» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
09/07/2013
CHỢ NỔI NGÃ BẢY - PHỤNG HIỆP (HẬU GIANG)
Trong số các dấu tích văn hóa bản địa ở vùng đất phương Nam, chợ nổi được ghi nhận là một loại hình văn hóa cộng đồng chứa đầy tính duy cảm. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều chợ nổi được biết đến như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)…, trong đó chợ nổi Ngã Bảy nằm tại ngã bảy Phụng Hiệp là nhộn nhịp và nổi tiếng nhất, trung tâm giao thương hàng hóa lớn, đầu mối giao thông thủy của cả vùng cực Nam. Do bảy dòng kênh tỏa ra bảy hướng thủy lộ trông tựa như những cánh sao mà người Pháp đã ví von gọi nơi đây bằng mỹ từ “ngôi sao Phụng Hiệp”.
Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn
NÉT ĐẶC TRƯNG VÙNG SÔNG NƯỚC
Nguyên chợ nổi Ngã Bảy hay còn gọi “chợ nổi Phụng Hiệp” thuộc địa bàn thị trấn Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp - tỉnh Cần Thơ), nơi bảy tuyến kênh đào Xẻo Vông, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Quản Lộ - Phụng Hiệp (Búng Tàu), Mương Lộ, Cái Côn, Mang Cá gặp nhau, gồm năm ngã kênh bên phải và hai ngã kênh bên trái cầu Phụng Hiệp tạo nên bảy thủy lộ tỏa ra bảy hướng khác nhau. Ngày nay do cơ cấu và sắp xếp lại địa giới các tỉnh, vị trí chợ nổi Ngã Bảy xưa thuộc phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Vị Thanh (tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang) 75km, cách trung tâm thành phố Cần Thơ và trung tâm thành phố Sóc Trăng trên tuyến quốc lộ 1A chừng 30km.
Sơ đồ chợ nổi Ngã Bảy và bảy kênh – Ảnh: nguồn phapluattp.vn
Được hình thành từ năm 1915, trên một đoạn kênh mênh mông rẽ về bảy ngã, chợ nổi Ngã Bảy đã trở thành một trung tâm giao thương, nơi bán sĩ các loại trái cây và hàng nông sản của địa phương theo kiểu “mùa nào thức ấy”. Cũng từ đó, để phục vụ giao thương, nơi đây đã hình thành xóm làm xuồng, làng nghề làm ghe ở đầu doi Tân Thới Hòa, doi Chảnh, doi Cát dài hơn 1km với hàng trăm hộ ăn nên làm ra, bên cạnh đó còn có làng nghề làm cần xé ở Đại Thành cũng hoạt động khá sôi nổi…
Một bức tranh dung dị – Ảnh: Nguyễn Đức (nguồn vnphoto.net)
Khác với chợ trên bờ, chợ nổi là chợ động, bởi các ghe thuyền luôn dao động theo con nước lớn, nước ròng. Khi mặt trời chưa ló dạng, hàng trăm ghe, thuyền đã neo đậu san sát tạo thành một bức tranh dung dị trong làn sương sớm. Tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền làm xao động cả một vùng sông nước. Đặc biệt mỗi ghe chỉ bán độc một món hàng, sản phẩm được treo trên đầu một cây sào dài được người địa phương gọi là “bẹo”.
Thông thường mỗi ghe chỉ bán một mặt hàng – Ảnh: nguồn diemhenviet.com
Năm 1961, khi bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu ra đời trong đó có đoạn “… Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…”, và tâm sự sầu ai đó đã được chắp cánh bởi giọng ca mùi mẫn ngọt ngào của “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn, thì Chợ nổi Ngã Bảy với bản sắc văn hóa giao thương độc đáo miền sông nước bỗng trở thành một trọng điểm được sự quan tâm chú ý của biết bao người.
Chợ Ngã Bảy trên bờ – Ảnh: Nguyễn Đức (nguồn vnphoto.net)
Đáng tiếc là từ năm 2002, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho tuyến đường thủy, chính quyền tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ đã cho di dời chợ về vị trí mới trên kênh Ba Ngàn cách vị trí cũ chừng 3km về hướng kênh Cái Côn, với tên gọi mới “Chợ nổi Ba Ngàn”. Quyết định này đã đặt dấu chấm hết đối với chợ nổi Ngã Bảy gắn liền với đoạn kênh nơi họp chợ và là “thương hiệu du lịch” nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
CHỢ NỔI NGÃ BẢY TRONG LÒNG KHÁCH DU LỊCH
Du khách thích đến với chợ nổi không phải để mua bán, mà để được ngồi trên những chiếc thuyền con chòng chành, vừa thưởng thức những đặc sản vùng sông nước vừa ngắm cảnh nhộn nhịp mua bán và được dịp trò chuyện cùng những cô gái chân quê - một cái thú tưởng chỉ có ở vùng sông nước Nam bộ.
Du khách thích thú tham quan chợ nổi – Ảnh: Nguyễn Đức (nguồn yume.vn)
Nhận xét về chợ nổi Phụng Hiệp, ông Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng người Pháp của tàu Calypso nổi tiếng thế giới đã từng khẳng định: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy.”. Cũng chính ông vào năm 1992 đã đến chợ nổi Ngã Bảy, dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn 100m cùng 4 ca-nô chuyên dùng tỏa ra khắp các điểm chợ nổi để thực hiện bộ phim tài liệu đặc sắc về chợ nổi Ngã Bảy. Phim này sau đó đã được phát sóng bởi 100 đài truyền hình trên khắp thế giới.
Ấm lòng phiên chợ sớm – Ảnh: Nguyễn Đức (nguồn vnphoto.net)
Năm 2001, một nhà nghiên cứu văn hóa Australia đã từng tấm tắc với đoàn làm phim VTV:“Đây là thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên, con người và xứ sở làm người ta chìm đắm trong một biểu cảm của sắc thái Việt. Một thứ văn hóa cộng đồng chứa đầy tính duy cảm…” Đứng cạnh chồng, bà vợ của ông cũng xuýt xoa phụ họa:“Thật kỳ ảo, giữa mênh mông trời nước, hàng trăm cái cột (chỉ cây “bẹo” - chú thích) nhấp nhô, tụ về một mối… Chợ này đẹp và sôi động, sung túc hơn nhiều so với chợ nổi Thái Lan.”
“Bẹo” - cách giới thiệu hàng độc đáo – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn
Do vị trí chợ nổi Ba Ngàn không thuận tiện cho giao thương như chợ nổi Ngã Bảy, ngay giới thương hồ và người dân cũng không mặn mà với chợ Ba Ngàn, không lạ khi khách du lịch cũng tỏ ra thất vọng với địa điểm họp chợ mới… Tưởng cũng nên biết, chợ nổi Ngã Bảy đã từng xuất hiện trên hầu hết sách hướng dẫn du lịch và website du lịch cả trong và ngoài nước.
Chợ nổi Ngã Bảy nhộn nhịp khách mua bán – Ảnh: nguồn dulichhaugiang.com
Ngay sau khi chợ nổi Ngã Bảy được đi dời, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lúc bấy giờ là bà Võ Thị Thắng đã có đề xuất Tổng cục Du lịch góp kinh phí cùng chính quyền địa phương khôi phục hoạt động chợ nổi Ngã Bảy. Chỉ mới một năm trước đây (tháng 6/2012), tại đại hội Đảng bộ thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), nhiều ý kiến đã đề xuất khôi phục chợ nổi Ngã Bảy để khai thác tiềm năng du lịch, thế mạnh về du lịch, thương mại - dịch vụ của địa phương.
Hội thảo bàn biện pháp khôi phục chợ nổi – Ảnh: nguồn dulichsoctrang.org
Ngày 26-7-2012, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hậu Giang đã tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp khôi phục, bảo tàng và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn”, tuy nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong khu vực… nhưng xem ra vấn đề còn lắm nhiêu khê, và sự việc cũng chỉ mới dừng lại ở hoài bảo của những nhà làm kế hoạch.
● ● ●
Trước việc chưa có ngõ ra cho giải pháp khôi phục chợ nổi Ngã Bảy, có lẽ không riêng gì anh bán chiếu Cà Mau, mà còn biết bao khách du lịch cũng đành phải “nặng lòng” vì cô nàng “chợ nổi Ngã Bảy” chẳng thấy ra chào ở chốn cũ hẹn hò năm xưa (!).
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN LUNG NGỌC HOÀNG 04/08/2012