» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

05/07/2011

DINH THẦY - THÍM


Tọa lạc giữa khu rừng dầu Bàu Cái thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi (trước thuộc xã Tân Hải, huyện Hàm Tân), cách thành phố Phan Thiết chừng 70km về phía Đông Nam và cách thị xã La Gi khoảng 10km, dinh Thầy Thím là điểm nhấn uy nghi giữa một làng quê yên tĩnh với câu chuyện nhuốm màu sắc huyền thoại về hai vợ chồng vị đạo sĩ được yêu kính và tôn thờ như vị Thành hoàng.


Cổng tam quan dinh Thầy - Thím


Dinh Thầy - Thím mang vẻ đẹp hiền hòa của một mái nhà quê xưa

Truyền thuyết kể lại vào thời Nguyễn, tại làng La Qua, Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam có vợ chồng người đạo sĩ tài đức thường hay giúp đỡ dân nghèo. Một hôm do trổ tài chuyển đổi đình cho làng mình mà bị nhà vua kết tội gây rối và phạt “tam ban triều điển” (được chọn một trong ba cách chết: chém, uống thuốc độc hoặc treo cổ), họ đã chọn cách treo cổ nhưng khi dãi lụa đào vừa được trao đến tay lão đạo sĩ thì liền biến thành con rồng cõng hai vợ chồng bay về phương Nam, hạ xuống làng Tam Tân (nay thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi). Tại đây, bằng nghề đốn củi và dùng lá thuốc chữa bệnh cứu người, hai vợ chồng đạo sĩ được người dân quanh vùng gọi bằng danh xưng "Thầy - Thím" vừa gần gũi vừa tôn kính.


Chánh  điện với kiến trúc độc đáo


Nhà vỏ ca với kiến trúc cột rồng, mái ngói, lưỡng long chầu nguyệt trên mái mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ 19

Truyền thuyết còn đi xa hơn khi kể rằng, vào một ngày mùa thu lúc hay tin vợ chồng đạo sĩ qua đời, người dân tìm đến thì đã thấy hai ngôi mộ được thú dữ đắp bằng cát trắng tinh tươm ở khu rừng Bàu Cái, và nhiều người còn thấy cứ đến ngày mùng năm tháng Giêng âm lịch hàng năm, một đôi hổ gồm một bạch, một hắc đã về nằm phủ phục canh gác mộ. Chính vì vậy mà sau nay khi đôi hắc, bạch hổ qua đời, cảm phục trước sự tận trung của hai con vật, dân làng đã an táng chúng ngay sau ngôi mộ Thầy - Thím.


Nhà tiền hiền nơi gian trái của chánh điện Dinh Thầy Thím


Nét kiến trúc độc đáo trên mái ngói mang biểu tượng rồng của thế kỷ 19 ghép từ những mảnh sành sứ nhiều màu do nghệ nhân từ Huế vào phục dựng

Nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với vợ chồng vị đạo sĩ – những người đã có công khai phá vùng đất mới, ngay từ đầu thế kỷ 19 dân làng đã lập dinh thờ Thầy - Thím như hai vị Thành hoàng. Ban đầu chỉ dựng bằng tranh lá đơn sơ, đến ngày 25-12 năm Kỷ Mão (1879), dinh mới được xây dựng lại với kiến trúc qui mô như một ngôi đình làng gồm nhà chính điện, nhà thờ tiên hiền và nhà võ ca. Tại khám thờ có bài vị của Thầy - Thím cùng nhiều bức hoành ca ngợi công đức của hai vị. Sau này vào năm Bính Ngọ (1906) đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xét công đức của vợ chồng đạo sĩ năm xưa, xóa án cũ và sắc phong “Chí đức Tiên sinh, Chí đức Nương nương tôn thần”.


Hắc hổ - bạch hổ ngồi chầu ngay sau bức án phong


Mặt trong cổng tam quan chạm khắc nhiều hình rồng bay phượng múa như gởi lời chào từ biệt du khách rời mảnh đất huyền thoại trở về với đời thường

Ngày 01-12-1993, Dinh Thầy - Thím được công nhận thắng tích tỉnh Bình Thuận, đến ngày 27-9-1997 đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm nơi đây diễn ra hai dịp lễ lớn là lễ tảo mộ (5-1 âl) và lễ Tế Thu Thầy - Thím (15 &16-9 âl). Vào dịp lễ Tế Thu, nơi đây đã mở hội dinh Thầy rất qui mô thu hút người khắp bốn phương đổ về tham dự rất đông. Năm 2006, trong nỗ lực góp phần quảng bá du lịch địa phương, lễ hội dinh Thầy - Thím đã được tỉnh Bình Thuận nâng cấp thành lễ hội văn hóa, trở thành một trong ba lễ hội độc đáo nhất tỉnh Bình Thuận…

                                                                                    Mai Kim Thành            

Ảnh: Kh. Ngọc - M. Phước (Tuổi Trẻ Online – 31.7.2008)

Danh mục nội dung