» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

04/11/2011

TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ VUA - VŨNG TÀU


Ngày 7-7-2007, tổ chức New Open Word đã bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới, trong đó có bức tượng Chúa Cứu Thế “Cristo Redentor” nổi tiếng (cao 30m, hai tay dang rộng 28m đứng trên bục cao 8m) được dựng trên đỉnh núi ở Rio de Janeiro (Brasil) cao 710m so với mực nước biển nhìn ra vịnh Guanabara thơ mộng. Thực tế đây chưa phải là bức tượng về Chúa Giêsu cao nhất thế giới và điều ít người để ý tới là ngay tại thành phố biển Vũng Tàu cũng có một công trình không kém phần bề thế, được dựng trên đỉnh núi Tao Phùng cao 176m so với mực nước biển, trong điều kiện xây dựng ít thuận lợi hơn và chỉ dựa vào sức người, đặc biệt do bác sĩ Lê Quang Tuyến - một vị tân tòng hằng tâm xây dựng.

Nét mặt bao dung, nhân từ – Ảnh: nguồn diendanvungtau.com 

Tượng Chúa Ki tô quay mặt về hướng Nam, nhìn ra biển, nét mặt bao dung, nhân từ...      Ảnh: nguồn diendanvungtau.com

Khởi dựng từ năm 1972 trên mũi Ô Quắn nhưng do có sự tranh chấp, công trình vừa khởi công đã bị buộc đình chỉ và chính quyền sở tại đã phải trung gian hòa giải để giữ hòa khí giữa hai tôn giáo lớn. Ngày 16-2-1974, một thỏa hiệp ba bên đã được ký kết: Giáo hội Phật giáo có toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, Giáo hội Công giáo sẽ được xây dựng tượng đài Chúa Kitô trên ngọn núi Tao Phùng với diện tích 10 mẫu. Đây là một vị trí đẹp nằm giữa mũi Ô Quắn và hòn Bà, có ưu thế hơn hẳn về địa điểm nhưng đồng thời cũng là một thách đố bởi tượng đài cao 15m ban đầu đã trở nên quá nhỏ bé so với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ nơi đây, lại do công trình được dựng trên núi cao nên thực tế phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vận chuyển vật liệu, kinh phí cũng như không vận dụng được sự hỗ trợ của máy móc hay cơ giới. 

 Tượng đài Chúa Kitô Vua – Ảnh: nguồn seasideresort.com.vn

Tượng đài Chúa Kitô Vua – Ảnh: nguồn seasideresort.com.vn

Đứng trước tình thế này, những người chủ xướng đã mạnh dạn sửa đổi thiết kế. Các nghệ sĩ điêu khắc như Cao Uy, Văn Nhân cùng các chức sắc trong Giáo hội Công giáo tại miền Nam đã tham khảo hàng ngàn bức ảnh Chúa Kitô để thiết kế mẫu phác thảo, các mẫu phác thảo này còn được gởi tới cuộc triển lãm văn hóa - nghệ thuật tôn giáo để tiếp nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghệ thuật cùng công chúng. Ngày 18-3-1974, tượng đài Chúa Kitô Vua đã được Nhà đương cục cấp phép xây dựng với qui mô cao 25m đặt trên bệ cao 7m với hai cánh tay dang rộng 18,40m, bên trong còn bố trí 133 bậc thang để khách hành hương có thể lên tận hai cánh tay ngắm cảnh (mỗi bên chứa được chừng 5 người). Chỉ riêng bàn tay của tượng đã dài 2,2m với ngón giữa dài 1,1m, bề ngang bàn chân chỗ rộng nhất là 1,1m. Chín tia sáng từ hào quang trên đỉnh đầu được vận dụng nối với hai bàn tay làm thành hệ thống thu lôi dẫn tới hầm hợp chất gồm than, cát, muối để chống sét.

 Tượng Mẹ ẵm xác Chúa trước tượng đài chính – Ảnh: nguồn diendanvungtau.com

Tượng Mẹ ẵm xác Chúa trước tượng đài chính – Ảnh: nguồn diendanvungtau.com

Tượng đài Chúa Kitô Vua là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với nghệ thuật đượm tính dân tộc, từ những đường nét cong của phần chân đế gợi nhớ hình ảnh mái chùa xưa, đến những đường triện, những chữ thọ, những cánh đồng quê dung dị được lồng vào trong tác phẩm… Công trình vừa dựng xong phần thô thì đã phải dừng lại từ sau sự kiện 30-4-1975 do hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, mãi đến ngày 28-1-1992 mới được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép tiếp tục, con đường gần 1000 bậc thang dẫn lên khu tượng đài dài trên 500m được thực hiện, hoàn chỉnh khu vực tượng đài (giai đoạn 1) gồm dựng bức tượng Đức Mẹ ẵm xác Chúa (Pieta) trước tượng đài chính, đắp hoàn chỉnh 4 bức phù điêu ở 4 mặt đế tượng với các chủ đề Bữa tiệc ly, Ba vua thờ lạy, Chúa trao chìa khóa cho Phê-rô, Chúa ra trước tòa Phi-la-tô và đã tổ chức khánh thành vào ngày 2-12-1994. Từ đó đến nay công trình được hoàn thiện dần với các phần mặt tiền, các trạm dừng chân cho du khách, tu sửa đường vòng chân đồi, xây dựng thêm hồ chứa nước để phủ xanh đồi trọc, bố trí các tiểu cảnh, cụm tượng, vườn hoa… đã biến nơi đây thành một điểm vãng cảnh rất tâm đắc đối với nhiều người khi đến thành phố biển Vũng Tàu.

Tiểu cảnh trong khu vực – Ảnh: nguồn truongkieumauhue.org 

Tiểu cảnh trong khu vực – Ảnh: nguồn truongkieumauhue.org

Tưởng cũng nên đính chính vì đã có sự ngộ nhận khi cho rằng tượng Chúa Kitô tại Vũng Tàu lớn hơn cả tượng Chúa Cứu Thế tại Rio de Janeiro và là bức tượng cao nhất thế giới. Thực tế tính đến năm 2010 thì tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới là bức tượng tại Ba Lan với chiều cao 36m gồm cả vương miện và không có chân đế. Tuy nhiên kỷ lục này vừa bị qua mặt bởi bức tượng ở Pêru khánh thành tháng 6-2011 với chiều cao 37m được đặt trên bệ cao 15m. Bức tượng ở Rio de Janeiro chỉ cao 30m được đặt trên bục cao 8m và tượng Chúa Kitô ở Vũng Tàu cao 25m đặt trên bực cao 7m. Có người đã đi khá xa khi cho rằng bức tượng tại Vũng Tàu cao đến 33m (gồm cả chân đế) để tượng trưng 33 năm cuộc đời Chúa Giêsu. Đáng tiếc là không phải như vậy và càng đáng tiếc là khi thiết kế tượng ở Vũng Tàu đã không có ai gợi ý về vấn đề này, bởi nếu có không chừng sẽ được tiếp nhận để nâng chiều cao tượng lên một mét và ngày nay chúng ta đã có thể tự hào với tượng cao 33m là một con số “vàng” chăng?

 Vũng Tàu nhìn từ cánh tay tượng Chúa – Ảnh: nguồn diendanvungtau.com

Vũng Tàu nhìn từ cánh tay tượng Chúa – Ảnh: nguồn diendanvungtau.com

Tham quan tượng đài Chúa Kitô Vua, du khách vừa có thể tận dụng ưu thế đôi cánh tay pho tượng để có được “tầm ngắm” thú vị quan sát toàn cảnh thành phố biển, lại vừa có cơ hội chiêm ngưỡng những công trình bé tí được khắc chạm thật tinh tế trên những hạt gạo, đó là những tác phẩm về Nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn, Chùa Một Cột - Hà Nội, Chùa Thiên Mụ - Huế và Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu) chỉ có thể nhìn rõ qua lăng kính phóng đại…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung