» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

04/11/2011

THÍCH CA PHẬT ĐÀI - VŨNG TÀU


Nằm về phía Bắc sườn núi Lớn thuộc địa phận Bến Đá cách trung tâm thành phố chừng 3km, Thích Ca Phật Đài không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố biển Vũng Tàu.

 Cổng tam quan – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Cổng tam quan – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Tượng Kim thân Phật tổ – Ảnh: nguồn seasideresort.com.vn 

Tượng Kim thân Phật tổ – Ảnh: nguồn seasideresort.com.vn

Nguyên nơi đây là một khu rừng rậm hoang vu, ngay từ năm 1957 đã được một vị quan phủ hồi hưu tên Lê Quang Vinh khai phá và dựng lên ngôi Thiền Lâm Tự, làm nơi tu hành cho cả gia đình. Sau vài năm, một nhóm hành hương của Hội Phật giáo miền Nam có dịp ghé đến đây, nhận thấy cảnh quan khá lý tưởng để xây dựng một khu tôn thờ Ngọc Xá Lợi cũng như quảng diễn cuộc đời của Đức Phật, đã vận động quyên góp từ các thiện nam tín nữ và Thích Ca Phật Đài được khởi công ngày 20-7-1961 trên diện tích chừng 5ha, khánh thành ngày 9-3-1963.

Thiền Lâm tự – Ảnh: nguồn lthdan03.wordpress.com 

Thiền Lâm tự – Ảnh: nguồn lthdan03.wordpress.com

 Tượng Phật nhập niết bàn – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Tượng Phật nhập niết bàn – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Khác với những ngôi chùa Phật giáo khác, Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc gồm 3 cấp có cấu trúc hình tháp, hài hòa với cảnh quan núi Lớn: cấp 1 có cổng Tam quan và khu vườn hoa, cấp 2 có khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống, cấp 3 gồm Thiền Lâm Tự và khu Phật tích.

Bảo tháp xá lợi Phật – Ảnh: Trần Quang Diệu (thesaigontimes.vn) 

Bảo tháp xá lợi Phật – Ảnh: Trần Quang Diệu (thesaigontimes.vn)

 Tượng thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc đi tu – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Tượng thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc đi tu – Ảnh: Võ Văn Tường (sites.google.com)

Tại khu Phật tích có các công trình kiến trúc - tượng đài gắn với sự tích về cuộc đời của Đức Phật như tượng Phật Đản sinh với hình một hài nhi đứng trên tòa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất với ý nghĩa “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (giữa trời và đất thì ta cao trọng nhất), tượng Phật cắt tóc đi tu nói lên quyết tâm của vị thái tử Ấn Độ bắt đầu cuộc sống tu hành để cứu độ chúng sinh, tượng Kim Thân Phật Tổ diễn tả nhà sư Shidharta đã giác ngộ được phương thức giải thoát cho nhân loại và trở thành Phật Thích Ca, tượng voi, khỉ dâng hoa quả cho Đức Phật nhằm nhắc nhở Phật tử phải luôn đoàn kết, tượng Phật nằm diễn tả lúc Đức Phật nhập niết bàn, nhà bát giác hay còn gọi Bát chánh đạo, tượng trưng cho vườn Lộc Giả nơi Đức Phật chuyển pháp luân (giảng đạo), tòa Bảo tháp lưu giữ 13 viên Ngọc Xá Lợi (tro cốt của Đức Phật)… Nơi đây còn có cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề đạo tràng là nơi Đức Phật đã từng ngồi thiền định.

 Nhìn ra cảng Bến Đá – Ảnh: nguồn lthdan03.wordpress.com

Nhìn ra cảng Bến Đá – Ảnh: nguồn lthdan03.wordpress.com

 Cảnh mua bán tại Thích Ca Phật Đài – Ảnh: Sơn Thoại (giacngo.vn)

Cảnh mua bán tại Thích Ca Phật Đài – Ảnh: Sơn Thoại (giacngo.vn)

Tham quan Thích Ca Phật đài, du khách không chỉ tìm về chốn thiền tự nổi tiếng để chiêm niệm về cuộc đời Đức Phật, mà còn có cơ hội ngắm biển từ những vị trí khác nhau và đón ngọn gió mát từ biển thổi vào đem lại nhiều cảm giác an nhiên tự tại… Đáng tiếc là từ nhiều năm nay, do lơi lỏng trong quản lý, cảnh mua bán, ăn uống bát nháo đã diễn ra tại nhiều khu vực, vấn đề vệ sinh không được quan tâm đúng mức tạo ra cảnh nhếch nhác không đáng có nơi cửa thiền, đang khi các am cốc và thiền đường vốn nổi tiếng một thời lại bị bỏ hoang ngỡ ngàng… (theo Sơn Thoại – Giác Ngộ Online –  19.2.2009). Nếu tình trạng này không sớm được quan tâm cải thiện thì thật là đáng tiếc cho một di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận từ 14-12-1989, niềm tự hào không chỉ của Phật giáo Việt Nam mà còn của cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung