» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
26/01/2023
LỄ HỘI CỔ LOA - THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày 6 – 16 tháng Giêng âm lịch, người ta lại náo nức đổ về xã Cổ Loa, huyện Đông Anh trẩy hội đền Cổ Loa để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã được vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi vào đầu thế kỷ 3 trước công nguyên, đặt tên nước Âu Lạc và định đô tại Cổ Loa. Đây là lễ hội được ghi danh văn hóa phi vật thể quốc gia tại quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL ngày 3-2-2021 của Bộ Văn hóa.
LỄ HỘI CỔ LOA QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
Lễ hội Cổ Loa còn được gọi là lễ hội “Bát xã hộ nhi” hay “Bát xã Loa thành”, là một loại hình lễ hội truyền thống, có không gian thực hành là khu vực thành Nội thuộc khu di tích Cổ Loa với quần thể các di tích kiến trúc gồm đền, đình, am, điểm, nơi thờ phụng chính vua An Dương Vương, Mỵ Châu công chúa, thần Kim Quy, tướng quân Cao Lỗ cùng các nhân vật phụ thuộc. Trung tâm của lễ hội là khu vực đền Thượng thờ vua An Dương Vương tại xã Cổ Loa.
Bản đồ không gian thực hành văn hóa phi vật thể tại lễ hội Cổ Loa – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Chủ thể văn hóa lễ hội Cổ Loa là cộng đồng cư dân 8 xã cùng thờ An Dương Vương, nay là 8 làng Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu thuộc 3 xã Cổ Loa, Uy Nỗ, Xuân Canh (huyện Đông Anh - thành phố Hà Nội), trong đó cộng đồng làng Cổ Loa gồm 12 xóm Nhồi Trên, Nhồi Dưới, Lan Trì, Gà, Dõng, Vang, Hương, Thượng, Bãi, Chợ, Chùa và Mít giữ vai trò chính trong điều hành các nghi thức nghi lễ, diễn trình lễ hội.
Kiệu các làng rước vào đền Thượng – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Trước đây, lễ hội Cổ Loa được tổ chức thường xuyên từ 3 năm đến 5 năm một lần trong 12 ngày (từ Mùng 6 đến 18 tháng Giêng). Nếu là năm “phong đăng hòa cốc” (được mùa lớn, thu hoạch nhiều thóc lúa), Cổ Loa mở hội rất lớn. Sau năm 1952, lễ hội không còn sự tham gia của “Bát xã hộ nhi” mà do làng Cổ Loa duy trì tổ chức hội làng với quy mô nhỏ, lễ nghi đơn giản, có tế lễ và một số trò chơi dân gian. Đến năm 1990, lễ hội Cổ Loa dần được khôi phục lại và tổ chức hàng năm với sự tham gia của cộng đồng cư dân Bát xã Loa Thành. Hiện nay, lễ hội được tổ chức trong 2 ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng), trong đó ngày mùng 6 là chính hội, với quy mô lớn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa, chính quyền các cấp huyện - xã - thôn, cộng đồng cư dân ở các làng, xóm có thực hành lễ hội và trở thành một lễ hội quan trọng, lớn của cả nước.
Tế Hội đồng – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Sau ngày mùng 6 tháng Giêng, 7 làng còn lại trong “Bát xã hộ nhi” tổ chức lễ hội tại làng mình cho đến ngày 18 tháng Giêng mới giã đám, kết thúc lễ hội Cổ Loa (ngày mùng 8 lễ hội làng Văn Thượng, mùng 9 lễ hội làng Ngoại Sát, Đài Bi, mùng 10 lễ hội làng Mạch Tràng, ngày 11 lễ hội làng Cầu Cả, ngày 13 lễ hội làng Sằn Giã, ngày 16 lễ hội làng Thư Cưu).
CHÍNH HỘI: MÙNG 6 THÁNG GIÊNG
Tương truyền khi vua An Dương Vương chọn Cổ Loa làm địa điểm xây dựng kinh đô, người dân làng Quậy đã tiến đất để vua xây thành. Do vậy, cho dẫu làng Quậy không nằm trong danh sách Bát xã nhưng vì là dân gốc Cổ Loa nên vẫn được trọng vọng mời dự lễ và được làm lễ đọc Mật khẩn. Các làng khác phải ra đón và rước đoàn anh cả Quậy vào đền Thượng làm lễ và còn được xếp ngồi ở chiếu trên.
Anh Cả Quậy đọc Mật khẩn – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Ngay từ sáng sớm, các xã rước kiệu của xã mình về làng Cổ Loa theo hai phía. Phía Tây (bên phải đền Thượng) tập trung tại thành Ngoại gồm các làng: Mạch Tràng, Sằn Giã, Đài Bi, Cầu Cả. Phía Đông (bên phải trái đền Thượng) tập trung tại chợ Sa, gồm các làng Văn Thượng, Ngoại Sát, Thư Cưu. Đến 7 giờ sáng, theo trống lệnh, hai đoàn rước cùng tiến vào đền Thượng đến đầu hồ phía Tây thì nhập vào làm một xếp theo thứ tự Văn Thượng - Mạch Tràng - Sằn Giã - Ngoại Sát - Đài Bi - Cầu Cả - Thư Cưu. Đoàn rước tiến vào sân Rồng Thượng theo thứ tự hạ kiệu: Bên Đông là Văn Thượng, Sằn Giã, Đài Bi, Thư Cưu; Bên Tây là Cổ Loa, Mạch Tràng, Ngoại Sát, Cầu Cả. Sau tiếng trống lệnh, anh Cả Quậy vào tiến lễ trước, đến Bát xã lần lượt dâng lễ vào cung vua.
Rước kiệu Bát xã – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Sau buổi tế Hội đồng là nghi thức rước kiệu Bát xã (nghênh rước kiệu). Xuất phát từ đền Thượng, kiệu làng Cổ Loa dẫn đầu, sau đó lần lượt đến rước kiệu của các làng Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Đoàn rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Hạ, ra cửa đền, rẽ sang phải đi về phía Tây, vòng xuống phía Nam, quanh hồ giếng Ngọc (Ngọc Tỉnh) sang bên phía Đông đến ngã tư thì đoàn rước của làng Cổ Loa rước thẳng vào đình Ngự Triều Di Quy ngự ở đó. Buổi chiều Cổ Loa tế tại đình, tế xong rước kiệu về đền. Các làng còn lại trong Bát xã (Mạch Tràng, Sằn Giã, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu) rẽ trái đi về đường phía Tây Nam qua cổng đền, riêng làng Văn Thượng, Ngoại Sát rẽ về chợ Sa đi về đình của mỗi làng, tiếp tục tổ chức hội làng thời gian bắt đầu từ Mùng 8 đến 16 tháng Giêng.
Trò chơi cờ người – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Tại lễ hội Cổ Loa, bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang nhiều tính truyền thống, phần hội còn có hệ thống trò chơi dân gian và trò diễn phong phú, hấp dẫn chứa đựng nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc, tiêu biểu như bắn nỏ, đu tiên, đấu vật, cờ người, hát tuồng, múa rối nước... tạo nên một không khí vui tươi, sống động trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
• • •
Đến với lễ hội Cổ Loa, ngoài việc tìm hiểu các nghi thức tế lễ, rước, các tục hèm, các trò chơi, trò diễn, ẩm thực... hàm chứa nhiều giá trị tri thức dân gian, khách phó hội còn có dịp hun đúc truyền thống yêu nước, biểu tỏ lòng biết ơn đối với tiên đế An Dương Vương và các bậc tiền nhân, đã dày công dựng nước và giữ nước trải qua hàng ngàn năm dâu bể...
Trò chơi đu tiên – Ảnh: nguồn thanhcoloa.vn
Lễ hội Cổ Loa khép lại vào ngày 16 tháng Giêng, với phần nghi thức tế tạ trời đất, mọi người ai nấy ra về trong niềm phấn khởi về một chuyến du xuân thú vị và thầm hẹn gặp nhau trong mùa trẩy hội tới…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
* Tham khảo: Ban quản lý Di tích Cổ Loa
Chủ đề liên quan :
- HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI 24/12/2023
- LỄ HỘI CỔ LOA 10/10/2010
- LỄ HỘI GIÓNG 10/10/2010