» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

09/01/2014

NHÀ LƯU GIỮ BẢO VẬT VƯƠNG QUỐC CHĂMPA (BÌNH THUẬN)


Mỗi khi nhắc đến Vương quốc Chămpa cổ, nhiều người vẫn liên tưởng đến hệ thống đền đài, tháp Chăm còn tồn tại dọc theo dải đất miền Trung với nghệ thuật tạo hình hết sức độc đáo, các lễ hội phong phú của người Chăm hiện nay… Ít ai ngờ rằng trải qua bao biến thiên dâu bể, những di vật qúy giá của hoàng tộc Chăm có niên đại từ thế kỷ XIV - XVII vẫn được hậu duệ truyền thừa của các vương triều Chăm gìn giữ hết sức cẩn trọng, trở thành di sản của nền văn minh văn hóa Chăm…

CẢO THƠM LẦN GIỞ…

Trong lịch sử, vương quốc Chămpa từng được biết đến như một quốc gia độc lập, tồn tại liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 - 1832 với các tên gọi Lâm Ấp (192 - 757), Hoàn Vương (757 - 875), Chiêm Thành (875 - 1471) và cuối cùng là Panduranga - Chămpa (1471 - 1832) trên phần đất ngày nay thuộc miền Trung Việt Nam.

 Tháp Chăm Po Sha Inư

Quần thể tháp Chăm Po Sha Inư (Tháp Phố Hài) tại Bình Thuận – Ảnh: nguồn news.go.vn

Trải qua nhiều triều đại với nhiều lần dời đô từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, bốn địa khu được biết đến trong lịch sử hình thành vương quốc Chămpa là Amaravati (nay là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi với hai trung tâm là thành phố Indrapura nằm ở khu vực Đồng Dương, nay thuộc huyện Thăng Bình và thành phố Simhapura nằm ở Trà Kiệu nay thuộc huyện Duy Xuyên đều thuộc tỉnh Quảng Nam; lúc mở rộng nhất địa khu này còn bao gồm cả tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay), Vijaya (nay là toàn bộ tỉnh Bình Định với thủ phủ cũng là thành phố Vijaya nằm gần thành phố Qui Nhơn ngày nay mà sử Việt ghi là Chà Bàn hay Đồ Bàn), Kauthara (gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay, với thủ phủ cũng là thành phố Kauthara, nay là thành phố Nha Trang) và Panduranga (gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, với thủ phủ cũng là thành phố Panduranga nay là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

 Vương miện vua và búi tóc hoàng hậu Chăm

Vương miện vua và búi tóc hoàng hậu Chăm – Ảnh: Nguyễn Xuân Lý (nguồn m.baobinhthuan.com.vn)

Do có sự phân bố khác biệt về điều kiện địa lý cũng như môi trường xã hội, đã hình thành những giá trị văn hóa mang tính đặc thù riêng biệt cho từng địa khu khác nhau. Điểm đáng trân trọng là tuy đường lối trị vì của mỗi triều đại có sự khác biệt nhưng các vị quân vương vẫn duy trì được bản sắc văn hóa riêng của người Chăm, thể hiện rõ nét qua trang phục của triều đình, các loại vũ khí cùng các dụng cụ trong sinh hoạt thường ngày, có nhiều khác biệt so với các lân quốc trong khu vực.

Ảnh tượng vua Pô Klong Mo H'Nai và vương miện  

Hình mẫu tượng vua Pô Klong Mo H'Nai và vương miện lúc vua thiết triều – Ảnh: Quyên Triệu (nguồn nguoiduatin.vn)

Những tưởng vương quốc Chămpa qua quá trình lụi tàn chỉ để lại những dấu vết đền, tháp với kiến trúc độc đáo còn được biết đến như thánh địa Mỹ Sơn hay kinh thành Shimhapura (Trà Kiệu), kinh đô Indrapura (Đồng Dương), kinh đô Vijaya (Bình Định), Panduranga (Phan Rang)…, nhưng thật may mắn khi hậu duệ của dòng vua Chămpa PơKlong Mơ Hnai đã thừa kế và lưu giữ di sản của hoàng tộc, giúp người ngày nay chút hiểu biết về những vương triều cuối cùng của Vương quốc Chămpa xưa. 

Bà Nguyễn Thị Đào, người thừa kế quản lý di sản  

Bà Nguyễn Thị Đào, người thừa kế quản lý di sản hoàng tộc Chăm hiện nay – Ảnh: Bảo Bình (nguồn nld.com.vn)

Theo tập tục của người Chămpa theo đạo Bà la môn, người con gái út trong gia đình được hưởng thừa kế và chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Tuy các đời vua Chăm đều kế tục nhau theo phương thức “cha truyền con nối” nhưng tập tục Bà la môn vẫn được áp dụng cách nghiêm túc. Người được quyền thừa kế, lưu giữ di sản của hoàng tộc Chăm lâu nhất được biết đến hiện nay là bà Nguyễn thị Thềm - một hậu duệ của dòng vua Chămpa Po Klaong Mânai, được người Chăm tin yêu gọi là “công chúa”. Bà Thềm qua đời năm 1995, do không có con nên quyền quản lý được chuyển lại cho bà Nguyễn thị Đào, cháu gái được bà Thềm xem như con ruột. Một điểm thú vị tưởng cũng nên biết, mẹ bà Đào là em út của bà Thềm, người đã từng giữ quyền thừa kế. Do bà mất sớm trong khi con gái út là bà Đào còn quá nhỏ nên quyền quản lý đã được chuyển về cho chị gái là bà Thềm…

KHO TÀNG CỦA CÁC VỊ VUA CHĂM

Nằm tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết chừng 60km về phía Bắc, Nhà lưu giữ bảo vật Vương quốc Chăm là một tòa nhà hai tầng, bên dưới làm nơi sinh hoạt, tiếp khách của gia đình và tầng trên làm nơi lưu giữ bộ sưu tập duy nhất của các vương triều Chămpa sau 1640 năm tồn tại. Người Chăm gọi nơi đây là Kho mở, còn người Pháp gọi bộ sưu tập này là một trong những “kho tàng của các vị vua Chăm”.

Nhà lưu giữ bảo vật Vương quốc Chăm  

Kho mở, nơi lưu giữ bảo vật Vương quốc Chăm – Ảnh: Thành Dũng (nguồn cand.com)

Nhà lưu giữ bảo vật Vương quốc Chăm hiện đang lưu giữ bộ sưu tập duy nhất còn lại của các vương triều Chămpa, có niên đại từ thế kỷ XIV - XVII, chủ yếu là của những vị vua cuối cùng của vương quốc Chămpa mà nhiều nhất là của vương triều Po Klaong Mânai ở nửa đầu thế kỷ XVII. Được biết số bảo vật ban đầu có đến gần 200, qua quá trình di chuyển, cất giấu, chiến tranh và nhất là hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Bác Hồ phát động cùng đóng góp tài lực xây dựng đất nước vào những năm về sau, một số cổ vật có giá trị đã được hiến tặng trong đó có cả vương miện được cho là của vua Po Klaong Kul, vương miện của hoàng hậu Po Bia Sơm. Hiện nay chỉ còn chừng 100 hiện vật do gia đình bà Đào lưu giữ, trong đó giá trị nhất là bộ vương miện của vua Po Klaong Mânai và búi chụp tóc của hoàng hậu Po Bia Sơm…

Vương miện vua Chăm  

Vương miện vua Chăm – Ảnh: Thành Dũng (nguồn cand.com)

Vương miện của vua Po Klaong Mânai là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm, được làm toàn bằng vàng và chạm trổ rất tinh xảo, có thể trước đây có gắn đá qúy, đặc biệt lấy biểu tượng là hình hai con Makara là một loại động vật nửa thú, nửa cá thường được mô tả có cái đầu giống đầu voi và thân hình giống mình cá, khác hẳn với vương miện của các vua Trung Quốc và Việt Nam lấy biểu tượng rồng. Búi chụp tóc của hoàng hậu Po Bia Sơm cũng bằng vàng, có hình dạng nhủ, được trang trí công phu với nhiều hoa văn truyền thống của người Chăm xưa. Các bông tai, vòng xuyến của hoàng hậu cũng được làm bằng vàng với những họa tiết cầu kỳ và có đường nét khá uyển chuyển.

Búi tóc, bông tai và vòng xuyến của hoàng hậu  

Búi tóc, bông tai và vòng xuyến của hoàng hậu Po Bia Sơm – Ảnh: Bảo Bình (nguồn nld.com.vn)

Chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập là hàng chục bộ trang phục của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, các phi tần, cung nữ dưới các triều đại vua Chăm. Hầu hết các bộ trang phục này đều được thêu chỉ vàng và có hoa văn tinh tế. Hoàng bào của nhà vua mang phong thái uy nghiêm, dũng mãnh của bậc đế vương với những đường nét hoa văn tinh xảo cùng chất liệu vải rất độc đáo (cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa đã có những nỗ lực phục hồi nhưng vẫn chưa thành công). Trang phục của hoàng hậu, công chúa, hoàng tử đều thể hiện nét đài các, sang trọng tương xứng với vị thế của hoàng gia.

 Một góc Kho mở  tại nhà Bà Đào

Một góc Kho mở  tại nhà Bà Đào – Ảnh: Thành Dũng (nguồn cand.com)

Ngoài ra còn nhiều hiện vật khác như các bộ khay khảm xà cừ, đồ đựng trầu cau bằng bạc, chiếc nón vệ binh được làm bằng gỗ thông, bộ phèng la bằng đồng thau có hình dáng giống bộ cồng chiêng của một số dân tộc Tây nguyên… Tất cả đều thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc, phản ánh phần nào đời sống văn hóa cung đình và không khí lễ hội của người Chăm xưa. Nhiều loại tài liệu liên quan đến đất đai và sinh hoạt triều chính cũng còn được lưu giữ, trong đó có sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho vua Po Klaong Mânai vẫn còn tươi nguyên nét mực…

Sắc phong của các triều vua Nguyễn  

Sắc phong của các triều vua Nguyễn ban tặng cho vua Po Klaong Mânai có niên đại từ thế kỷ 17 – Ảnh: Quyên Triệu (nguồn nguoiduatin.vn)

Năm 1993, Nhà lưu giữ bảo vật Vương quốc Chăm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia cùng với đền thờ Po Klaong Mânai.

● ● ●

Thật đáng mừng, trải qua bao biến thiên dâu bể, những hậu duệ của vua Po Klaong Mânai đã cất giữ bộ di sản của hoàng tộc Chăm rất cẩn thận với tất cả trách nhiệm và ý thức thần thiêng. Trong những thời điểm khó khăn nhất, một số cổ vật đã được gởi lên núi nhờ người Churu và Raglay kết nghĩa ở Lâm Đồng trông coi giúp. Từ đó đã hình thành mỹ tục, cứ đến lễ hội Katê hàng năm, các làng Raglay được gửi gắm cất giữ báu vật của vua Chăm lại cử người rời núi mang báu vật trao cho các chức sắc Chăm hành lễ, sau lễ lại rước về cất giữ rất nghiêm cẩn, thể hiện sự trọng thị và tình cảm cao qúy của hai dân tộc Chăm - Raglay…

Tượng thờ vua Po Klaong Mânai  

Tượng thờ vua Po Klaong Mânai ở xã Lương Sơn – Ảnh: N. Thành Sỹ (nguồn congan.com.vn)

Người Chăm vẫn giữ lệ cúng vua vào ngày 1 - 7 Chăm lịch (khoảng đầu tháng 9 âm lịch), nhằm ngày Tết của hoàng tộc mà ngày nay được biết đến với tên gọi lễ hội Katê. Vào dịp này, họ hàng cùng khách cả trong lẫn ngoài làng kéo nhau đến thăm viếng, chúc mừng rất đông. Ngoài dịp này, Nhà lưu niệm chỉ mở cửa cho người ngoài tham quan vào ngày 30 Tết hoặc mùng 1 Tết Katê hằng năm.

Mai Kim Thành (Tổng hợp)    

Danh mục nội dung