» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/02/2013

KHU DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ (QUẢNG NINH)


"Vũ trụ chốn cùng xa: biển biếc
Nói cười ta ở giữa mây xanh…"

              Nguyễn Trãi

Nằm trong dãy núi cánh cung Đông Triều trùng điệp của vùng Đông Bắc, Yên Tử là một ngọn núi thuộc xã Thượng Yên Công (thị xã Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh), cách đường 18A 14km và trung tâm thị xã Uông Bí 17km về phía Tây Bắc, cách thành phố Hạ Long chừng 40km về phía Đông Nam và cách trung tâm Hà Nội chừng 140km về phía Đông Bắc.

 Khu di tích danh thắng Yên Tử

Khu di tích danh thắng Yên Tử – Ảnh: nguồn dulichhalong.org

Trong tâm thức nhiều người, Yên Tử không chỉ là thắng cảnh mà còn là danh lam bởi nơi đây hiện diện nhiều công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng và là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ thế kỷ XIII - một dòng thiền Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng thể hiện rõ nhất tư tưởng và tâm hồn người dân Việt.  

TỪ THẮNG CẢNH ĐẾN DANH LAM

Là ngọn núi cao nhất và đẹp nổi tiếng của vùng Đông Bắc với độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử sừng sửng tựa con voi nằm phủ phục tạo nên một non thiêng vừa uy nghi vừa hùng vĩ. Do trên đỉnh núi thường có mây mù bao phủ nên trước đây Yên Tử từng được gọi là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng). Ngay từ xa xưa, Yên Tử đã được xếp vào hàng danh sơn đất Việt.

Danh thắng Yên Tử  

Danh thắng Yên Tử – Ảnh: nguồn skydoor.net

Vào những ngày trời quang nắng đẹp, đứng trên đỉnh Phù Vân du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng Đông Bắc rộng lớn, xa xa về phía Đông Nam là vịnh Hạ Long trùng trùng đảo đá nhấp nhô như những con rồng đang hướng về vùng non thiêng Yên Tử, phía Nam là thành phố Hải Phòng với dòng sông Đá Bạc, Bạch Đằng uốn lượn lờ như một dải lụa mềm, phía Tây là ngọn núi thiêng Chí Linh của tỉnh Hải Dương với khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, phía Bắc là cánh đồng trải dài của tỉnh Bắc Giang… Vào thế kỷ X, đạo sĩ An (Yên) Kỳ Sinh đã đến đây lập chùa Phù Vân và tu hành đắc đạo, hóa thân thành tượng đá còn đứng trầm ngâm giữa đất trời mênh mang…

 Hấp dẫn khách du lịch

Non thiêng Yên Tử hấp dẫn khách du lịch – Ảnh: nguồn cinet.gov.vn

Cảnh đẹp Yên Tử với vị trí đắc địa, tích tụ đủ tú khí non sông đã trở thành chốn thiêng, khiến một đấng quân vương kiệt xuất như Trần Nhân Tông khi quyết định rũ bỏ bụi trần để khoác áo cà sa, đã chọn nơi đây làm chốn tịnh độ để giác ngộ Phật pháp, lập nên thiền phái Trúc Lâm thuần bản sắc văn hóa Việt. Trong gần 10 năm tu tập tại đây, Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông) đã cho xây dựng hàng trăm công trình trên núi Yên Tử gồm chùa, am, tháp, tượng, bia nằm rãi rác giữa rừng cây cổ thụ, tạo thành một quần thể danh lam hài hòa giữa cảnh trí thiên nhiên, để lại cho hậu thế một phức hợp “danh lam thắng cảnh” vừa có giá trị về cảnh quan, vừa có giá trị cả về mặt văn hóa và lịch sử.

Danh lam và thắng cảnh Yên Tử  

Danh lam và thắng cảnh Yên Tử – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Nhân đề cập đến cụm từ “danh lam thắng cảnh”, tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để đính chính sự ngộ nhận bấy lâu nay đã dẫn đến việc hiểu sai ý nghĩa của từ nguyên. “Lam” gốc tiếng Phạn có nghĩa là “chùa” - “Danh lam” là một ngôi chùa danh tiếng, được nhiều người biết đến; “Thắng cảnh” là cảnh đẹp nói chung. Trong thời xa xưa, những bậc chân tu thường thích tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc dựng am, lập chùa để tu trì giữa chốn thiên nhiên hoang sơ u tịch. Cái đẹp tự nhiên của chốn sơn lâm được điểm xuyết bởi những công trình tôn giáo cổ kính trầm mặc như những nét chấm phá tuyệt vời đã làm ấm lại không gian, tạo nên vẻ gần gũi hài hòa mang đậm tính nhân văn, được người xưa gộp chung và trân trọng gọi là “danh lam thắng cảnh”. Sẽ thật không ổn khi dùng cụm từ “danh lam thắng cảnh” để chỉ một vùng cảnh quan mà ở đó không có một ngôi chùa nào (!).  

HÀNH TRÌNH YÊN TỬ

Vẻ đẹp Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa quyện với nét cổ kính của hệ thống am, chùa, tháp, tượng được bố trí theo hai trục dọc ngang, cắt nhau ở chùa Hoa Yên. Trục dọc theo lối du khách hiện đang đi từ chân núi lên đỉnh Phù Vân, còn trục ngang đã bị thời gian gần 700 năm làm cho bít lối. Hành trình chinh phục Yên Tử dài 6km đưa du khách đi qua những con đường Tùng, Thông, Đại, Trúc, Mai thật đẹp, được gia cố bởi hàng ngàn bậc đá xếp rất chắc chắn. Vào mùa Xuân, lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng Ba âm lịch đã hấp dẫn rất đông khách đến nơi đây không chỉ hành hương mà còn cả vãng cảnh…

 Đường lên Yên Tử

Đường lên Yên Tử – Ảnh: nguồn muachung.vn

Khởi từ suối Giải Oan - một trong 28 con suối phải qua mới vào được chân núi Yên Tử, du khách có thể được nghe câu chuyện thương tâm về các cung nữ đã trầm mình nơi đây sau khi không ngăn cản được quyết tâm tu hành của vua Trần Nhân Tông. Du khách phải vượt dốc Lò Rèn, theo con đường Xích Tùng xuyên qua cánh rừng có nhiều cây cổ thụ trên dưới bảy trăm năm tuổi trước khi lên đến chùa Vân Yên (mây khói) ở độ cao 543m. Vua Lê Thánh Tông khi lên thăm chùa Vân Yên, thấy hoa nở đầy sân chùa đã cho đổi tên thành Hoa Yên.

Chùa Hoa Yên  

Chùa Hoa Yên – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Bên phải chùa Hoa Yên còn có am Thiền Định, nơi Điều Ngự Giác Hoàng thường tới tham thiền nhập định. Từ đây theo một nhánh rẽ, đi một quảng đường ngắn là đến thác Ngự Dội nước tuôn trắng xóa, tương truyền nơi vua Trần thường lui tới tắm táp. Bên trái cách chùa Hoa Yên khoảng 200m có ngôi chùa Một Mái, tên chữ là Bán Thiên tự, nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Đây là nơi cất giữ văn tự và là nơi vua Trần thường tới đọc sách. Từ chùa Một Mái đi tiếp sang bên phải là am Dược Tiên, am Hoa, am Diêm. Theo sử sách, am Hoa hay còn gọi am Thung là nơi bào chế thuốc, còn am Dược cách đó không xa là nơi trồng thuốc. Hiện quanh khu vực am Dược chỉ còn lại bức tường đá và vẫn còn nhiều cây thuốc, đặc biệt quý là loại sâm Nam. Khi mùa Xuân đến, người dân quanh vùng vẫn thường đến khu vực này khai thác.

 Chùa Một Mái

Chùa Một Mái – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Dọc theo con đường Xích Tùng cổ không còn người đi, thấp thoáng dưới những bóng tùng là khu vườn tháp Huệ Quang hay khu tháp Tổ với gần 100 mộ tháp có kiến trúc thời Trần, hầu hết đã bị bọn trộm cổ vật đào rỗng ruột đổ nghiêng ngả hoặc cho nổ mìn vỡ tung tóe. Tại đây có ngôi Huệ Quang kim tháp bằng đá sáu tầng cao 11 thước là ngọn tháp đẹp nhất được vua Trần Anh Tông xây dựng năm 1309, chôn xá lị của Điều Ngự Giác Hoàng, bên trong thờ tượng vua Trần Nhân Tông, hai bên tháp có hai giếng nước tự nhiên được coi là mắt rồng linh thiêng.

 Huệ Quang Kim Tháp

Huệ Quang Kim Tháp, nơi đặt Xá lợi Trần Nhân Tông – Ảnh: Xuân An (nguồn qdnd.vn)

Ngược lên độ cao 800m, du khách sẽ gặp chùa Bảo Sái, một trong những ngôi chùa được xây dựng từ rất sớm. Chùa mang tên một vị đệ tử của vua Trần Nhân Tông (xếp vị trí thứ tư sau Trúc Lâm tam Tổ). Phía bên phải chùa là một ngườm đá, thờ Điều Ngự Giác Hoàng. Từ chùa Bảo Sái qua bên phải khoảng 500m là chùa Vân Tiêu, có nghĩa mây lên đến đây là tan biến hết. Phía trước chùa có khu vườn tháp trong đó có ngọn tháp Vọng Tiên cung 9 tầng 6 cạnh, được xây trên bệ tháp hình con rùa rất đẹp.

Tượng đá An Kỳ Sinh  

Tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử – Ảnh: nguồn uongbi.org

Theo con đường dẫn tới đỉnh núi, du khách được mục kích tượng đá An Kỳ Sinh, tượng trưng cho một An Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo, đã hóa thân vào khối đá tự nhiên dựng đứng, trông tựa như một nhà sư đang thiền định giữa mênh mang núi rừng. Từ đây men theo sườn núi lên đỉnh Phù Vân, du khách sẽ đến được chùa Đồng, điểm cao nhất của núi Yên Tử.

 Chùa Đồng trên đỉnh Phù Vân

Chùa Đồng trên đỉnh Phù Vân – Ảnh: nguồn thegioiphatgiao.net

Nguyên chùa Đồng có tên chữ là Thiên Trúc tự, được dựng vào thời hậu Lê do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức. Ban đầu chỉ là một cái khám nhỏ làm bằng khung sắt, mái đồng. Năm Canh Thân (1740) đời Lê Hiển Tông nguyên niên, một cơn bão đã làm bật mái chùa, sau lại bị kẻ gian dỡ phần còn lại chỉ để lại dấu tích các hố cột trên mỏm đá. Sau đó một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng nhưng bằng bê-tông. Năm 1993, một số Phật tử hải ngoại đã công đức dựng lại chùa mới bằng đồng với quy mô nhỏ, đặt ngay bên chùa Đồng bê-tông. Đến năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án tôn tạo lại chùa Đồng thay thế chùa Đồng cũ. Chùa mới có diện tích 20m², chiều cao từ cột tới mái là 3,35m, các hoa văn, họa tiết, đầu đao, bệ mái đều được trang trí tinh xảo, mô phỏng theo phong cách thời Trần. Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập từ Australia.

 Công trình tượng Phật Hoàng

Công trình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Ảnh: nguồn tranvanminh.biz

Từ cuối năm 2009, công trình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được khởi công trên đường từ tượng đá An Kỳ Sinh đến chùa Đồng, tại vị trí tương truyền ngày trước Điều Ngự Giác Hoàng thường đến tọa thiền và ngắm nhìn phong cảnh đất nước. Đây là một công trình đồ sộ với thân tượng cao 9,9m nặng hơn 100 tấn ngồi trên bệ và đài sen, rất có thể đã vô tình làm phá vỡ tổng thể của chốn thiêng Yên Tử vốn được Tổ Điều Ngự Giác Hoàng bố cục thật tài tình dựa trên tinh thần khiêm nhu của đạo thiền - nhỏ bé trước thiên nhiên và hài hòa với thiên nhiên (!).

 Nhà ga cáp treo

Nhà ga cáp treo được xây dựng theo lối cổ – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Nếu trước đây du khách chỉ có thể bằng đường đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua cây cỏ bạt ngàn, dưới những tán rừng Trúc, rừng Thông quanh năm che mát, thì giờ đây du khách có thể theo đường cáp treo hiện đại gồm 2 chặng - từ dưới chân chùa Giải Oan lên đến gần chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên lên gần tới chân chùa Đồng. Với cách này du khách có điều kiện cùng cáp treo bay bổng trên những ngọn cây, ngắm nhìn cảnh núi rừng Yên Tử từ từ trôi qua tầm mắt. Có điều, nhiều người vẫn thích chọn con đường du lịch truyền thống để có thể túc tắc thăm thú tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời cùng con người đã kiến tạo nên nơi đây.

YÊN TỬ  - DI SẢN VĂN HÓA VÀ DANH THẮNG

Yên Tử là cái nôi của một dòng Thiền nhập thế và thuần Việt, do một vị vua người Việt sáng lập từ thế kỷ XIII và đã trở thành trung tâm Phật giáo của Đại Việt. Nằm ngay cạnh Yên Tử, Đông Triều không chỉ là quê hương của nhà Trần mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh đặc sắc của một triều đại có đóng góp nhiều nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, với 3 lần làm tiêu tan ý đồ xâm lược của giặc Nguyên - Mông.

   Tháp đá hiếm hoi còn nguyên vẹn

 Tháp đá hiếm hoi còn nguyên vẹn trong rừng Yên Tử – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, những bản kinh văn, văn bia, hoành phi, câu đối, đại tự, sắc phong… cùng các tác phẩm văn học của các vị thiền sư vốn là các bậc tài danh, trí thức lớn đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng qúy giá, bên cạnh những kiến trúc đền, miếu, chùa, tháp, lăng mộ… cổ kính và đặc sắc có giá trị cao về mặt mỹ thuật. Điều này cho thấy Yên Tử có một giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo và nổi bật thuộc vào hàng “hiếm” trên thế giới.

  Lâm tặc đập vỡ tượng đá  

 Lâm tặc đập vỡ tượng đá để tìm vàng – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Những công trình này các nhà khoa học đều biết đến trong sử sách, nhưng nằm chính xác ở đâu thì chỉ có những suy đoán mù mờ bởi đã có lúc chúng bị lãng quên mặc cho cây rừng che phủ và thời gian tàn phá. Chỉ mới chừng vài mươi năm trở lại đây, những công trình này mới được đánh thức không phải bởi các nhà khoa học, văn hóa hay chính quyền mà là bởi… lâm tặc. Chính bọn lâm tặc trong quá trình phát cây mở đường đã phát hiện ra nhiều bậc đá của những con đường cổ dẫn đến các ngôi chùa, am đá với những tượng, bia, voi, ngựa bằng đá. Nghĩ là kho báu của “người Tàu”, đám lục lâm thảo khấu đã chuyển sang nghề săn cổ vật và thế là một cuộc tàn sát đã diễn ra hết sức khốc liệt. Với xà beng, cuốc, xẻng, thậm chí cả dùng mìn tự tạo, bọn chúng đã phá sập chùa cổ, đào đổ am đá, chặt đầu voi, ngựa… chỉ để tìm vàng bạc hay đồ cổ.

   Rồng đã cũng bị đập vỡ

 Rồng đá cũng bị đập vỡ tan tành – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Chỉ sau khi các di sản 700 năm bị bọn săn tìm đồ cổ phá hoại sạch sẽ, các nhà khoa học mới xuất hiện để thống kê, khai quật, kẻ vẽ và lên phương án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản (!). Sự vô cảm của con người ngày nay còn được thể hiện rõ trước khu di tích của 8 vị vua Trần, với những ngôi mộ, đền thờ đổ nát hoặc chỉ còn lại vài viên gạch, vài chân đế trụ cột… Việc xây dựng đập nước Trại Lốc cũng đã góp phần xóa sổ lăng mộ vua Trần Minh Tông và nhấn chìm lăng mộ vua Trần Anh Tông dưới làn nước.

 Sườn Tây Yên Tử  

 Sườn Tây Yên Tử nhìn từ hồ Trại Lốc, thuộc xã An Sinh (Đông Triều). Sau mấy dãy núi trập trùng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa – Ảnh: nguồn handico6.com.vn

Với những giá trị tiêu biểu về di tích và văn hóa, khu di tích danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng đặc cách là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 15 VH/QĐ ngày 13-3-1974. Đến năm 2012, di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định 1419 ngày 27-9-2012.

Nhận thức tầm quan trọng của những gì còn lại và giá trị nội tại lớn lao của khu di tích Yên Tử, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch mở rộng nâng cấp thành quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử, trên cơ sở kết hợp khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, với tổng diện tích khoảng trên 20.000ha, nằm trọn trên địa bàn thành phố Uông Bí và huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh.

  Du Xuân Yên Tử

 Du Xuân Yên Tử đông vui – Ảnh: nguồn baoquangninh.com.vn

Ngày 18-12-2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc chuẩn bị xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

● ● ●

Từ một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, Yên Tử được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu trì và phát triển dòng Thiền thuần Việt từ thế kỷ XIII. Nhiều công trình tôn giáo được xây dựng đã đưa tên tuổi Yên Tử không chỉ đại diện cho “thắng cảnh” mà còn cả “danh lam”, trở thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là đất Tổ của Phật giáo Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Việc tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận quần thể di sản văn hóa và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới cho phép hy vọng một cách nhìn nhận đúng đắn và trân trọng đối với di sản văn hóa độc đáo này…

 Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Xem thêm:

 -  Phan Khôi - “Phụ Nữ Tân Văn”, Sài Gòn các số 89, 91, 96, 99, 124 (1931 - 1932) (Phần giải thích các từ “Lam” và “Sát”)

 -  Hà Thúc Loan - “Tiếng Việt Thực hành” (phần giải nghĩa “danh lam” và “thắng cảnh”)

 -  https://handico6.com.vn/detail/danh-son-yen-tu-va-nhung-dieu-huyen-bi.html

     

Danh mục nội dung