» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

25/02/2011

THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN


Nằm về phía Đông Bắc kênh Thị Nghè tại địa chỉ 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 ngày nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn khi mới thành lập có tên là Vườn Thực vật Sài Gòn (Hortus Botanicus Saigonensis), được một nhà thực vật học người Pháp, ông J.B Louis Pierre (1833 – 1905) đề xướng và xây dựng từ tháng 3 năm 1864, đến cuối năm 1865 mới hoàn thành với diện tích ban đầu 12ha, sau được mở rộng đến 20ha từ năm 1924.

a

Ảnh: nguồn tintuc.8gio.com

a

Ảnh: nguồn flickr.com

a

Louis Pierre, người sáng lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Ảnh: nguồn saigonzoo.net

Với kinh nghiệm phụ trách chăm sóc thực vật tại vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), giám đốc Pierre cùng nhiều nhà khoa học khác đã bảo vệ được nhiều cây gỗ qúy của vùng nhiệt đới còn sót lại trong khu vực Thảo Cầm Viên như gõ đỏ, giáng hương, sao dầu… đồng thời đã sưu tầm thêm 1.626 loài cây khác, trong đó có một vài cây gỗ qúy như sa cừ (Khaya senegalensis), dái ngựa (Sweetenia macrophylla), giá tỵ (Tectona grandis). Pierre đã nhân giống thành công nhiều loại cây ăn trái từ một số nước trong khu vực như sabotier, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, lékima, mãng cầu xiêm, xoài, mận… Một số tài liệu cũ còn lưu lại cũng cho biết chính ông đã có công di thực các loài cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, ca-cao, trà… vào Việt Nam.

a

Giống sen lạ trong Thảo Cầm Viên - Ảnh: nguồn vn.360plus.yahoo.com

Những cuộc nghiên cứu trong rừng đã giúp Pierre lập nên bộ sưu tập với hơn 100.000 tiêu bản. Ông cũng đã sưu tầm được 68 loài chim, 24 loài động vật có vú và 13 loài động vật bò sát đem về nuôi và trưng bày cho công chúng tham quan. Với số lượng chủng loại động vật khá phong phú, Vườn Thực vật còn được người dân địa phương biết đến với tên gọi quen thuộc: “Sở Thú”. Hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang trưng bày bộ sưu tập động vật với hơn 700 cá thể thuộc 125 loài (trong đó có nhiều thú qúy hiếm của Việt Nam và thế giới), bộ sưu tập thực vật cũng được bổ sung với gần 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài (trong đó nhiều cây cổ thụ có tuổi đời trên dưới 100 năm), 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh…

a

nh: nguồn voh.com.vn

Từ năm 1989, để thích nghi với đời sống từng loài thú, các chuồng trại đã được cải tạo và mở rộng với tổng diện tích đến 21.352m². Năm 1990, Thảo Cầm Viên được công nhận thành viên chính thức của Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA). Năm 1991, khu hoa viên được tái lập sau nhiều năm bị bỏ hoang. Trong những năm gần đây, nhiều công trình đã được cải tạo và xây dựng mới làm tăng thêm vẻ đẹp và sức hấp dẫn vốn có của Thảo Cầm Viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách tham quan.

a

Ảnh: nguồn saigonzoom.com

Du khách đến Thảo Cầm Viên còn thấy hiện diện ở đây 2 công trình kiến trúc khá độc đáo, đó là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse được xây dựng năm 1927, hoàn thành năm 1929 có thiết kế giống tháp cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, giới thiệu những nghiên cứu phát hiện về nhân chủng học, khảo cổ học và dân tộc học; một công trình khác có nét giống đền thờ lăng tẩm Huế là đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir) được xây dựng năm 1929 để tưởng nhớ những chiến sĩ người Việt trong quân đội viễn chinh Pháp đã hy sinh trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đã cho tu sửa lại vườn, Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse được đổi tên thành Viện Bảo tàng Quốc Gia, Vườn Thực vật đổi tên thành Thảo Cầm Viên, đền Kỷ niệm được chuyển thành đền thờ các Vua Hùng. Sau 1975, Viện Bảo tàng Quốc Gia được mở rộng thêm diện tích và đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh.

a

Chăm sóc thú ở Thảo Cầm Viên - Ảnh: nguồn pda.vietbao.vn

Với một Thảo Cầm Viên đang ngày càng trở nên quá tải và hình thức nuôi nhốt thú không còn mấy thích hợp, đã có dự án Công viên Sài Gòn Safari với một vườn thú hoạt động theo mô thức mở đang được tính đến trên diện tích gần 500ha thuộc địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), hy vọng khi hình thành không chỉ tạo thêm sinh khí cho các loài thú trong môi trường thiên nhiên bán hoang dã, mà còn đem lại nhiều hào hứng thú vị cho cả khách tham quan…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung