» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

VIỆN SINH HỌC TÂY NGUYÊN


Viện Sinh Học Tây Nguyên nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548,2m, giữa khu rừng thông cách trung tâm Thành phố Đà Lạt gần 10 km trên đường đi Suối Vàng. Đặt chân đến đây, điều đầu tiên gây chú ý và ngạc nhiên nơi du khách là tòa nhà bằng đá có rất nhiều cửa sổ thật tĩnh lặng giữa rừng thông mà nổi bật ở mặt tiền là cây thập giá với hai hàng chữ bằng tiếng Latin: “Copiosa Apud Eum Pedemptio”, có nghĩa: “Ơn cứu độ chan chứa nơi Ngài”.

a

Viện Sinh học Tây nguyên -- Ảnh Mai Kim Thành

Thật ra đây nguyên là Học viện Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Giáo hội Công Giáo, xây dựng từ năm 1950. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã sử dụng cơ sở này cho các hoạt động công ích. Sau vài lần thay đổi đơn vị quản lý, đến năm 1991 nơi đây được chuyển giao cho Viện Sinh Học Nhiệt Đới trực thuộc Trung Tâm Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ Quốc Gia và trở thành Phân Viện Sinh Học tại Đà Lạt. Ngày 20-2-2008, Phân Viện Sinh Học tại Đà Lạt được đổi thành Viện Sinh học Tây Nguyên trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Viện Sinh Học Tây Nguyên có chức năng nghiên cứu hóa học, nghiên cứu vi sinh, nghiên cứu thực vật và công nghệ sinh học nuôi cấy mô… Ngoài ra, Viện Sinh Học Tây Nguyên còn hoạt động như một bảo tàng nhằm giới thiệu những loài đặc hữu tại Tây nguyên và Lâm Đồng gồm bảo tàng động vật và vườn thực vật phục vụ tham quan và du lịch.

Tham quan nơi đây, du khách sẽ có dịp thưởng lãm bộ sưu tập hoa lan phong phú được trưng bày trong hệ thống giàn gỗ với chừng 900 chậu địa lan nội ngoại, khoảng 1300 giò, chậu, bảng phong lan các loại. Du khách sẽ càng cảm kích khi biết Viện Sinh học Tây Nguyên hiện đang chăm sóc gìn giữ nguồn gène của gần 200 loài lan rừng khác nhau như nguồn dự phòng cho phát triển kinh tế địa phương mai sau. Đây là những loài được tìm thấy ở các rừng Lâm Đồng và vùng phụ cận mà trong số đó nổi bật những cái tên như: Thanh lan, Thanh đạm, Tuyết ngọc… là những giống loài quí hiếm, hoặc như Hài đỏ được xếp vào những loài đẹp nhất thế giới.

Bộ sưu tập động vật của Tây nguyên và của cả nước được trưng bày tại 7 phòng gồm 378 mẫu thú của 58 loài, 242 mẫu chim của 94 loài, 42 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài và hơn 200 hộp mẫu các loài côn trùng được sắp xếp theo từng loài, lớp, bộ, họ, đi từ động vật phát triển cấp thấp đến cấp cao, từ động vật biển như san hô, cua, ốc; loài lưỡng thê như trăn, rắn; động vật nuôi như gà, vịt, bò, cừu; lớp côn trùng; lớp chim; lớp thú rồi đến loài vật có não bộ phát triển ở bậc cao gần với con người như họ khỉ hầu hay linh trưởng…

Một danh sách đỏ cũng được Bảo tàng giới thiệu, từ các loài đang nguy cấp (đang bị đe dọa tuyệt chủng) như Gấu ngựa, Mang lớn, Cầy vằn bắc, Vượn má hung, Sóc bay sao, Sói đỏ, Cầy giông sọc, Gấu chó, Hổ, Báo hoa mai… đến các loài sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng) như Sơn dương, Cầy mực, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Rái cá vuốt, Kỳ đà nước, Vọc vá chân đen, Lửng lợn… Du khách sẽ thật thích thú với các mẫu vật được giới thiệu trong những tư thế tự nhiên sinh động. Khi gởi đi những lời kêu gọi: “Hãy bảo vệ loài tê giác Java”, “Hãy bảo vệ Sao la ”, “Hãy cứu lấy đàn voi của chúng ta”… các nhà khoa học dường như còn muốn nhắn nhủ: “Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con người !”

Viện Sinh học Tây Nguyên còn trưng bày hai mô hình vũ trụ do Liên Xô cũ tặng Việt Nam năm 1989.

Mai Kim Thành

(Bâng khuâng Đà Lạt – NXB Đà Nẵng 2001)

Danh mục nội dung