» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

08/04/2011

KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG


Nằm trên ngọn núi cao 175m thường được gọi là núi đền Nghĩa Lĩnh hoặc Hy Cương, khu di tích đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì hơn 10km và cách Hà Nội chừng 94km về phía Tây. Đây là mảnh đất thiêng đối với dân tộc Việt Nam gắn với 18 đời vua Hùng dựng nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.

a 

Cổng chính đường lên các lăng, đền Đền Hùng

Khởi từ gần chân núi với đền Trình và 4 chữ “Cao sơn cảnh hành” trên cổng, con đường dẫn khách hành hương vào chân núi để chuẩn bị chuyến hành trình tìm lại nguồn cội. Trước khi vượt non thiêng, du khách cũng nên ghé thăm Bảo tàng Hùng Vương bên tay trái để tìm hiểu về sự phát triển của nền văn hóa thời đại các vua Hùng qua các di vật khảo cổ được giới thiệu. 

a 

Đền Hạ - điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình hành hương Đền Hùng

Vượt qua 225 bậc thềm, du khách tiếp cận đầu tiên Đền Hạ với gác chuông, nhà bia, tương truyền là nơi vua Hùng thứ 7 thường ra làm lễ. Tại đây còn có chùa Thiền Quang với cây đại 500 năm, cây vạn tuế 3 nhánh 700 năm, tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con.

Đi thêm 168 bậc thềm là đến Đền Trung, nơi đây có cây đại 700 năm, tại sân đền có 9 tảng đá, tảng lớn nhất đặt chính giữa, 8 tảng nhỏ hơn xếp thành vòng tròn chung quanh, tương truyền đây là nơi họp các Lạc hầu, Lạc tướng, là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày đầu tiên của dân tộc.

a 

Đền Trung - thắp hương làm lễ cầu may, cầu bình an, tài lộc đầu năm

Tiếp tục vượt thêm 102 bậc thềm là đến Đền Thượng hay “Kính thiên linh điện”, phía trước có 4 chữ “Nam Việt tích tổ”, là nơi ghi dấu các vua Hùng làm lễ tế trời đất, tế thờ thần Lúa. Cạnh đền Thượng còn có “Hùng Vương lăng” là mộ vua Hùng thứ 6. Tương truyền sau khi thánh Gióng đánh thắng giặc Ân và bay về trời, vua Hùng thứ 6 đã cởi áo vắt lên cành kim giao rồi hóa. Ban đầu đây chỉ là ngôi mộ, đến đầu triều Nguyễn đã xây thành lăng như hiện nay.

a 

Đền Thượng - nơi các vua Hùng tiến hành các nghi lễ, thờ thần trời đất

Không cần thiết phải trở về bằng lối cũ, du khách đi xuống theo phía Đông Nam sẽ gặp đền Giếng nằm ở chân núi, thờ hai công chúa con vua Hùng thứ 18 là Ngọc Hoa và Tiên Dung. Tại đền có giếng Ngọc, tương truyền các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến đây soi xuống lòng giếng để chải tóc, chít khăn… Trước đền là một hồ sen, qua khỏi hồ sen là vòm cổng có đề bốn chữ “Trung sơn thiên hữu”.

Hàng năm cứ vào ngày 8 – 10 tháng Ba âm lịch, đền Hùng giỗ hội thu hút hàng trăm ngàn người hành hương từ khắp mọi miền đất nước. 

Mai Kim Thành        

Ảnh: nguồn TVO – 22.4.2010

Danh mục nội dung