» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
19/10/2011
HẠ LONG - KỲ QUAN VỊNH BIỂN
Nằm về phía Đông Bắc Việt Nam tại trung tâm vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long là một vịnh nhỏ với diện tích 1.553km² thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc bộ, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn với 1.969 đảo đá được thiên nhiên xếp đặt một cách thần kỳ, tựa như những viên ngọc bích lung linh trên dải lụa biển xanh biêng biếc.
Hòn Gà Chọi, biểu tượng vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn depbonphuong.com
TỪ HUYỀN SỪ ĐẾN HIỆN THỰC
Hạ Long gắn với huyền sử con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn sức mạnh truyền thống đã được biểu tượng hóa qua bao thời đại. Truyền thuyết kể rằng trong miên trường lịch sử, mảnh đất này đã từng được sự che chở của Rồng thần. Một hôm giặc giã kéo đến, nghe tiếng kêu la vang vọng của con dân, Trời liền sai rồng mẹ dẫn đàn rồng con xuống ứng cứu. Đàn rồng đã phun châu nhả ngọc đánh tan tác quân thù. Từ đó vùng biển nơi đàn rồng hạ xuống được gọi là “Hạ Long” (rồng hạ xuống), các núi đảo nhấp nhô chính là các châu báu do rồng phun ra. Ngay gần đấy là vịnh Bái Tử Long nơi các rồng con sau khi hoàn thành sứ mệnh đã tìm về báo công với rồng Mẹ. Xa tít ngoài khơi còn có đảo Bạch Long Vĩ tức bán đảo Trà Cổ ngày nay, nơi đàn rồng mừng thắng lợi vùng vẫy quẫy đuôi tung bọt nước trắng xóa. Trên vịnh biển này còn có nhiều hòn đảo, địa danh mang tên rồng như Cái Rồng, Xương Rồng, Ngọc Rồng, Hòn Rồng…
Sắc tím huyền ảo – Ảnh: Hoang Thanh Van (VnExpress – 7.1.2010)
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Hạ Long với vị trí tiền tiêu luôn hoàn thành các sứ mạng của dân tộc và đã có những địa danh đi vào lịch sử oai hùng như Bãi Cháy, hang Đầu Gỗ, núi Bài Thơ…
Thực tế tên Hạ Long chưa từng được biết đến trong các thư tịch cổ của Việt Nam trước thế kỷ XIX mà chỉ mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải Vịnh Bắc Bộ do người Pháp lập vào cuối thế kỷ XIX. Truớc đó, khi đề cập đến khu vực vịnh Hạ Long ngày nay, các sử sách cổ đều ghi bằng các tên như Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Lục Châu, Lục Thủy, Giao Châu…
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn dulichvietnam247.com
HẠ LONG - THIÊN NHIÊN KỲ THÚ
Trên một diện tích không mấy rộng, Hạ Long tập trung dày đặc các đảo đá đủ hình thù với 90% đảo đá vôi tạo nên một bức tranh khổng lồ với những nét nhấn nhá vô cùng sống động. Thiên nhiên đã kỳ công đẻo gọt để những đảo đá vô tri trở thành những tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ, lung linh giữa sắc nước hương trời…
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn halongtravelling.com
Du khách đi giữa Hạ Long ngỡ như lạc vào thế giới cổ tích với những hình thù bị hóa thạch từ thuở nào. Này là hòn Đầu Người tựa như tượng Nhân Sư Ai Cập đang tì cằm trên mặt nước, nọ là hòn Cánh Buồm với hai cánh buồm đồ sộ đang rẻ sóng ra khơi, kia là hòn Trống Mái với hình ảnh đôi gà đang gườm nhau chuẩn bị cho một cuộc so găng ngoạn mục, đó là hòn Thiên Nga ấn tượng với hình ảnh con thiên nga vươn đầu lên cao, bao quanh còn nhiều hòn đảo khác như những khán giả đang bị mê hoặc bởi một vũ điệu đắm say…
Hòn Con Cóc – Ảnh: nguồn dulichhalong.org
Hạ Long càng trở nên quyến rũ khi trong lòng các đảo đá là cả một thế giới sinh động với những hang động kỳ bí. Du khách đến đây không khỏi trầm trồ trước những sáng tạo tài tình của tự nhiên với vô vàn nhũ đá ở động Thiên Cung làm liên tưởng đến các mê cung trong chuyện ngàn lẻ một đêm, du khách cũng ấn tượng với những nhủ đá tráng lệ mang nét trầm mặc uy nghi ở hang Đầu Gỗ hay bất ngờ thích thú với sân khấu opera thời Trung cổ có cột nhủ khổng lồ nối thẳng từ nóc xuống nền ở hang Sửng Sốt…
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn test.laodong.vn
Quần thể đảo đá Hạ Long đã trở thành một thực thể kỳ diệu, tùy theo thời gian và góc độ mà có những biến hóa khôn lường, khiến bất cứ ai khi đối mặt đều khó tránh khỏi những cảm xúc nôn nao cùng lòng kính ngưỡng chân thành.
HẠ LONG, CÁI NÔI CỦA NỀN VĂN HÓA CỔ
Từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước và cho đến gần đây, các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã tổ chức nhiều cuộc thám sát khảo cổ và văn hóa trên vùng vịnh Hạ Long, với 37 di chỉ được phát hiện đã minh chứng sự hiện diện từ khá sớm của những cư dân tiền sử, nhiều di chỉ của người tiền sử để lại ở rất nhiều bãi cát, hang động ven đảo và trên bờ quanh vùng vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn vietnamtravellook.com
Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã có thể tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại nối tiếp nhau, gồm văn hóa Soi Nhụ (trong khoảng 18.000 – 7.000 năm trước Công nguyên) phân bố chủ yếu trong khu vực các đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; văn hóa Cái Bèo (trong khoảng 7.000 – 5.000 năm trước Công nguyên) là gạch nối giữa văn hóa Soi Nhụ và văn hóa Hạ Long với các di chỉ phân bố trên các bờ vũng hay vịnh kín gió; văn hóa Hạ Long (cách ngày nay khoảng 5.000 – 3.500 năm trước Công nguyên) với giai đoạn sớm gồm các di chỉ phát hiện ở vùng Đông Bắc và Quảng Ninh mà tiêu biểu có di chỉ Thoi Giếng, giai đoạn muộn chủ yếu ở vùng Hạ Long, Bái Tử Long và phụ cận.
Mưu sinh trên biển – Ảnh: Hoang Thanh Van (VnExpress – 7.1.2010)
Trong giai đoạn văn hóa Soi Nhụ, nhiều tầng vỏ ốc suối hay ốc núi cùng các công cụ thô sơ bằng đá được tìm thấy trong các hang động trên vịnh Hạ Long đã minh chứng sự hiện diện của các cư dân cổ, điển hình tại cửa động Mê Cung với những tầng vỏ ốc dày tới hàng mét đã bị người xưa bẻ đuôi. Qua giai đoạn văn hóa Cái Bèo, con người đã biết kết hợp khai thác biển với săn bắn và hái lượm. Giai đoạn văn hóa Hạ Long với đặc trưng rìu có vai, bôn có nấc (các loại rìu bôn này không tìm thấy ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam), gốm xốp… Từ các di chỉ khảo cổ ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, các di vật phát hiện đã minh chứng nguồn gốc bản địa của văn hóa Hạ Long, kết quả của giao lưu và trao đổi với các nền văn hóa khác, đặc biệt ở giai đoạn muộn.
Hang Bồ Nâu – Ảnh: Lê Việt Hải (VnExpress – 27.1.1010)
HẠ LONG - DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI
Trong bài thơ “Lộ nhập Vân Đồn” được sáng tác từ hơn 500 năm trước, anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã không tiếc lời ca ngợi vịnh Hạ Long là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao”. Năm 1962, Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời qui hoạch vùng bảo vệ. Đến năm 2009 Nhà nước Việt Nam đã xếp hạng Hạ Long là Di tích quốc gia đặc biệt.
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn dulichvietnam.asia
Không chỉ là một danh thắng, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái biển và ven bờ cùng nhiều tiểu hệ sinh thái khác nhau với hàng ngàn loài động, thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có hệ sinh thái tùng áng đặc thù không nơi nào có, 14 loài thực vật và 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện.
Vịnh Hạ Long – Ảnh: nguồn doanhnhan360.com
Ngày 17-12-1994, trong phiên họp lần thứ 18 Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vùng lõi của vịnh Hạ Long với diện tích 434km² bao gồm 775 đảo, giới hạn bởi ba đỉnh Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam) và đảo Cống Tây (phía Đông) đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về “giá trị thẩm mỹ”. Ngày 2-12-2000 tại hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản thế giới nhóm tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia, đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai bởi giá trị ngoại hạng toàn cầu về “địa chất địa mạo”. Tháng 7-2003, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh biển được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận.
Sắc vàng lung linh – Ảnh: Hoang Thanh Van (VnExpress – 7.1.2010)
Ngày 29-7-2011, Tổ chức New Open World (NOW) đã trao giấy chứng nhận vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 28 địa danh lọt vào vòng chung kết bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vào tối ngày 11-11-2011, Tổ chức New Open World đã thông báo đến Ban quản lý danh thắng vịnh Hạ Long một tin vui : Di tích quốc gia Vịnh Hạ Long đã tạm thời góp mặt trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Sau hơn 4 tháng đối soát, sáng ngày 30-3-2012 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (Việt Nam), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức New 7 Wonders đã tổ chức họp báo công bố chính thức Vịnh Hạ Long của Việt Nam trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cùng với Rừng Amazon (Nam Mỹ), Thác Iguazu (Achentina, Brazil), Đảo Jeju (Hàn Quốc), Công viên Komodo (Indonesia), Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và Núi Bàn (Nam Phi).
Kỳ quan đá dựng giữa trời cao – Ảnh: nguồn yamaha-motor.com.vn
Đến Hạ Long hôm nay, du khách có thể thỏa sức khám phá những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Con tàu sẽ đưa du khách đi từ hang động này đến hang động khác, hoặc nhẫn nha giữa lòng vịnh chiêm ngắm cảnh quan hùng vĩ mà cũng rất sống động, nên thơ. Đi giữa vịnh Hạ Long, du khách không có cảm giác đi giữa những đảo đá vô tri tĩnh lặng mà ngỡ như đang lạc vào chốn thiên thai, lâng lâng với cảm giác phiêu bồng giữa thênh thang gió núi mây ngàn…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- KHU DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ (QUẢNG NINH) 10/02/2013