» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
09/03/2020
CÂY THÔNG 2 LÁ DẸT - VỊ SỨ GIẢ ĐẾN TỪ THỜI TIỀN SỬ
Đà Lạt là xứ sở ngàn thông - nơi đây có mặt 10 trong số 11 loài thông được ghi nhận tại Việt Nam. Điều thú vị là chen lẫn trong những loài thông hiện đại lại còn những loài thông cổ tích như thông 2 lá dẹt (Ducampopinus Krempfii), thông năm lá (Pinus dalatensis) mà trên thế giới đã bị tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước.
Cây thông 2 lá dẹt cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm – Ảnh: Khắc Lịch (cand.com.vn)
Việc phát hiện một loài thực vật cổ sinh vẫn còn tồn tại ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 là do bởi Krempfii, nhà thực vật học nguời Đức khi ông đến Đà Lạt nghiên cứu lâm sinh. Đến năm 1921, một nhà thực vật học người Pháp cũng là người phát hiện cây thông đỏ (Pinus Spp) Đà Lạt, ông M.H. Lecomte đã công bố: “Thông hai lá dẹt là một gène đặc hữu Việt Nam”, và để ghi công người phát hiện, ông đã đặt tên cho nó là Pinus Krempfii.
Lá của cây thông 2 lá dẹt – Ảnh: Mai Kim Thành (Bâng khuâng Đà Lạt - NXB Đà Nẵng 2001)
Có lẽ sự việc sẽ ít ầm ĩ hơn, nếu vào cuối năm 1944, một nhà thực vật học người Pháp chuyên về phân loại thực vật, ông O. Chevaliet đã không tuyên bố thẳng thừng: “Pinus Krempfii chỉ có một loài của một giống duy nhất và đã hóa thạch từ xa xưa”. Các cuộc tranh cãi trong giới khoa học với tầm vóc quốc tế đã thực sự nổ ra, và chỉ tạm lắng xuống khi Krisphind và Litenle, hai nhà khoa học người Mỹ đưa ra luận điểm về hóa thạch sống – Ducampopinus. Thông hai lá dẹt là loài tàn di hay hóa thạch sống của loài thực vật kỷ đệ tam, là loài cây chỉ xuất hiện tại Đà Lạt và họ hàng của nó trên thế giới chỉ còn được biết đến trong những mẫu hóa thạch, vì vậy nó được xem như là hóa thạch sống của thực vật tự nhiên.
Cây thông 2 lá dẹt có các tán cây tỏa rộng – Ảnh: Khắc Lịch (cand.com.vn)
Đồng bào bản địa Đà Lạt gọi thông hai lá dẹt là chion hoxori, nó có mặt ở Yộ Đa Myút (huyện Lạc Dương ) và Bidoup (huyện Đơn Dương) trong rừng già thường xanh với độ cao trên 2000 m. Các cây non chỉ mọc được trong rừng tối và đến hàng chục năm sau mới vươn lên tầng cao nhất của rừng, vì vậy khi quan sát từ xa, rất dễ nhận ra thông hai lá dẹt vươn cao trong khu rừng nguyên sinh với tán lá xòe ra như hình rẽ quạt. Một cây thông hai lá dẹt có thể cao đến 40m với đường kính 4m và đoạn thân gỗ lên đến 20m trước khi phân cành.
Tán lá xòe như hình rẽ quạt – Ảnh: Mai Kim Thành (Bâng khuâng Đà Lạt - NXB Đà Nẵng 2001)
Du khách có thể tiếp cận với vị sứ giả thời tiền sử khi từ Dankia tiếp tục đến cổng trời, là nơi cao nhất và là cánh cửa mà từ đó có thể nhìn xuống bên này là khu du lịch suối Vàng và bên kia là khu vực Đạm Ròn, nơi có ba xã xa nhất của huyện Lạc Dương. Đứng tại cổng trời, bên con đường quanh co uốn lượn, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những cây thông hai lá dẹt nỗi bật giữa rừng già, nhưng để đến được bên gốc thông cổ tích còn phải cắt rừng lội bộ hàng cây số, trong khu rừng hỗn giao dày đặc và thiếu ánh sáng…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- LÂU ĐÀI MẠNG NHỆN - ĐÀ LẠT 10/10/2010
- VIỆN SINH HỌC TÂY NGUYÊN 10/10/2010
- GA ĐÀ LẠT VÀ TOUR THAM QUAN TRẠI MÁT 10/10/2010
- CÁP TREO ĐÀ LẠT 10/10/2010
- TRÀ TIÊN PHONG QUÁN - BẢO LÂM 10/10/2010
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 10/10/2010
- KHÁCH SẠN DALAT PALACE 10/10/2010
- CHỢ ĐÀ LẠT HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN 10/10/2010