» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản

thu nhỏ | phóng to

26/07/2011

RƯỢU LÀNG VÂN


Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc,
        Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam.”

Đó là nội dung đôi câu đối được ghi trên cổng làng cổ kính. Bước qua chiếc cổng ấy, du khách đã đặt chân vào làng Vân thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, một vùng văn hóa cổ lừng danh với nghề nấu rượu truyền thống. Rượu làng Vân nổi tiếng không chỉ đi vào thơ ca mà còn vượt cả ranh giới của địa phương để đến với những tay “hảo hớn” trên khắp mọi miền đất nước.

Ảnh: nguồn lichsuvn.info

Không ai biết được thời điểm đích xác xuất hiện rượu làng Vân nhưng cứ theo tục truyền, khi đi qua một trường đua trên đường đem quân mai phục bên đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục đã hào hứng khao quân bằng rượu gạo làng Vân “nhấm” với dưa hấu đỏ, từ đó người ta phỏng đoán chí ít người làng Vân cũng đã biết nấu rượu từ thế kỷ 6, hồi Triệu Quang Phục đem quân đánh giặc Lương. Trong thời phong kiến, rượu làng Vân là loại tiến vật dâng lên vua chúa, được sử dụng trong các yến tiệc chốn cung đình. Năm Chính Hòa thứ 24 (1703), vua Lê Thế Tông đã ban tặng sản vật rượu làng Vân danh hiệu “Vân hương mỹ tửu”.

Cổng làng Vân – Ảnh: nguồn daovien.net

Để có được rượu ngon, người làng Vân phải dùng đến loại gạo được trồng cấy trên chính cánh đồng làng Vân mà ngon nhất phải kể đến nếp cái hoa vàng, lại còn phải nhờ vào loại men gia truyền được làm từ 35 loại thuốc Bắc qúy hiếm cộng với nguồn nước tinh khiết được lấy từ các giếng khơi trong làng. Cơm nếp trộn với men sẽ được ủ khoảng 72 giờ, sau đó đổ thêm nước vào ngâm tiếp chừng 72 giờ nữa mới đem chưng cất để thành loại nước tinh túy trời đất ban tặng cho con người. Rượu ngon phải vừa độ và uống êm không sốc. Rượu làng Vân luôn có nồng độ chừng 45 - 46º, chai rượu nhìn thấy trong nhưng lắc mạnh phải sủi tăm, đó mới là dấu chứng rượu làng Vân “thứ thiệt”.

Lò nấu rượu ở làng Vân – Ảnh: sưu tầm (nguồn vtc.vn)

Đáng tiếc là chừng mươi năm trở lại đây, trong số gần 800 hộ chuyên nghề nấu rượu làng Vân hiện nay, chỉ duy nhất hộ của vợ chồng anh Nguyễn Đức Hạnh và chị Diêm Thi Dung là còn sử dụng nguyên liệu nếp cái hoa vàng chưng cất rượu truyền thống, số còn lại đều đã chuyển sang nấu rượu sắn (khoai mì) theo nhu cầu thị trường. Để nấu loại rượu này, sắn khô từ Hòa Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn… được nhập về, thái thành khúc chừng 5 – 7cm rồi bổ dọc, ngâm vài giờ cho lơi vỏ. Sắn sau khi rửa sạch sẽ được hấp chín, trộn và ủ men đủ một ngày, tiếp đến châm nước rồi ngâm lên men cho đến khi dậy mùi thơm (chừng 2 ngày) mới đem chưng cất. Rượu sắn cũng thơm, ngon không kém gì rượu gạo nên nếu không tinh ý hoặc không phải “con nhà nghề” thì rất khó phân biệt đâu là rượu gạo, đâu là rượu sắn. Có điều do công đoạn nấu rượu sắn được rút ngắn và giá một lít rượu sắn cũng chỉ bằng 1/4 giá một lít rượu nếp cái hoa vàng nên thị trường tiêu thụ mạnh rượu sắn âu cũng là điều dễ hiểu.

Ảnh: nguồn goldenlink.vn

Trước hiện trạng nhà nhà nấu rượu sắn, một vị cao niên trong làng đã chia sẻ: “Cả làng Vân bây giờ đều xắn tay nấu rượu sắn, nhưng cũng cả làng Vân không ai biết uống rượu sắn…”. Lời trần tình ấy đủ nói lên tính “không đảm bảo” của chất lượng rượu sắn. Cũng theo sự tiết lộ từ những “tay rượu” trong làng, rượu sắn làng Vân khi đến tay người tiêu dùng cũng chỉ còn độ 1/3 chất lượng – các thương lái sau khi mua rượu làng Vân về, đã pha thêm đến 2/3 cồn mía và nước lã cho đủ nồng độ. Điều này không chỉ làm mất uy tín của rượu làng Vân mà còn đặt ra một vấn đề đáng báo động đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Ảnh: nguồn chaobuoisang.net

Đứng trước thực trạng đau lòng ấy, những người có tâm huyết với rượu làng Vân không tránh khỏi lo ngại, bức xúc. Hiện chính quyền xã Vân Hà đang có đề án khôi phục làng nghề nấu rượu gạo truyền thống. Ban đầu sẽ vận động 1/3 số hộ có vốn chuyển sang nấu rượu gạo, và nếu thành công thì cả làng sẽ chuyển sang nấu rượu gạo truyền thống. Hy vọng dự án không chỉ là dự án, mà sẽ được hưởng ứng của cả cộng đồng, để rượu làng Vân sớm trở lại thời “oanh liệt” với dòng sản phẩm từng được mệnh danh “Vân hương mỹ tửu”…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung