều nước trên thế giới như Italia, Pháp, Đan Mạch, Nhật, Hàn…

 

Ảnh: nguồn baotayninh.vn

Theo thần phả, nghề thêu Văn Lâm đã có từ hơn 700 năm trước. Tổ nghề là ông Đỗ Công Hậu, một vị tướng thời Trần không chỉ giỏi binh nghiệp mà còn có tấm lòng và đôi tay tài hoa. Tương truyền trong một lần giao lưu tướng tài tại Trung Hoa, ông đã có dịp chiêm ngưỡng một bức trướng tuyệt đẹp với đường kim mũi chỉ thật tinh tế. Trong vai trò người thưởng lãm, ông đã dụng công quan sát tỉ mẫn để tìm hiểu về nguyên lý chế tác và đưa những kiến thức tích cóp được về truyền lại cho dân làng.

 

Làng thêu ren Văn Lâm – Ảnh: nguồn lukhach24h.com

Để nói lên lòng ngưỡng vọng và sự trân trọng đối với tiền nhân đã có công truyền nghề cho con cháu, người Văn Lâm đã lập đền thờ tổ nghề thêu. Trên cột đá của đền có tạc hai câu đối thật ý nghĩa: “Mỹ nghệ hoa văn truyền hậu thế – Tài hoa cẩm tú ngưỡng tiên sinh”. Phải chăng đó là nét văn hóa ứng xử đã giúp nghề thêu tồn tại qua bao đời? Ngày nay Văn Lâm đã được công nhận làng nghề với gần 80% người dân biết nghề và thạo nghề, hơn 700 trong số 830 hộ gia đình theo nghề thêu ren, nhiều doanh nghiệp được thành lập, 14 tổ hợp phát triển nghề, có hiệp hội làng nghề và nhiều nghệ nhân làng nghề được phong tặng danh hiệu…

 

Ảnh: nguồn website dulịch Ninh Bình

 

 Ảnh: Lê Xuân (nguồn baoninhbinh.org.vn)

Trong nổ lực đưa làng nghề đến gần với công chúng, người Văn Lâm đã biết kết hợp làng nghề với khai thác du lịch. Du khách đến đây có thể lưu trú dài ngày tại các hộ dân và cùng nghỉ ngơi sinh hoạt với các người thợ nghề, để có nhiều điều kiện tìm hiểu những nét tinh tế trong khâu chế tác hoặc khám phá truyền thống văn hóa được chuyển tải qua từng tác phẩm hay đời sống của người dân…

 

Ảnh: nguồn lukhach24h.com

 

Ảnh: nguồn lukhach24h.com

 

Ảnh: nguồn lukhach24h.com

Đến với làng nghề thêu Văn Lâm, du khách sẽ có nhiều bất ngờ với hình ảnh “đình thợ - chợ nghề” mang nhiều hồn quê chân chất. Nếu “đình thợ” là nơi che mưa nắng, nơi người thợ có thể vận dụng trong lúc chờ đò hay đợi khách mà vẫn có thể làm ra sản phẩm thì “chợ nghề” lại là nơi bày bán sản phẩm rất trật tự. Người bán hàng còn biết tận dụng thời gian rảnh rỗi để thoăn thoắt bàn tay đưa đường kim mũi chỉ hoàn thiện những sản phẩm dở dang. Quả là người Văn Lâm đã biết quảng bá thương hiệu nghề cách thú vị và đơn giản.

Ảnh: nguồn vedepviet.net

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Văn Lâm đã góp mặt vào cuộc triển lãm kỷ niệm 1000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long bằng một tuyệt tác kỷ lục, đó là bức tranh thêu "Cội xưa" có chiều dài hơn 200m và chiều rộng gần 3m, đã được 700 tay thợ tài hoa Văn Lâm bền bỉ hoàn thành sau gần 1 năm lao động chuyên chăm. Bức tranh là bản phác thảo về cố đô Hoa Lư trong buổi đầu dựng nước trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, đồng thời cũng diễn tả quang cảnh vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đã thực sự tạo ấn tượng nơi người thưởng lãm và là một cách tiếp thị độc đáo, giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến làng thêu ren Văn Lâm với cả lòng ngưỡng mộ…

Mai Kim Thành       

Danh mục nội dung