» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
04/08/2012
KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN LUNG NGỌC HOÀNG
Nằm lọt giữa hai xã Phương Bình và Phương Phú thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ chừng 40km về phía Đông Nam sông Hậu, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng đồng trũng ngập nước rộng lớn trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, di sản cuối cùng của hệ sinh thái tự nhiên được đánh giá đa dạng sinh học và sinh cảnh, là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với môi trường sống của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn mientaynet.com
“Lung” hay “bưng” trong cách nói của người miền Tây chỉ vùng đất ngập nước và có nhiều cây cối. Chưa ai biết rõ cái tên Lung Ngọc Hoàng có từ thời điểm nào nhưng theo sách “Địa chí Cần Thơ” thì cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến Lung Ngọc Hoàng để khai hoang cày cấy. Trước Cách mạng Tháng Tám cũng đã có nhiều địa chủ đến trồng lúa và khai thác cá. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, Lung Ngọc Hoàng đã trở thành căn cứ địa cách mạng của Huyện ủy Long Mỹ và Phụng Hiệp; một số cơ quan của tỉnh như trại giam, công binh xưởng… và một số cơ quan của Khu ủy Tây Nam bộ đã từng đóng ở vùng này.
Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn thethaovanhoa.vn
Năm 1976, vùng đất hoang hóa bao quanh khu Lung Ngọc Hoàng rộng 5.100ha đã trở thành đất Nông trường Phương Ninh. Do địa thế đất trũng, lại bị nhiễm phèn nên năng suất rất thấp và thực tế nông trường chỉ tồn tại được vài năm đã phải giải thể chuyển hướng sang làm lâm nghiệp. Từ đó đến cuối năm 2001, Lâm trường Phương Ninh đã tập trung đầu tư cho cây Tràm, khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường với hệ thống kinh, mương tương đối hoàn chỉnh, xuyên qua các lung, bưng, rừng cây và khu dân cư, thuận lợi cho việc phòng cháy chữa cháy và khai thác nông - lâm - thủy sản.
TỪ KHU BẢO TỒN ĐẾN KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN…
Ngày 14-1-2002, bằng quyết định số 13/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã được thành lập gồm phạm vi đất của Lâm trường Phương Ninh tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ cũ). Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ đã ra quyết định số 2343/QĐ-CT.UB ngày 29-7-2002 thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trên cơ sở hợp nhất hai lâm trường Phương Ninh và Mùa Xuân. Sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ để lập thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Lung Ngọc Hoàng thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định số 79/2004/QĐ-UB ngày 17-02-2004 về việc thành lập và quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Chim Rẻ quạt Java – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Do đặc thù về vị trí địa lý, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được chia thành 2 khu nằm cách nhau gần 20km, giữa tuyến kinh Quản Lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, gồm:
- Khu I (Lâm trường Phương Ninh cũ): 2.805,37ha với chức năng bảo tồn sự đa dạng sinh học, phục vụ các công trình nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái vùng đồng bằng Nam bộ.
- Khu II (Lâm trường Mùa Xuân cũ): 1.434,89ha với chức năng sản xuất kinh doanh nông - lâm - ngư kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch.
Rừng trong Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn dulichhaugiang.com
Trong đó Khu I được thực hiện theo quyết định số 13/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-01-2002 gồm các Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (976,28ha), Phân khu phục hồi sinh thái (963,45ha), Phân khu hành chánh - dịch vụ - du lịch (404,61ha) và Khu thực nghiệm khoa học (461,03ha). Phía Bắc giáp xã Phương Bình, phía Nam giáp xã Phương Phú, phía Đông giáp xã Tân Phuớc Hưng (huyện Phụng Hiệp) và phía Tây giáp huyện Long Mỹ.
Một vùng đệm cũng được quy hoạch cho khu bảo tồn với diện tích 8.836,07ha, giáp kênh Lái Hiếu về phía Bắc, giáp kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về phía Nam, giáp kênh Búng Tàu và kênh Xẻo Xu về phía Đông, giáp kênh Cầu Nam về phía Tây.
Chồn tại Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Năm 2006, thực hiện chỉ thị số 38/2005/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại các khu bảo tồn thiên nhiên, theo đó Lung Ngọc Hoàng không đủ các tiêu chí để trở thành khu dự trữ thiên nhiên quốc gia (không đủ quy mô diện tích 5.000ha, chưa ghi nhận được các loài sinh vật ghi trong Sách đỏ Việt Nam), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đề án sắp xếp lại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và thống nhất đổi tên thành “Khu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”. Tuy đã được giảm thiểu về quy mô, Lung Ngọc Hoàng vẫn có ý nghĩa về lịch sử, sinh học, cảnh quan và môi trường, bởi ngoài hệ động thực vật phong phú, qúy hiếm của vùng đất ngập nước cần được giữ gìn bảo vệ, nơi đây cũng đã từng ghi dấu những tháng năm lịch sử kháng chiến oai hùng…
ĐA DẠNG SINH HỌC
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật qúy hiếm. Nơi đây có đầy đủ các hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước là quần thể rất đa dạng, bao gồm các loài chiếm ưu thế như dây Choại, Lác, Sậy, Bồng bông; thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn gồm Trâm sắn, Ngái lông, Gáo trắng, Gừa, Đủng đỉnh, cây Mua; thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước như: Lục bình, bông Súng, bông Sen, các loại Bèo… Theo thống kê đến tháng 11 năm 2009, Lung Ngọc Hoàng tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ trong đó có 56 loài mới được phát hiện. Số loài thực vật này là nguồn gien qúy có ý nghĩa và giá trị cao cho công tác nghiên cứu khoa học. Trong số các loài cây trồng chính có giá trị kinh tế cao như Tràm, Bạch đàn đỏ, Keo, Xà cừ… thì Tràm là loại cây trồng chủ đạo và có giá trị sử dụng về nhiều mặt như gỗ dùng trong xây dựng, vỏ dùng làm chất cách nhiệt, xảm thuyền và lá dùng để cất tinh dầu có giá trị cao trong y dược.
Con Càng đước ở Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Hệ động vật ở Lung Ngọc Hoàng khá phong phú với trên 200 loài thuộc các lớp Bò sát, Chim, Thú và loài Lưỡng cư. Lung Ngọc Hoàng hiện có đến hàng chục loài thú trong đó 5 loài qúy hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô toàn cầu như dơi Chó, chồn Mực, cáo Mèo, rái Cá, rái Móng, nổi bật nhất là rái Cá lông mũi và rùa Nắp, rắn Hổ mang nằm trong Sách đỏ thế giới; 10 loài bò sát trong đó tiêu biểu có rắn Mái gầm, rắn Cạp nong…; 135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như Bạc má, Giang sen, Già đẫy, Cà cuốc, cò Ốc, cò Lạo xám, Ác là, Le khoang cổ, nhiều nhất là Vạc với mỗi bầy đến hàng ngàn con…, đặc biệt 2 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng là Cổ rắn và Quắm trắng; 77 loài thủy sản trong đó tiêu biểu có nhiều loài qúy hiếm như Càng đước, cua Đinh, rùa Vàng, rùa Nắp, ếch Giun, cá Còm, cá Trê trắng…, đặc biệt cá Thác lác cườm là đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang.
Tổ Ong mật trong Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Lung Ngọc Hoàng xưa nay vẫn nổi tiếng là vựa cá, vựa rắn, vựa các loài động vật hoang dã lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó còn phải kể đến Ong mật với những tổ to lớn trong rừng Tràm tạo thành nét riêng rất độc đáo của vùng nê địa này.
NGUY CƠ VÀ TRIỂN VỌNG…
Với nhiều ưu điểm hiếm có, Lung Ngọc Hoàng từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan tâm đặc biệt. Ông đã chỉ đạo việc tái tạo và cân bằng hệ sinh thái nhằm tạo môi trường du lịch hấp dẫn, đồng thời cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu môi trường tìm hiểu sự đa dạng sinh học để đưa vào quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng phát triển bền vững…
Dây Choại bám vào thân Tràm – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Trong chừng dăm năm trở lại đây, khi phong trào nuôi cá Tra bắt đầu nóng lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì Lung Ngọc Hoàng cũng được dư luận biết đến nhiều với việc Ban giám đốc Khu bảo tồn cho đào ao nuôi cá tại Lâm trường Mùa Xuân (cũ) và chỉ trong những ngày đầu tháng 4-2007 đã có đến 18 ao được đào hoàn chỉnh, mỗi ao rộng đến 5.000m² và còn dự kiến lấy thêm cả trăm hecta nữa để nuôi cá. Song song với việc đào ao là việc hàng chục hecta rừng bị đốn hạ không thương tiếc (!). Lý giải cho việc làm này, một cán bộ có trách nhiệm của Khu bảo tồn cho biết việc đào ao này đã có chủ trương của Ủy ban nhân dân Tỉnh từ năm 2005 với diện tích cho phép khoảng 30ha. Tuy nhiên trong năm 2006 chỉ mới đào được ba ao, mỗi ao 5.000m² để nuôi cá tra thử nghiệm. Vào đầu năm 2007, khi con cá Tra bắt đầu sốt thì dự án này được triển khai nhanh hơn. Trong bước thực hiện dự án, một ý tưởng lấy thêm 100ha nữa để nuôi cá cũng đang được tính tới nhưng chưa có chủ trương của Tỉnh (!).
Cánh đồng lúa trong Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Năm 2008, Cục Kiểm lâm đã đưa ra danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được xếp vào khu bảo tồn loài hay còn gọi là khu dự trữ tự nhiên và khu bảo tồn loài sinh cảnh, là vùng đất tự nhiên được thành lập nhằm mục đích đảm bảo diễn thế tự nhiên. Điều đáng suy nghĩ là những con số được công bố:
- Tổng diện tích sau rà soát: 791 ha
- Đất có rừng: 599 ha
- Đất chưa có rừng: 191 ha
(Nguồn cuocsongviet.com.vn)
Người dân sống trong Lung ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn vacne.org.vn
Quả là đáng tiếc vì với việc đào ao và phá rừng vô tội vạ, đã xâm hại cách nghiêm trọng đến hệ sinh thái, làm hủy hoại môi trường sống của các loài thực vật nơi đây. Được biết trên tổng diện tích 4.240,26ha của khu bảo tồn, hiện có trên 1.666ha đất lâm nghiệp, còn lại là đất nông nghiệp, đất thổ cư và đất chuyên dùng khác với 781 hộ dân gồm 3.400 nhân khẩu đang sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang rất nghèo túng và hệ sinh thái rừng chưa được quy hoạch phát triển đúng mức. Để vừa khai thác hiệu quả du lịch vừa tích cực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vấn đề đang đặt ra cho Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng là các chính sách hỗ trợ người dân vùng lân cận và trong khu bảo tồn, hạn chế khai thác trái phép tài nguyên ở đây để có thể phát triển một cách bền vững.
Một tín hiệu đáng mừng khi vào cuối năm 2008, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam đã đề xuất thành lập dự án “Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng dựa vào sự tham gia của cộng đồng”, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 1,5 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nhằm phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, sử dụng bền vững đất ngập nước.
LUNG NGỌC HOÀNG - VÙNG DU LỊCH SINH THÁI
Nói đến du lịch sinh thái tại tỉnh Hậu Giang không thể không nhắc đến Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, bởi đây thật sự là nơi bảo tồn các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật qúy hiếm, nơi tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước Tây sông Hậu, một địa chỉ du lịch sinh thái độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A đi thị trấn Cây Dương, huyện lỵ của huyện Phụng Hiệp khoảng 25km, đi tiếp 4km đường bộ hoặc xuồng vỏ lãi luồn lách sông rạch chừng 30 phút là đã tới được khu du lịch hiện đang được xây dựng tại Lâm trường Mùa Xuân (cũ). Có điều dù chỉ cách thị trấn Cây Dương chừng 4km, cái tên “Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng” vẫn còn quá xa lạ ngay cả với người dân Hậu Giang nói chi đến khách đến từ phương xa…
Màu xanh thanh bình tại Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: Nhu Nguyen (nguồn infornet)
Vào trung tuần tháng 5-2012, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cùng một số Sở, Ngành liên quan đã có buổi làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng về việc thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch tổng thể khu bảo tồn và những kết luận chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Tỉnh. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn, các thủ tục chia tách Lâm trường Mùa Xuân đã cơ bản hoàn thành. Như vậy, cùng với việc chia tách Lâm trường Mùa Xuân, khu du lịch sinh thái rộng 70ha giữa lâm trường này là liên doanh giữa Công ty Du lịch Cần thơ và Lâm trường Mùa Xuân càng có điều kiện thuận lợi để phát triển, hiện đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
Lung Ngọc Hoàng, điểm đến hấp dẫn du khách – Ảnh: nguồn baohaugiang.com.vn
Trong giai đoạn 1, khu du lịch đã hoàn thành các hạng mục như làm đường, cầu, nhà nghỉ, điểm câu cá, chỗ nuôi chim, thú, nhà ăn, sắm trâu… với kinh phí đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Du khách đến đây sẽ được hướng dẫn đi câu cá, kéo vó, đặt lờ, lộp bắt cá, bơi xuồng, đi xuyên rừng trên cầu tràm và tìm hiểu sinh hoạt trồng rừng, trồng lúa của người dân địa phương… Nhưng thú vị nhất là được cùng với bác nông dân “hướng dẫn viên du lịch tại chỗ” trải nghiệm những giây phút cưỡi trâu đầy phấn khích, cười đến nghiêng ngả…
Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, du khách còn có thể dùng xuồng chèo hoặc ngồi trên tắc ráng đi theo những kênh mương, ngắm những khóm bông Mua tím rịm nở rực chào đón hay dõi theo những bến bờ rợp bóng cây xanh… Đi sâu vào trong rừng, du khách sẽ có dịp nhìn thấy những thân Tràm to lớn gần một vòng tay ôm, chân ngâm trong nước và ngọn vươn thẳng lên trời cao, hoặc những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy Le le, Cò trắng chập chờn giữa mênh mông hoang dã…
Rừng Tràm trong Lung ngọc Hoàng – Ảnh: nguồn haugiang.gov.vn
Lung Ngọc Hoàng quả là một vùng du lịch sinh thái lý tưởng, thích hợp cho cả nghiên cứu khoa học và nghỉ ngơi, giải trí… Hy vọng giới hữu trách sẽ có những quyết sách đúng đắn để trong tương lai không xa, Lung Ngọc Hoàng không còn bị ám ảnh bởi những vấn nạn làm trĩu nặng lương tâm mà được biết đến như một vùng du lịch sinh thái, một điểm đến thân thiện với không gian êm ả thanh bình, một điểm đến đem lại cho khách du lịch niềm vui trọn vẹn với những dấu ấn tuyệt vời khó quên…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- CHỢ NỔI NGÃ BẢY - PHỤNG HIỆP (HẬU GIANG) 09/07/2013