» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI


“Hà Nội – 36 phố phường” có thời là cụm từ cửa miệng nói lên nét đặc trưng của vùng đất “kinh kỳ kẻ chợ” với “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”. Trong thực tế, ngay từ thời Trần, khu vực hành chánh này có đến 61 phường, sang đến thời Lê còn lại 36 phường và tổ chức hành chánh này đã không biến động trong suốt gần ba thế kỷ.

hinh anh

Những ngôi nhà cổ dọc phố Hàng Đào - phía bắc hồ Hoàn Kiếm

Từ một đơn vị hành chánh, thuật ngữ “phường” có lúc được dùng để chỉ một hội, nhóm hành nghề hoặc lẫn lộn cả hai chức năng như phường nghề nông, phường thủ công hay phường buôn bán mà trong số đó, các phường nghề nông nhờ ít biến động nên đến nay có phường vẫn còn giữ nguyên tên gọi cũ như Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Xã Đàm, Thịnh Quang… Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều phường đã trở thành phố theo nghĩa là khu buôn bán tập trung như phường Giang Khẩu (sau đổi là Hà Khẩu) ở ngay cửa sông Tô Lịch mà ngày nay nằm giữa các phố Nguyễn Siêu và Hàng Buồm - Chợ Gạo đã từng là một nơi “trên bến dưới thuyền”, nhộn nhịp thương nhân trong và ngoài nước.

hinh anh

Dây điện giăng trên đầu

“36 phố phường” ngày nay được cô đọng trong một khu tam giác phố cổ, đúng hơn là một khu hình thang với đỉnh là phố Hàng Đậu, đáy là dãy phố Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ - Hàng Thùng, hai cạnh còn lại là dãy phố Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải và Hàng Cót - Hàng Gà - Hàng Điếu - Hàng Da với diện tích khu vực chừng 100ha, một thời tập trung đủ các phường hội thủ công và mỗi phố mang tên một mặt hàng sản xuất hay kinh doanh nên đa phần tên phố đều được bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Nơi đây nhà phố đều cấu trúc theo kiểu “nhà ống” bề ngang chỉ từ 3m - 4m nhưng chiều sâu lại đến 50m, 60m hoặc hơn, có khi thông ra một ngõ hay phố khác và có bố cục khá giống nhau: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng, tiếp đến là một khoảng sân trời để lấy ánh sáng – tại đây thường được bài trí cây cảnh, dàn hoa, bể cạn với non bộ để nuôi cá vàng; gian nhà trong mới là nơi ăn ở và kế đó là khu phụ trợ.

hinh anh

Ăn uống ở vỉa hè

Tại khu vực này phần lớn nhà ở đều chỉ có một tầng, lợp bằng những viên ngói vảy cá xinh xắn. Một số nhà còn xây thêm tầng gác nhưng do luật lệ khắt khe của các triều đại ngày trước nên gác thường không cao và rất ít thấy trổ cửa sổ hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ. Rải rác cũng còn hiện diện nhiều đình, đền, chùa, miếu mà trước hết là nơi thờ tự của các làng, thôn, phường cũ, như đình Tú Đình Thị ở 2A ngõ Yên Thái do dân làng Quất Động (Hà Tây) dựng để thờ tổ nghề thêu, đình 38 Hàng Đường là của làng Đức Môn mà phố này ngang qua, đình Hoa Lộc ở 90 Hàng Đào được lập bởi phường nhuộm màu gốc Đan Loan (Hải Hưng), chùa Huyền Thiên ở 54 Hàng Khoai là của làng Huyền Thiên…

hinh anh

Chợ ở phố cổ

Ngày nay do những áp lực của một xã hội phát triển cùng với sự thờ ơ của con người, các khu phố cổ đang dần mai một hoặc bị thay thế bởi những kiến trúc hiện đại nhưng đó đây vẫn còn phảng phất nét cổ kính đầy quyến rủ và cái không gian văn hóa bàng bạc dấu xưa ấy cũng đủ tạo ấn tượng để “người về nhớ cảnh ngẩn ngơ”…

Mai Kim Thành     

Ảnh: CHRIS ANDERSON – CNNGO (nguồn Tuổi Trẻ Online – 7.7.2010)

Danh mục nội dung