» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

23/06/2013

ĐÁ DỰNG - CHUỖI HANG ĐỘNG KỲ BÍ


Nằm về phía cực Bắc bán đảo Lộc Trĩ thuộc địa phận ấp Mỹ Lộ - xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), cách biên giới Việt Nam - Campuchia gần 4km về phía Nam và cách thị xã Hà Tiên chừng 6km về phía Bắc, núi Đá Dựng là một thắng cảnh còn mang nét hoang sơ với nhiều truyền thuyết, huyền thoại gắn với các sự kiện văn hóa, lịch sử mang dấu ấn một thời tiền nhân đi mở cõi ở vùng đất phương Nam.

 Núi Đá Dựng

Núi Đá Dựng – Ảnh: nguồn vanhien.vn

CẢO THƠM LẦN GIỞ…

Núi Đá Dựng là một khối đá vôi khổng lồ cao chừng 100m, nặng khoảng 6 triệu tấn. Những phản ứng từ nước mưa đã làm cho khối đá đen thẩm này nổi lên các thớ vân trắng ẩn hiện xù xì trông khá đẹp mắt. Có thể từ nguyên do này mà núi Đá Dựng từng được người xưa nhắc đến với tên gọi “Bạch Tháp”. 

Cận cảnh Đá Dựng  

Cận cảnh Đá Dựng – Ảnh: Acaxomcui (nguồn ddth.com)

Sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua bao đời đã tạo nên trong lòng núi những hang động thâm u, được kiến tạo như tòa lâu đài cổ với những đường ngầm, lầu canh, tháp vọng gác, lỗ châu mai… Từ thực tế ngọn núi nằm chơ vơ giữa đồng bằng xã Mỹ Đức mang dáng dấp của một hình thang với vách núi dựng đứng, lại có vị trí án ngữ tại mảnh đất địa đầu Tây Nam tổ quốc như một tấm bình phong che chắn bảo vệ mà người xưa đã hình tượng gọi nó bằng cái tên khá thú vị: “Đá Dựng”.  

 Những cánh đồng bao quanh

Những cánh đồng bao quanh núi Đá Dựng – Ảnh: nguồn vietcarnivaltour.vn

Trong sách “Minh Mạng chính yếu” có một câu hàm ý núi Châu Nham ở vào vị trí núi Đá Dựng – điều này đã khiến nhiều người lầm tưởng núi Đá Dựng còn có tên gọi khác là Châu Nham. Thực ra Đá Dựng và Châu Nham là hai ngọn núi hoàn toàn khác nhau. Sự nhầm lẫn này càng được củng cố bởi những bài báo, nhất là trong những năm nửa đầu thế kỷ XX mà điển hình có thể kể đến bài ký “Chơi Châu Nham” của Đông Hồ (Đông Pháp thời báo - 1926, đăng lại trên Nam Phong tạp chí tháng 9-1930) có đoạn mở đầu “Châu Nham lạc lộ tục gọi là núi Đá Dựng, là một cảnh trong  Hà Tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tích.”

 Nhủ đá động Khổ Qua

Nhủ đá động Khổ Qua – Ảnh: nguồn vietcarnivaltour.vn

Người có công đầu trong việc nhận ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này từ năm 1999 là nhà “Hà Tiên học” Trương Minh Đạt. Các viện dẫn từ “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, “Nam kỳ lục tỉnh dư địa chí” của Duy Minh Thị và cả “Địa chí Hà Tiên” in năm 1901 của người Pháp… đã giúp xác định được vị trị của núi Đá Dựng, núi Châu Nham và đính chính những ngộ nhận của người xưa.

 Hang Trống Ngực

Hang Trống Ngực – Ảnh: nguồn Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Về địa danh Châu Nham, “Gia Định thành thông chí” mô tả khá chi tiết: “Châu Nham tục danh là Bãi Ớt, cách phía đông trấn 22 dặm rưỡi, đỉnh núi tròn xoe, sườn đá chênh vênh chạy thẳng đến bờ biển, có những ghềnh rạng gồ ghề, vũng sâu bùn cát bao bọc hai bên tả hữu. Trong vũng có đá tinh quang, ở dưới có nhiều con sò sọc đỏ. Tương truyền khi Mạc Cửu còn nhỏ đi đến dưới nham ấy bắt được ngọc châu kính thốn qúy báu vô giá. Cửu đem dâng cho vua...”. “Địa chí Hà Tiên” cũng có ghi vắn tắt:“Đồi Châu Nham trong cụm núi Bãi Ớt, xưa che giấu một viên ngọc trai qúy vô giá.”

 Đường lên Đá Dựng

Đường lên Đá Dựng – Ảnh: vhoangvn (nguồn blog.henantrua.vn)

Các tài liệu cổ đã giúp nhận biết núi Châu Nham xưa thuộc khu vực Bình An - Hòn Chông, nay thuộc xã Bình An - thị xã Hà Tiên. Đây mới thực là Châu Nham từng được đề cập đến trong bài thơ “Châu Nham lạc lộ” của thi hào Mạc Thiên Tích ngày trước.

ĐÁ DỰNG KỲ BÍ HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Từ thị xã Hà Tiên, vượt quãng đường chừng 6km theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía, du khách sẽ tiếp cận Thạch Động. Từ đây, theo bảng chỉ đường rẽ phải chừng 2km sẽ đến được núi Đá Dựng, một thắng cảnh còn đậm nét hoang sơ với những cụm núi non xen kẻ đầm lầy, rừng cây bụi và đồng cỏ năn… Có thể từ hàng triệu năm trước, núi Đá Dựng đã là hòn đảo nhỏ giữa một sân chim ven biển, điểm dừng chân lý tưởng của những đàn chim thiên di, vì vậy mà sách xưa đã từng gọi nơi này là “Điểu đình” (sân chim).

 Núi Đá Dựng giữa đồng bằng

Núi Đá Dựng giữa đồng bằng – Ảnh: Nam Dao (nguồn vnphoto.net)

Núi Đá Dựng hấp dẫn nhờ sự đa dạng của những hang động. Hang Lê Công Gia gắn với truyền thuyết Thạch Sanh giương cung bắn chim đại bàng, giải cứu nàng công chúa… Ở động Bồng Lai không khí luôn trong lành, ngước lên trên thấy mây lững lờ trôi như lướt nhẹ qua đầu… Tại hang Thần Kim Quy có khối đá đẹp hình con rùa, ngồi ở đây có thể đón làn gió mát rượi và phóng tầm mắt về phía Campuchia với hình ảnh cây thốt nốt quen thuộc… Tại hang Khổ Qua, những khối thạch nhủ có hình thù kỳ lạ tựa như trái khổ qua… Vào hang Trống Ngực có thể nghe tiếng dội lại sau mỗi lần vỗ ngực như vọng về từ một thời tiền sử xa xăm… Hang Xã Lộc Kỳ sâu và tối với lối vào thăm thẳm tựa như xuống địa ngục… Vào hang Cổng Trời có cảm giác rờn rợn vì hang sâu, không khí lạnh ngắt và hơi khó thở… Từ hang Chỉ Huy lại có dịp ngắm nhìn toàn cảnh Hà Tiên…   

Khối đá Thần Kim Quy  

Khối đá Thần Kim Quy – Ảnh: nguồn vietcarnivaltour.vn

Để phục vụ hữu hiệu khách tham quan và khai thác du lịch, ngành du lịch địa phương đã mở con đường đi vòng quanh núi dài 1.149m, nối liền 14 hang động tiêu biểu và được chia làm hai tuyến: Tuyến đi lên dài 772m ngang qua 10 hang gồm hang Mẹ Sanh, hang Lê Công Gia, hang Biệt Động,  hang Bồng Lai, hang (…), hang Thần Kim Quy, hang (…), hang (…), hang Khổ Qua, hang Trống Ngực… Tuyến đi xuống dài 377m qua 4 hang chính gồm hang Xã Lộc Kỳ, hang Cổng Trời, hang Thác Bạc, hang Chỉ Huy…

Sơ đồ hướng dẫn  

Sơ đồ hướng dẫn tham quan núi Đá Dựng – Ảnh: nguồn sevuon.com

Theo con đường quanh núi Đá Dựng, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả bốn hướng với cảnh đồng bằng đẹp và trù phú. Ngay dưới chân núi Đá Dựng là biên giới Việt Nam - Campuchia, bên kia phía Tây là nước bạn với đồng bằng bằng phẳng và mượt mà cỏ xanh, những hòn núi đá nổi lên giữa đồng cỏ làm liên tưởng đến một Hạ Long của Việt Nam trên cạn. Nhìn về cửa khẩu Hà Tiên hay về hướng thị xã Hà Tiên là hình ảnh thanh bình với đồng ruộng ngút ngàn và đàn trâu đang lững thững gặm cỏ. Xa xa về hướng Đông là những cụm núi và biển Mũi Nai…

Từ núi Đá Dựng  

Từ núi Đá Dựng nhìn sang Campuchia – Ảnh: Hạnh Trí (nguồn TTO)

Không chỉ là điểm tham quan lý thú, núi Đá Dựng còn là điểm hẹn tâm linh khi có nhiều người về đây với niềm thành tín cầu xin sự an lành và may mắn… Có người tin rằng vào hang Khổ Qua sẽ cầu được … qua khổ, vào hang Bồng Lai sẽ cầu được sung túc, những người có người thân hoặc bản thân bị bệnh tật cũng mong được gởi lại chốn linh thiêng này những hệ lụy đa đoan…

● ● ●

Với vị trí đặc biệt giữa đồng bằng và các hang động kỳ bí trong lòng núi, Đá Dựng từ lâu đã được nhiều người biết đến và là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều văn thi sĩ từ cổ chí kim. Với địa thế hiểm trở, Đá Dựng còn là vị trí chiến lược quan trọng. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã từng là căn cứ của Đảng bộ và dân quân Hà Tiên.

 Di tích núi Đá Dựng

Di tích núi Đá Dựng – Ảnh: nguồn tamhoc.com

Núi Đá Dựng ngày nay đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, một di tích danh thắng quan trọng của tỉnh Kiên Giang, được Bộ Thông tin - Văn hóa công nhận di tích quốc gia theo quyết định số 44/2007/QĐ-BVHTT ngày 3-8-2007.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung