» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
DI TÍCH THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN
Năm 1985, khi các phương tiện truyền thông đưa tin một người dân địa phương vừa phát hiện tại huyện Đạ Huoai (cũ) thuộc tỉnh Lâm Đồng một di chỉ của nền văn hóa Óc Eo, thì tin này đã thực sự gây chấn động trong giới khảo cổ học, dân tộc học, sử học… bởi đây là lần đầu tiên tại Lâm Đồng cũng như tại Tây nguyên đã phát hiện được dấu tích của vương quốc Phù Nam tồn tại vào khoảng cuối thế kỷ 6 đến đầu thế kỷ 7.
Toàn cảnh gò 2, 3 di tích Cát Tiên – Thụy Trang (cadn.com.vn – 5.10.2010)
Qua 4 đợt khai quật (1994 - 2000) và bằng phương thức khai quật lưu giữ di tích rất công phu nhằm bảo vệ các cấu trúc và hiện trạng, những thông tin nhận được từ Cát Tiên luôn làm sửng sốt dư luận và giới nghiên cứu. Với phần lộ diện đầu tiên, các nhà khảo cổ học đã có thể hình dung đây là một đô thị tôn giáo đang trong thời hưng thịnh, trải dài trên một diện tích hơn 15km² (từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ - huyện Cát Tiên) mà nếu đem so với thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam (xây dựng từ thế kỷ 7 - 13), thánh địa Cát Tiên tuy chỉ mới được biết đến nhưng còn cổ kính hơn nhiều.
Các lá vàng tìm thấy ở Di tích Cát Tiên -- Ảnh: Sơn Tùng (thethaovanhoa.vn - 13.12.2008)
Trong một thung lũng nhỏ được chọn khai quật, đã có ít nhất 7 nhóm di tích gồm khoảng 20 đền tháp và đền mộ được xây dựng theo chuẩn tắc Bà La Môn giáo, với các di vật bằng gốm, đá, gạch, đồng, những tượng thần Siva bằng bạc, những cặp ngẫu tượng Linga-Yoni bằng đá trong đó có cặp cao 2,1m lớn nhất Đông Nam Á, tượng phúc thần Ganesa… đặc biệt 265 mảnh vàng lá được khắc họa bằng nghệ thuật gò nổi hình ảnh các thần Siva, Umapavati, nam - nữ thần, thầy tu, vũ nữ… các loài vật dưới hình thái vật tổ hoặc các đề tài trang trí như hoa lá, sóng nước… Có thể nói di tích Cát Tiên là bản thông điệp của một dân tộc gởi tới từ quá khứ, là kho sử viết bằng vàng vô cùng thú vị giúp cho hậu thế hiểu được nguồn gốc và sự tồn tại của một vương quốc đã bị lãng quên trong hơn 1.300 năm qua.
Bộ Linga-Yoni lớn nhất Đông Nam Á tại gò IA – Thụy Trang (cadn.com.vn – 5.10.2010)
Phát hiện về thánh địa Cát Tiên đã cung cấp nhiều tư liệu qúy giá cho việc nghiên cứu vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ và rộng lớn của Đông Nam Á tồn tại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7 mà nền văn minh đã ảnh hưởng đến cả vùng Đông Nam bộ ngày nay. Khu đền đài đồ sộ và hoành tráng này tuy phần lớn vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất nhưng những giá trị lịch sử qúy báu nơi đây đã sớm được nhìn nhận khi vào năm 1997 bộ Văn Hóa Thông tin xếp hạng Cát Tiên là di tích cấp quốc gia và các nhà khảo cổ cũng đang hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Chúng ta có quyền hy vọng!
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- DINH BẢO ĐẠI (DINH 1) 10/10/2010
- BẢO TÀNG LÂM ĐỒNG 10/10/2010
- DINH TOÀN QUYỀN (DINH 2) 10/10/2010
- BIỆT ĐIỆN QUỐC TRƯỞNG (DINH 3) 10/10/2010
- ĐIỂN HÌNH KIẾN TRÚC THẾ KỶ 20 10/10/2010
- LĂNG NGUYỄN HỮU HÀO 10/10/2010