» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

27/08/2011

VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT


Từ thành phố Vinh vượt 50km đến ngả ba Diễn Châu, rồi ngược hướng biên giới Việt - Lào chừng 80km sẽ đến được Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi duy nhất ở Việt Nam hệ sinh thái rừng nhiệt đới được bảo tồn khá nguyên vẹn, có nhiều giá trị về đa dạng sinh học và rất phong phú với các nguồn gen hoang dã, qúy hiếm.

Vườn Quốc gia Pù Mát – Ảnh: nguồn pumat.vn

Vườn Quốc gia Pù Mát – Ảnh: nguồn pumat.vn

Nằm về phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, giáp với biên giới Lào - Việt ở phía Tây và trải dài trên sườn đông của dải Trường Sơn thuộc 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Vườn Quốc gia Pù Mát nguyên là Khu Bảo tồn thiên nhiên được thành lập từ năm 1995, đến ngày 8-1-2001 đã được chuyển thành Vườn Quốc gia với diện tích 91.113ha vùng bảo vệ nghiêm ngặt và 86.000ha vùng đệm. Nơi đây bị chia cắt bởi ba hệ suối chính Khe Thoi, Khe Khặng và Khe Bu với ba kiểu địa hình tiêu biểu là núi đá, núi đất và thung lũng khá hiểm trở và phức tạp.

Cây Sa mu dầu có đường kính 4,5m – Ảnh: nguồn vinhcity.gov.vn

Cây Sa mu dầu có đường kính 4,5m – Ảnh: nguồn vinhcity.gov.vn

Vườn quốc gia Pù Mát có hệ thực vật rất phong phú với 2.494 loài thực vật thuộc 931 chi, 202 họ, trong đó 68 loài có nguy cơ tuyệt chủng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, 41 loài có tên trong sách đỏ thế giới (IUCN) năm 2004. Nơi đây có tới 220 loài cây thuốc qúy như Hà thủ ô, Thổ phục linh, Quế, Ba kích, Hoài sơn…, gần 100 loài rau và cây ăn quả. Hệ động vật cũng phong phú với 132 loài thú thuộc 11 bộ, 30 họ, trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ. Nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ thế giới, điển hình như Voi (gồm 3 đàn với 17 con, trong đó có 2 con mới sinh khoảng tháng 2 và tháng 10 năm 2009), Hổ, Báo gấm, Sơn dương, Voọc, Vượn đen má trắng, Chà vá chân nâu, Gấu chó, Lợn rừng, Gấu ngựa, Khỉ đuôi lợn, Chồn, Mang Trường sơn… đặc biệt Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới; 307 loài chim thuộc 47 họ, 13 bộ bao gồm cả chim bản địa và chim di cư, với 10 loài nằm trong Sách đỏ IUCN 2004, tiêu biểu như Trĩ sao, Hồng hoàng, Niệc cổ hung, Công, Gà lôi trắng, Gà tiền, Cao cát, Diều cá bé…; 33 loài lưỡng cư, 53 loài bò sát trong đó có 16 loài Rùa, 12 loài Tắc kè, Kỳ đà, 25 loài rắn; 83 loài cá thuộc 56 chi, 19 họ tiêu biểu là cá Chình, cá Lăng, cá Mát, cá Lấu; 399 loài bướm trong đó có 83 loài bướm Sừng và 11 loài bướm Hoàng đế.

Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) – Ảnh: nguồn pumat.vn

Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) – Ảnh: nguồn pumat.vn

Thác Khe Kèm – Ảnh: nguồn pumat.vn

Thác Khe Kèm – Ảnh: nguồn pumat.vn

Đến với Vườn Quốc gia Pù Mát, bên cạnh việc tận hưởng bầu khí trong lành mát mẻ, du khách còn được tham gia các loại hình dã ngoại sinh động như khám phá khu rừng cây lùn, rừng sa-mu với cây sa-mu dầu trên nghìn năm tuổi có chu vi thân 23,7m và đường kính thân đến 5,5m, cao khoảng 70m ở thượng nguồn Khe Bu đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận “Cây Di sản Việt Nam” cần được bảo tồn và phát triển nguồn gène, chiêm ngắm vẻ đẹp của Khe nước Mọc, thác Khe Kèm… hoặc tìm hiểu đời sống các dân tộc ít người sống trong vùng đệm với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, ghé thăm bản dân tộc Đan Lai (dân tộc ít người chỉ còn duy nhất ở Con Cuông), nghe giải thích về nguồn gốc của họ qua truyền thuyết “mái thuyền liền chèo và trăm cây nứa vàng” hoặc tập tục “ngủ ngồi” độc đáo…, chắc hẳn sẽ đọng lại nơi du khách nhiều kỷ niệm khó quên…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung