» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

08/11/2013

TÒA THÁP ĐÔI PETRONAS - BIỂU TƯỢNG MALAYSIA


Đến thủ đô Kuala Lampur, du khách không khỏi choáng ngợp với tòa tháp đôi Petronas (Petronas Twin Towers) đẹp lộng lẫy, sừng sửng vút lên giữa trời xanh như một biểu tượng của đất nước Malaysia thời hiện đại. Petronas Twin Towers có chiều cao 452m gồm 88 tầng, trong sáu năm liền từ 1998 - 2003 đã giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới. Dù cho đến nay trên thế giới đã có nhiều tòa nhà cao hơn nhưng vẫn chưa có kiến trúc nào phá vỡ kỷ lục tòa tháp đôi cao nhất thế giới của Merana Petronas hay Merana Berkemba Petronas theo cách gọi của người Malaysia.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI…

Tọa lạc tại một vị trị đắc địa thuộc trung tâm thành phố Kuala Lumpur, nơi trước đây từng tồn tại trường đua ngựa của Selamgor Turf Club, Tháp đôi Petronas là một kiến trúc độc đáo của thế kỷ XXI, được thiết kế bởi kiến trúc sư danh tiếng Cesar Pelli người Mỹ gốc Argentina (Cesar Pelli & Associates - Hoa Kỳ) và lấy cảm hứng từ tinh hoa kiến trúc Hồi giáo với hình xoắn ốc nhỏ dần về phía đỉnh.

từ tinh hoa kiến trúc Hồi giáo

 Lấy cảm hứng từ tinh hoa kiến trúc Hồi giáo – Ảnh: nguồn phuthaitravel.com

Theo thiết kế ban đầu, tòa tháp chỉ cao 427m được bố trí hài hòa trong tổng thể khu phức hợp gồm công viên, công trình văn hóa và công sở tại thủ đô Kuala Lumpur. Chính vị Thủ tướng lúc bấy giờ là Mahathir bin Mohamad đã đề xuất ý tưởng biến công trình thành tòa tháp cao nhất thế giới và thiết kế đã được điều chỉnh đưa độ cao đến sàn cao nhất 375m, đến mái 403m và  đến ăng-ten 452m.

Hai tòa tháp nhìn từ trên cao

Hai tòa tháp nhìn từ trên cao – Ảnh Flatrock (nguồn building.com.vn)

Năm 1995, Tháp đôi được khởi công xây dựng với sự thi công của hai công ty độc lập, mỗi công ty đảm trách một tòa tháp. Tuy khởi công chậm hơn công ty Hazama một tháng nhưng tòa tháp thứ nhất do Samsung Construction thi công đã về đích trước. Điều thú vị là sau khi tòa tháp thứ hai hoàn thành, người ta mới phát hiện cấu trúc của tòa tháp này nghiêng 25mm so với phương thẳng đứng.

Tòa tháp đôi lộng lẫy trong đêm

Tháp đôi rực rỡ trong ánh sáng lung linh – Ảnh: nguồn alxslife.wordpress.com

Điểm đáng chú ý là do chi phí nhập khẩu thép quá cao, tòa nhà đã phải xây dựng theo thiết kế bê-tông siêu chịu lực - một kết cấu khá quen thuộc ở châu Á để tiết kiệm chi phí. Do vậy, phần móng sẽ phải chịu đựng sức nặng gấp đôi so với kết cấu thép, đặt ra vấn đề cân bằng với trọng lượng hàng ngàn tấn của tòa nhà trên vùng đất xốp Kuala Lumpur.

Xây dựng tháp trang trí

Xây dựng tháp trang trí – Ảnh: Cesar Pelli & Associates (nguồn pbs.org)

Để giải bài toán này, các kiến trúc sư và nhà thiết kế đã phải gia cố nền bằng 208 cọc bê-tông có kích thước 23m x 23m ở mỗi tháp, chôn ở độ sâu từ 40m - 115m cho đến khi gặp lớp đá nền. Ngoài ra còn phải đào sâu đến 30m và đổ khối móng bằng cốt thép trên những chiếc cột bê-tông này với trọng lượng khoảng 32.350 tấn cho mỗi tòa tháp. Trên nền móng đó, người ta lại xây một vách tường khổng lồ cao 21m với chu vi 1.000m. Phần tòa tháp bên trên được dựng hoàn toàn bằng vật liệu thép và kính, với 55.000m² kính dày 20,38mm được chế tạo đặc biệt có tác dụng ngăn tia cực tím.

