» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

29/04/2011

LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM ĐÀ NẴNG


Nguyên là ngày vía Đức Phật Bà Quán Thế Âm của Phật giáo (19 - 2 âm lịch), lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức lần đầu tiên năm 1960 tại động Hoa Nghiêm (núi Thủy Sơn) nhân ngày lễ khánh thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Đến năm 1962, lễ được tổ chức tại động Quán Âm (núi Kim Sơn). Từ đó do chiến tranh và nhiều lý do đặc biệt khác, nhà chùa chỉ tổ chức lễ vía định kỳ. Mãi đến năm 1991, với sự hỗ trợ của chính quyền, lễ hội mới được phục hồi với nhiều hoạt động phong phú, kéo dài trong 3 ngày, khởi đầu cho những lần tổ chức với qui mô lớn vào những năm sau này.

 a

Đức Phật Bà Quán Thế Âm là hiện thân của sự cứu khổ, cứu nạn, một hình tượng rất gần gũi và thân thiết với người lao động bình dân Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, Ngài luôn có mặt ở khắp nơi và sẵn sàng cứu độ chúng sinh mỗi khi gặp tai ương hoạn nạn. Lễ hội Quán Thế Âm là dịp để mọi người tìm về bên Ngài như đàn con tìm về bên mẹ, chia sẻ những tâm tình và mong được vỗ về, đỡ nâng…

 a

Với mục tiêu nâng cấp các khu, điểm du lịch chính, chương trình hành động du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2000 đã ghi lễ hội Quán Thế Âm vào nội dung thứ nhất trong nỗ lực mở rộng không gian du lịch về phía Tây của khu di tích - danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi được đánh giá là “điểm hội tụ” của quần thể danh thắng nhưng từ lâu chưa được khai thác tiềm năng về du lịch.

 a

Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay được tổ chức tại chùa Quán Thế Âm, ngoài việc là một nghi lễ tôn giáo, còn là dịp ôn lại truyền thống, lịch sử địa phương, khơi gợi lòng từ bi hỷ xả, hướng thiện gắn Đạo pháp với Dân tộc. Ngoài phần lễ gồm lễ rước ánh sáng, lễ tế xuân (cúng sơn, thủy, thổ thần) cầu quốc thái dân an được tổ chức vào tối 18, lễ khai kinh, lễ trai đàn chẩn tế, thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc, lễ rước tượng Quán Thế Âm… vào sáng 19.

 a

Bên cạnh phần lễ mang nhiều tính tôn giáo, còn có phần hội với nhiều hoạt động văn hóa thể thao mang đậm tính dân tộc như thi kéo co, bắn nỏ, võ vật, cờ người, đua thuyền, thi sáng tác tranh tượng, triển lãm thư pháp và thiền trà, giao lưu thơ, nhạc, nghệ thuật, hội hoa đăng, hội thi hát hò khoan đối đáp, hội thi văn hóa ẩm thực (chay), các hoạt động của trại sinh Gia đình Phật tử… đã đem lại một không khí vui tươi và phấn khởi cho người tham dự.

 a

 a

Du khách đến với lễ hội không chỉ tìm vui nơi cuộc tụ hội đông người mà còn hướng lòng thành tâm, mong tìm được sự bình an thanh thản trong tâm hồn…

Mai Kim Thành     

Ảnh: nguồn daophatngaynay.com

Danh mục nội dung