» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

18/03/2011

CHÙA BÁI ĐÍNH - NINH BÌNH


Trong những ngày đầu xuân Canh Dần (2010), du khách đến Ninh Bình có dịp phó hội chùa Bái Đính lần đầu tiên khai hội và tận mắt chứng kiến ngôi chùa lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng với rất nhiều kỷ lục mà theo dự kiến đến năm 2015 mới thực sự hoàn thành.


Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ Online – 19.2.2010)


Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ Online – 19.2.2010)

Được khởi dựng từ năm 2004 trên một khuôn viên rộng 700ha thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, đến giữa năm 2008 chùa Bái Đính đã khánh thành giai đoạn 1. Tuy chưa chính thức hoàn thành, chùa Bái Đính không chỉ dừng lại ở ngôi chùa lớn nhất nước mà còn được xem là ngôi chùa lớn nhất vùng Đông Nam Á với quần thể kiến trúc gồm 20 hạng mục dựa vào thế núi rất kỳ vỹ… Đứng từ xa trông lên, chùa Bái Đính nổi bật giữa bầu trời xanh với những kiến trúc hàng hàng, lớp lớp, bao quanh là những ngọn núi tạo cảm giác đồ sộ giữa một thiên nhiên ngoạn mục, nên thơ…


Ảnh: Tiến Dũng (VnExpress.net – 8.6.2009)

 

Giếng Ngọc đường kính 35m – Ảnh: Hồng Tâm - Hồng Anh (nguồn dantri.com.vn – 8.2.2011)

 Qua khỏi cổng tam quan, du khách sẽ ấn tượng với tháp chuông 3 tầng gồm 24 mái, nơi đặt đại hồng chung lớn nhất Việt Nam với chiều cao 5,5m, đường kính miệng chuông 3,5m và nặng 36 tấn, trên thân có khắc lời chuông và bài kinh Đại bi Bát nhã cùng nhiều hoa văn theo chủ đề Phật giáo.

 

Tháp chuông – Ảnh: Tiến Dũng (VnExpress.net – 8.6.2009)

 

Đại hồng chung – Ảnh: Ha Anh (VnExpress.net – 8.2.2009)

 Tham quan chùa Bái Đính, du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi nơi đây cái gì cũng to lớn kỷ lục, từ tượng Như Lai Phật Tổ bằng đồng cao 9,5m, nặng 100 tấn đến tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng đồng cao 11m nặng 70 tấn, 3 pho tượng Tam thế Phật bằng đồng mỗi pho nặng 50 tấn, tượng Phật Di Lặc bằng đồng cao 10m nặng 80 tấn được an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật, đặc biệt hành lang La Hán có tổng chiều dài 1,8km chạy dọc hai bên từ cổng Tam quan đến điện Pháp Chủ với 500 tượng La Hán được tạc bằng đá xanh Thanh Hóa, mỗi tượng cao từ 2 đến 2,5m và nặng từ 2 đến 2,5 tấn được các nghệ nhân của làng khắc đá Ninh Vân kỳ công trau chuốt, thổi hồn vào đã trở nên sinh động với đủ sắc thái và cảm xúc khác nhau… Bên cạnh đó còn phải kể đến những bức hoành phi, những câu đối khổng lồ, những khối gỗ qúy được sơn son thếp vàng hay trong quá trình hoàn thiện, đã làm tăng nét rực rỡ và hoành tráng cho ngôi đại tự.

 

Tượng Như Lai Phật Tổ – Ảnh: Tiến Dũng (VnExpress.net – 8.6.2009)


Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm – Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ Online – 19.2.2010)


Tượng Tam thế Phật – Ảnh: Ha Anh (VnExpress.net – 8.2.2009)

 

Tượng Phật Di Lặc – Ảnh: Hồng Tâm - Hồng Anh (nguồn dantri.com.vn – 8.2.2011)


Hành lang tượng La Hán – Ảnh: Tiến Dũng (VnExpress.net – 8.6.2009)


Rước kiệu từ chùa mới về chùa cổ – Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ Online – 19.2.2010)

Với những gì nhìn thấy được, chùa Bái Đính quả thật xứng danh là ngôi chùa của những kỷ lục Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ tráng lệ của một chùa Bái Đính tân tạo, vẫn còn đó một Bái Đính cổ tự khiêm tốn ẩn mình sâu trong núi, có thể xem là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, rất đáng để du khách một lần cất công khám phá…  

Mai Kim Thành       

12 KỶ LỤC CỦA CHÙA BÁI ĐÍNH:

1. Chuông đồng lớn nhất, 30 tấn.
2. Pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng cao và nặng nhất, 150 tấn.

3. Bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn.

4. Chùa có Giếng Ngọc lớn nhất, đường kính 35m.

5. Ngôi chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất. Ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam (17.5.2008) trồng 100 cây bồ đề, chiết từ gốc bồ đề Ấn Độ, hiện hàng ngàn cây bồ đề mọc xung quanh chùa.

6. Ngôi chùa có hành lang La hán dài nhất với tổng chiều dài 1,8km. La hán đường với 500 vị La hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

7. Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức: cung nghinh 10 viên xá lợi Phật từ chùa Giác Quang (TP.HCM) đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính.

8. Bộ tượng Bát bộ Kim Cương bằng đồng nặng nhất, mỗi tượng nặng 4 tấn, cao 3,95m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni.

9. Tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất, đặt nơi cổng tam quan chùa. Mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m.

10. Bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất. Mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni.

11. Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất: đặt trong gian giữa của điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Điện cao 14,8m, dài 41,8m, rộng 17,4m gồm 7 gian với hệ thống cột bằng gỗ tứ thiết. Pho tượng nặng 80 tấn, cao 9,57m (tính cả bệ), riêng tượng cao 5,4m.

12. Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật.

Danh mục nội dung