Tháp đôi Petronas với Skybridge

Tháp đôi Petronas với Skybridge – Ảnh: Flickr lưu trữ (skyscrapercity.com)

Sau 4 năm xây dựng với chi phí lên đến 1,6 tỷ USD, Tháp đôi Petronas đã được đưa vào sử dụng ngày 31-8-1997 dịp kỷ niệm quốc khánh lần thứ 40 của Malaysia - thực tế tháp được hoàn thiện và chính thức khánh thành vào năm 1998. Dựa vào các yếu tố chiều cao, sự tiện nghi, an toàn, vẻ đẹp hài hòa…, Tháp đôi Petronas đã được công nhận “Wawasan năm 2020” (Tầm nhìn 2020) của Malaysia.

NIỀM TỰ HÀO MALAYSIA

Từ một thị trấn khai thác thiếc trước kia, Kuala Lampur ngày nay là một đô thị phồn thịnh của một đất nước được xếp vào hàng thịnh vượng nhất, nhì Đông Nam Á. Du khách đến Kuala Lampur dễ dàng nhận rõ sự hài hòa giữa những di tích, đền chùa còn mang nét cổ kính bên cạnh những kiến trúc vươn lên trời cao. Nổi bật trong số những công trình này là tòa tháp đôi Petronas - một biểu tượng của Malaysia. Đứng ở đâu trong thành phố, du khách cũng đều có thể nhìn thấy và định vị được hướng đi của mình.

Tòa tháp đôi lộng lẫy trong đêm

Tòa tháp đôi lộng lẫy trong đêm – Ảnh: Mukul Gupta (skyscrapercity.com)

Được xây dựng ngay trung tâm thành phố, giữa hai đường Ampang và Raja Chulan, Tháp đôi Petronas là một công trình kiến trúc cao vút giữa trời xanh với chiều cao 452m gồm 88 tầng, diện tích sàn đến 395.000m². Toàn bộ tòa tháp được kết cấu bằng thép với 32.000 cửa sổ bằng kiếng biến Tháp đôi thành một cửa sổ nhìn ra thế giới, lung linh dưới ánh nắng và càng lộng lẫy khi đêm về. Việc di chuyển trong hai tòa tháp được đáp ứng bởi 78 thang máy hoạt động rất hiệu quả.

Niềm tự hào Malaysia

Niềm tự hào Malaysia – Ảnh: Christopher Chan (nguồn skyscrapercity.com)

Một điểm nhấn ấn tượng của tòa tháp đôi là chiếc cầu Skybrige trên độ cao 170m, dài 158m nối liền hai tòa tháp ở tầng 41 và 42, nơi được xem là tầng chuyển vì bất cứ ai khi muốn lên những tầng cao hơn đều phải đổi thang máy tại đây. Skybridge là chiếc cầu trên không cao nhất thế giới, có chức năng như một con đường thoát hiểm, được thiết kế đặc biệt để có thể trượt tới, trượt lui chứ không thực sự gắn dính hai tháp nhằm tránh tổn hại đến cấu trúc của hai tòa tháp.

Skybridge trên độ cao 170m

Skybridge trên độ cao 170m – Ảnh: nguồn malaysia-travel-guide.com

Ngoài việc cho phép nhân viên của những công ty có văn phòng tại đây qua lại giữa hai tòa tháp mà không cần phải xuống mặt đất, Skybridge còn giúp du khách trải nghiệm cảm giác thú vị khi được ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Du khách phải chịu khó đến sớm và xếp hàng chờ nhận vé tham quan được cấp vào lúc 8:30 – 10:30 sáng. Mỗi ngày chỉ có 1.400 lượt khách được tham quan cầu và trước kia thì hoàn toàn miễn phí nhưng ngày nay khách phải trả 10RM. Với 15 phút ngắn ngủi đi dạo trên không và một tầm nhìn tuyệt vời, tưởng cũng không uổng công xếp hàng nhiều giờ liền. Du khách cũng có thể lên tầng 86 quan sát toàn cảnh thành phố thoải mái hơn với giá vé 40RM.

Du khách bên trong cầu

Du khách bên trong cầu – Ảnh: nguồn tripnow.tripadvisor.com

Bao quanh chân tháp là công viên nhiệt đới KLCC (Kuala Lumpur City Centre) rộng 17 mẫu Anh (Acre) với đủ muôn hồng nghìn tía, tạo nên một không gian xanh cho tòa tháp và cả khu vực. Trong công viên còn thiết kế cả đường chạy bộ và lối đi dạo, một sân chơi cho trẻ em, một thánh đường Hồi giáo, một hồ đi dạo rộng lớn, đài phun nước có biểu diễn nhạc nước và ánh sáng mỗi ngày với vòi nước phun cao đến 42m, thủy cung…

Không gian Petronas Twin Towers

Không gian Petronas Twin Towers –  Ảnh: nguồn faculty.fairfield.edu

Tháp đôi Petronas, ngoài công năng chính là khu văn phòng, còn là một trung tâm mua sắm lớn. Hiện hãng dầu Petronas sử dụng toàn bộ tòa tháp thứ nhất làm văn phòng cho hãng, các công ty con và công ty liên kết. Tại tòa tháp thứ hai hiện diện văn phòng của nhiều hãng lớn như Accenture, Al Jazeera International, Barclays Capitol, Bloomberg, Boeing, Exact Sofware, IBM, Khazanah Nasional Berhad, McKinsey & Co, Microsoft, Newfield Exploration, Reuters…

Trung tâm Thương mại Suria KLCC

Trung tâm Thương mại Suria KLCC – Ảnh: nguồn tourismmalaysia.gov.my

Nơi đây còn có Trung tâm Thương mại Suria KLCC, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Malaysia gồm 6 tầng trệt với gần 400 cửa hàng trong đó có những thương hiệu nổi tiếng xa xỉ nhất thế giới như Gucci, Prada, Rolex…, trở thành thiên đường cho những người mua sắm. Tại tầng 6 - tầng trên cùng của Suria KLCC là khu ẩm thực Malaysia với giá khá dễ chịu. Du khách có thể vừa dùng bữa vừa ngắm nhìn quang cảnh toàn thành phố.

khoảnh khắc giao thừa

Petronas Twin Towers - khoảnh khắc giao thừa – Ảnh: nguồn vozradio.net

Ngoài trung tâm mua sắm và công viên, tại Tháp Đôi còn có nhà hàng, quán bar, khách sạn, một số điểm tham quan khác như Khu trưng bày nghệ thuật Petronas, Trung tâm Khoa học Petrosains, Trung tâm hội nghị Kuala Lampur, đặc biệt Dewan Filharmonik Petronas là phòng hòa nhạc nằm giữa hai tháp, được thiết kế theo phong cách châu Âu thế kỷ XIX, một trong số các phòng hòa nhạc tốt nhất thế giới, địa điểm hàng đầu về âm nhạc cổ điển tại khu vực Đông Nam Á…

● ● ●

Nếu nền văn hóa Malaysia đã được hình thành từ sự dung hợp giữa các cộng đồng Malay, Trung Hoa và Ấn Độ, thì nền văn hóa này cũng đã góp phần tạo nên bức tranh phố thị Kuala Lampur ngày nay với những “gam” màu hết sức độc đáo. Đến với thành phố Kuala Lampur, dù đi giữa những công trình kiến trúc hiện đại hay lạc vào những góc phố nhỏ rộn ràng tiếng nhạc và mùi hương gia vị…, du khách đều cảm nhận một bầu khí thân thiện và gần gũi. Phải chăng đó là lý do để khi giã từ vùng đất này, ai cũng cảm thấy vấn vương và mong một lần trở lại ?

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung