» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

26/12/2016

BẢO TÀNG HÙNG VƯƠNG TẠI KHU DI TÍCH ĐỀN HÙNG


Nếu có ai đó lẩn thẩn đặt câu hỏi: “Bạn có biết ở đâu trên thế giới có hai bảo tàng chỉ nằm cách nhau vài cây số trên một địa bàn thành phố mà lại mang cùng một tên gọi không?”, thì có thể Bạn sẽ nhanh nhẩu phủ nhận ngay, nghĩa là không thể có… Ấy vậy mà đó không phải là chuyện tưởng tượng hay bông đùa cho vui trong lúc trà dư tửu hậu, bởi thực tế tại thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ - Việt Nam đã hiện diện hai bảo tàng cùng mang tên Hùng Vương, vô tình hay hữu ý đã gây nên sự mập mờ khiến các nhà nghiên cứu và khách du lịch dễ rơi vào tình huống hoang mang đến… khó chịu (!).

 Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Ảnh: nguồn anhduongtours.vn

Phải vòng vo như vậy là để lý giải cho cái tựa đề hơi cẩn thận hơn mức cần thiết, bởi mục tiêu nhắm giới thiệu là Bảo tàng Hùng Vương thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia được xây dựng từ năm 1986 tại khu di tích đền Hùng với kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28-3-1993 (hiện cùng với khu di tích lịch sử Đền Hùng được chuyển về Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ quản lý), chứ không phải Bảo tàng Hùng Vương nằm trên đường Trần Phú thuộc phường Gia Cầm mà tiền thân là Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ, được khởi công xây dựng ngày 1-1-2008 với tổng mức đầu tư trên 165 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ ngày 14-4-2010, đến ngày 6-12-2010 đã được đổi tên thành Bảo tàng Hùng Vương theo Quyết định số 4053/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. 

Bảo tàng Hùng Vương (mới)  

Bảo tàng Hùng Vương (mới) nguyên là Bảo tàng tỉnh Phú Thọ – Ảnh: nguồn dulichphutho.com.vn  

Tọa lạc trên một quả đồi thuộc xã Hy Cương - thành phố Việt Trì, cách cổng đền Hùng chừng 100m, Bảo tàng “quốc gia” Hùng Vương là một kiến trúc có thiết kế 2 tầng với gần 1.000m² diện tích xây dựng, tuy hiện đại nhưng vẫn không thiếu tính dân tộc, vừa đường bệ lại vừa trang nhã, thanh thoát… Đây là công trình được thiết kế bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn - đất vuông. Đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh Chưng, bánh Dầy trong huyền sử dân tộc Việt.

 Bảo tàng Hùng Vương thuộc khu di tích đền Hùng

Bảo tàng Hùng Vương thuộc khu di tích đền Hùng – Ảnh: nguồn violet.vn

Trong nỗ lực hướng người xem vào chiều sâu tư tưởng, giúp nhận rõ dung mạo con người Việt Nam qua quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời phản ảnh mối tương quan hữu cơ giữa văn hóa Hùng Vương với nền văn minh sông Hồng, Bảo tàng Hùng Vương đã giới thiệu cả quá trình lịch sử dựng nước và phát triển qua các giai đoạn, từ văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn với các mẫu động, thực vật, khoáng sản, đá Sơn Vi và chứng tích về hang Ngựa (Thu Cúc - Thanh Sơn) đến các hiện vật rìu có vai, rìu mài tứ diện, cuốc đá, đồ trang sức đá, bình gốm, bát gốm, những nha chương bằng đá, lao, tên, lưỡi câu… của con người thời nguyên thủy, các hiện vật thời dựng nước Văn Lang trong đó có 10 trống đồng tìm được trên đất Phong Châu, có chiếc chỉ cách núi đền khoảng 500m…

Một góc mộ táng 03GDH1M1

Một góc mộ táng 03GDH1M1 khai quật năm 2003 tại khu Gò De (xã Thanh Định, huyện Lâm Thao) hiện trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương – Ảnh: nguồn bienphong.com.vn

Vận dụng thủ pháp bảo tàng hiện đại kết hợp giải pháp kỹ - mỹ thuật trong nội dung trưng bày, Bảo tàng đã giới thiệu cách sinh động gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tập, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác, tất cả được trưng bày tại 5 phòng chuyên đề chính, khắc họa và làm nổi bật chủ đề “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”:

- Đất nước, con người thời nguyên thủy.

- Bắt đầu thời dựng nước.

- Sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng.

- Khu di tích Đền Hùng và việc thờ cúng Vua Hùng trên thềm đất cổ Phong Châu.

- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của các chế độ xã hội với Đền Hùng.

 Bên trong Bảo tàng Hùng Vương

Bên trong Bảo tàng Hùng Vương – Ảnh: nguồn idptravel.com

Việc hình thành Bảo tàng Hùng Vương ngay tại khu di tích Đền Hùng đã đáp ứng được sự kỳ vọng của không chỉ người Việt cả trong và ngoài nước, mà còn của các nhà khoa học và bạn bè quốc tế. Bảo tàng đã khắc họa được lịch sử hào hùng của một dân tộc, góp phần giới thiệu về khu di tích đền Hùng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cùng những tình cảm của con dân Việt Nam đối với các vua Hùng… Bên cạnh đó, Bảo tàng còn giúp khách quốc tế hiểu được nguồn cội dân tộc Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt Nam, đạo lý của con người Việt Nam để thêm yêu mến và ngưỡng mộ…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung