» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

ĐỀN PHÙ ĐỔNG


Đền Phù Đổng hay đền Thánh Gióng được xây dựng tại xã Phù Đổng (làng Gióng) thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 17km về hướng Đông Bắc. Đây là quê hương của người anh hùng thần thoại mà theo truyền thuyết đã đánh tan giặc Ân thời vua Hùng thứ 6.

Tương truyền mẹ Thánh Gióng vốn tuổi cao nhưng vẫn chưa có con, một hôm ra thăm vườn dẫm phải một vết chân lớn mà thụ thai sinh ra Thánh Gióng. Đó là vào thời vua Hùng thứ 6, lúc này đất nước đang bị giặc Ân phương Bắc xâm lược, đóng binh ở núi Châu Sơn đất Vũ Ninh (Bắc Ninh cũ). Nhà vua đã phải cho thông tri cầu người giúp nước.

a

Đền Phù Đổng -- Ảnh: CHẾ TRUNG HIẾU (nguồn Panoramaio)

Thánh Gióng tuy đã 3 tuổi vẫn chưa thấy nói cười, vậy mà khi nghe báo mõ đã bật dậy đòi mẹ mời sứ giả vào và yêu cầu về tâu với vua xin đúc ngựa sắt roi sắt để ông đi giết giặc.

Khi ngựa sắt roi sắt được đem đến, Thánh Gióng vươn vai đứng đậy, người cao lớn khác thường, nhảy lên ngựa mang roi sắt đi đánh giặc. Ông hăng hái xông vào trận tiền, khi roi sắt bị gãy liền nhổ bụi tre đánh tiếp, tướng sĩ giặc Ân thua chạy. Sau khi dẹp giặc xong, Thánh Gióng cỡi ngựa lên đỉnh núi Vệ Linh (Đa Phúc), cởi áo giáp để lại rồi biến mất.

Để ghi nhớ công ơn người anh hùng, nhà vua đã ra lệnh lập đền thờ ở quê làng Gióng, trên nền nhà cũ và phong “Phù Đổng Thiên Vương”.

3

Đền Phù Đổng -- Ảnh: CHẾ TRUNG HIẾU (nguồn Panoramaio)

Đến thế kỷ 11, khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đã cho tu bổ đền Phù Đổng và ban hành tổ chức hội Gióng vào ngày 9 - 4 âm lịch hàng năm. Đền cũng đã qua nhiều lần tu sửa và những gì hiện thấy như Bái đường, Hậu cung, nhà thủy đình giữa ao trước đền để tổ chức múa rối nước đều do đợt sửa chữa lần cuối vào năm 1888. Tại đền có pho tượng Thánh Gióng khá lớn, đặt giữa hai dãy tượng các vị tướng hầu cận. Nơi đây còn có cỗ ngai vàng được chạm trổ công phu, đôi chóe sứ tương truyền do bà Đặng Thị Huệ, vợ chúa Trịnh cung tiến vào năm 1660. Ngoài ra còn có đôi rồng đá và đôi sư tử đá tại bậc cửa với nét khắc chạm thật khỏe và phóng khoáng đã tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi đền.

Đền Phù Đổng được gọi là đền Thượng vì cách đó không xa phía ngoài chân đê cũng có một ngôi đền khác dựng từ năm 1693 thờ mẹ của Thánh Gióng được gọi là đền Mẫu hay đền Hạ.

Hội Gióng (6 – 12 tháng 4 âl) là dịp tụ hội dân 4 làng vùng này tham gia diễn xướng ca múa nhạc. Tuy là một nghi thức thờ tự anh hùng dân tộc nhưng cũng đồng thời thể hiện tính lạc quan yêu đời, sức chiến đấu bền bỉ của người dân nước Việt.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung