» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

25/02/2011

NHÀ HÁT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Nằm tại số 7 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1 cạnh đường Đồng Khởi nhìn ra đường Lê Lợi, Nhà hát Thành phố là một nhà hát trung tâm và đa năng với nhiệm vụ tổ chức các cuộc biểu diễn nghệ thuật sân khấu cùng một số sự kiện quan trọng.

Nguyên từ năm 1863, để có thể phục vụ cho các đoàn quân viễn chinh, người Pháp đã có kế hoạch đưa các đoàn hát từ Pháp sang trình diễn. Ban đầu khán phòng là ngôi nhà bằng gỗ của vị Đô đốc tại công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge – vị trí góc Nguyễn Du - Đồng Khởi ngày nay), sau đó là tại nhà hát tạm được lập tại vị trí nay là khách sạn Caravelle. Mãi đến năm 1898 người Pháp mới cho xây một nhà hát chính thức cạnh nhà hát tạm, theo thiết kế của tập thể kiến trúc sư gồm Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret với lối kiến trúc flamboyant tiêu biểu của thời Đệ Tam Cộng hòa Pháp. Công trình đã được khánh thành trọng thể vào đầu năm 1900.

a

Nhà hát lớn Sài Gòn - Ảnh tư liệu (nguồn thoangsaigon.com)

Theo thiết kế, Nhà hát gồm một trệt và hai lầu với khoảng 1.800 chỗ ngồi, được trang bị hiện đại cả về âm thanh lẫn ánh sáng. Các mẫu trang trí, phù điêu từ trong ra ngoài đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ lại theo mẫu các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19, đặc biệt cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng khá rõ nét nghệ thuật trang trí của Petit Palais tại Pháp được xây dựng cùng năm. Ngay khi mới hình thành, phần trang trí mặt tiền đã bị nhiều chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng đã quá lạm dụng trong phong cách trang trí dẫn đến sự rườm rà rối rắm không cần thiết. Năm 1943, một số chi tiết trang trí như tượng nữ thần nghệ thuật, các dãy hoa, hai cây đèn… đã được dỡ bỏ tạo nên vẻ thông thoáng trẻ trung hơn cho Nhà hát.

a

Nhà hát Thành phố - Ảnh: nguồn thoangsaigon.com

Năm 1944, do bị phi cơ đồng minh oanh tạc với nhiều thiệt hại, Nhà hát phải ngưng hoạt động. Sau này khi người Pháp tái chiếm Đông Dương, do đang trong hoàn cảnh chiến tranh nên Nhà hát cũng không được nhiều quan tâm tu sửa. Năm 1954, nơi đây trở thành điểm tạm cư cho những người Pháp từ miền Bắc di cư vào miền Nam theo thỏa thuận của hiệp định Genève. Qua năm 1955, Nhà hát được tu bổ và chuyển đổi công năng làm trụ sở Quốc hội. Khi miền Nam tổ chức Quốc hội thành lưỡng viện (Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện), nơi đây là trụ sở Hạ Nghị viện. Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là nơi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật.

aMột buổi biểu diễn tại tiền sảnh phục vụ công chúng - Ảnh: nguồn Saigon24h.vn

Trong dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn (1698 - 1998), Chính quyền thành phố đã cho trùng tu tôn tạo Nhà hát với tổng kinh phí lên đến 25 tỷ đồng, các kiến trúc phần mặt tiền trước 1943 được khôi phục gần như nguyên trạng. Đến năm 2007, một dự án tân trang với kinh phí 1,6 tỷ đồng cũng đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt, bao gồm các hạng mục như lợp lại mái ngói với những vật liệu được chế tạo theo khuôn mẫu năm 1900, thay ghế ngồi bằng ghế nệm và giảm số ghế từ 559 xuống còn 500 chỗ, thay gạch lót nền, trùng tu các tượng phía trong Nhà hát và các điêu khắc nổi trên tường theo nguyên mẫu… Dự án này đã được hoàn thành vào cuối năm 2009. Cũng trong dịp này, thành phố Lyon (Pháp) đã chuyển đến Công ty Tổ chức Biểu diễn số tiền trợ cấp 160.000€ để trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật về đêm.

ANhà hát Thành phố 2009 - Ảnh: nguồn Saigon24h.vn

Với bấy nhiêu sự đầu tư và chăm chút của chính quyền thành phố, Nhà hát Thành phố đã trở thành một chuẩn mực để tổ chức các chương trình biểu diễn sân khấu nghệ thuật, các buổi hòa nhạc giao hưởng, thính phòng… Bên cạnh đó, bản thân Nhà hát cũng là một công trình mỹ thuật mang đậm kiểu thức kiến trúc thực dân cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 phản ảnh một giai đoạn lịch sử nhất định, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá thành phố Hồ Chí Minh trẻ trung và đầy năng động…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung