» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

03/07/2012

QUẦN ĐẢO HẢI TẶC (KIÊN GIANG)


Trên bản đồ hành chánh Việt Nam, có một địa danh mà mỗi khi nhắc đến nhiều người cảm thấy ngần ngại e dè – đó là quần đảo Hải Tặc nay thuộc địa phận xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, nơi một thời khét tiếng trong lịch sử bởi những vụ cướp biển đầy ma mị. “Hải Tặc” không chỉ là nỗi nhức nhối của biết bao nhà đương cục mà còn cả với người hành nghề đánh bắt cá trên biển và chỉ mới mươi năm trước đây thôi vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi…

Quần đảo Hải Tặc trên bản đồ hành chánh  

Quần đảo Hải Tặc trên bản đồ hành chánh – Ảnh: nguồn laodong.com.vn

Nằm trong vịnh Thái Lan ở khu vực gần chót mũi biển Tây Việt Nam, quần đảo Hải Tặc hay quần đảo Hà Tiên trải rộng trên một vùng biển dài 7km và rộng 5km với tổng diện tích đất nổi là 1.100ha, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ cách đất liền 7 hải lý (17,5km), cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5km) và cách đảo Phú Quốc 16 hải lý (40km). Do có địa hình hiểm trở, lại nằm trên tuyến đường thông thương quan trọng nên nơi đây đã là địa điểm lý tưởng để bọn cướp biển trú ẩn và tổ chức tấn công các tàu buôn qua lại. Đặc biệt vào thời điểm chính quyền Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm La đánh bại (Nguyễn Ánh đã lấy lại vùng đất này từ tay người Xiêm La năm 1787), trong một thời gian dài Hà Tiên không có bộ máy chính quyền cai quản, tàu bè nước ngoài trong đó có cả tàu của bọn cướp biển vẫn vào ra thương cảng và bọn cướp biển đã có cơ hội tự tung tự tác như ở chỗ không người… Khi người Pháp chiếm đóng Hà Tiên (1867), vùng biển này vẫn còn là căn cứ địa an toàn của bọn cướp biển.

 Cột mốc chủ quyền

Cột mốc chủ quyền – Ảnh: nguồn Blog Đỗ Doãn Hoàng

Từ thực tế đó, tên gọi “Hải Tặc” đã xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, lâu dần thành phổ biến và đã từng là địa danh chính thức được ghi trên bản đồ hành chánh. Hiện trên đảo vẫn còn cột mốc chủ quyền được Hải Quân Miền Nam Việt Nam dựng tại phía Tây Hòn Đốc (Hòn Tre) năm 1958 với nội dung: “QUẦN ĐẢO HẢI TẶC (A… CHIPEL DES PIRATE); HẢI ĐỒ SỐ: 3686 S.H; VT. 10º10’8; KT. 104º20’0 ”. Tại phần đế của trụ bê-tông có nội dung: “QUẦN ĐẢO HẢI TẶC GỒM CÓ CÁC ĐẢO SAU: HÒN KÈO NGỰA, HÒN KIẾN VÀNG, HÒN TRE LỚN, HÒN TRE VINH, HÒN GÙI, HÒN Ụ, HÒN GIONG, HÒN CHƠ RƠ, HÒN ĐƯỚC, HÒN BÔ DẬP, HÒN ĐỒI MỒI… QUẦN ĐẢO TRỰC THUỘC TỉNH KIÊN GIANG”. Cuối các dòng chữ còn ghi rõ: “PHÁI BỘ QUÂN SỰ THỊ SÁT VÀ NGHIÊN CỨU ĐẾN VIẾNG QUẦN ĐẢO NÀY NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1958 DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM”.

 Nội dung trên phần chân đế

Nội dung trên phần chân đế – Ảnh nguồn tinmoi.vn

Điều thú vị là vào một ngày tháng 3 năm 1983, quần chúng ở xã đảo Tiên Hải, huyện Kiên Hải đã dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo. Đó là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh) và Frederick Kurt Graham (quốc tịch Mỹ) đã bằng hobor từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, mang theo hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, bản đồ, hải đồ và nhiều dụng cụ đào tìm khác… Theo lời khai tại cơ quan an ninh thì họ là hậu duệ của những tên cướp biển, có bản đồ nơi chôn giấu kho báu được vẽ cách đây 300 năm và nay họ đến để tìm kiếm kho báu nằm trong lòng đất dưới thung lũng, nơi có 3 ngọn đồi như đã được minh thị trên bản đồ (!).

 Một góc đảo Hòn Tre

Một góc đảo Hòn Tre trong quần đảo Hải Tặc – Ảnh: nguồn nld.com.vn

Trong số 16 đảo thuộc quần đảo Hải Tặc được ghi nhận, hiện có sáu đảo gồm Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Giong, Hòn Ụ, Hòn Đước và Hòn Đồi Mồi là có cư dân sinh sống, chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và dịch vụ, với 406 hộ gồm 1.756 nhân khẩu. Nhiều người dân sống trên đảo Hòn Tre còn lưu giữ những câu chuyện về băng cướp biển Cánh Buồm Đen ở những năm đầu thế kỷ XX, với biểu tượng cây chổi treo trên cột buồm như muốn nói lên ý chí quét sạch tàu qua lại trên vùng biển rộng lớn trong vịnh Thái Lan (!).

 Một góc đảo nơi phát hiện nhiều tiền cổ

Một góc đảo Hòn Tre nơi phát hiện nhiều tiền cổ – Ảnh: nguồn tinmoi.vn

Theo nhiều lời đồn đoán, đa số vàng bạc châu báu cướp được, bọn hải tặc đã chôn giấu tại một số điểm bí mật đâu đó trên quần đảo Hải Tặc. Điều này quả có lý khi vào đầu năm 2009, một nhóm ngư dân lặn tìm bắt ốc, hải mã đã tình cờ bắt gặp một số lớn đồng tiền cổ với nhiều mệnh giá khác nhau, nằm ngay một miệng cống thoát nước bắt nguồn từ thung lũng trên đảo Hòn Tre, nơi đã từng có hai người nước ngoài đến tìm kho báu trước đây.

Bãi cát dài và phẳng

Bãi cát dài và phẳng, sóng biển vỗ nhẹ nhàng – Ảnh: nguồn afamily.vn

Trong nỗ lực phát triển du lịch sinh thái biển, năm 2007 chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương cho các nhà đầu tư thuê một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc. Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Giang đã thuê sáu hòn đảo để đầu tư du lịch và Công ty Nhất Tâm - Laspapim (thành phố Hồ Chí Minh) đã thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và một trường quay phim. Đến đầu năm 2008, chính quyền tỉnh Kiên Giang tiếp tục phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái trên hai đảo Hòn Tre Vinh và Hòn Đước của Công ty thương mại và sản xuất T&T. Trên diện tích khoảng 42 ha tại đây, Công ty T&T dự kiến sẽ xây khu nghỉ dưỡng, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác…

 Quần đảo Hải Tặc đẹp và quyến rũ

Quần đảo Hải Tặc đẹp và quyến rũ – Ảnh: Lê Nguyễn (baoanhdatmui.vn)

Đã qua rồi cái thời hỗn mang vô luật, quần đảo Hải Tặc trước đây và xã đảo Tiên Hải ngày nay đang dần thay da đổi thịt. Những ngôi nhà mới mọc lên, những đoàn ghe cộ ngày đêm rẽ sóng ra khơi. Hiện du khách có thể đến với quần đảo Hải Tặc cách dễ dàng, từ Hà Tiên đi tàu cao tốc chỉ mất 1 giờ 30 phút.

Hy vọng trong tương lai không xa, quần đảo Hải Tặc một thời tai tiếng sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng tâm đắc đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung