» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

25/02/2011

NGÔI NHÀ CỔ NHẤT SÀI GÒN


Nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, tại số 180 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm, gắn với một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam.

a

Ngôi nhà cổ trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục

a

Ngôi nhà bị chèn giữa các khối kiến trúc hiện đại

Nguyên vào năm 1790, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn) đã cho xây dựng một ngôi nhà gần dòng kênh Thị Nghè (trong khu vực Thảo Cầm viên ngày nay) để vị Giám mục hiệu tòa (Adran) Pierre Pigneau de Béhaine trú ngụ. Đây là vị Giám mục đã tích cực giúp đỡ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh đối đầu với những nông dân áo vải gốc Tây Sơn. Cũng chính tại ngôi nhà này, con trai của Nguyễn Ánh là hoàng tử Cảnh sau này đã được Giám mục Pigneau dạy học.

a

Mặt tiền

a

Mặt tiền – cửa chính

Ngôi nhà được dựng theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, với ba gian hai chái, hệ thống rường ngắn, mái ngói lợp âm dương, có vách là những thanh gỗ mỏng được xếp vuông góc, vừa bảo vệ tốt cho ngôi nhà vừa đóng vai trò một hệ thống thông gió rất hữu hiệu.

a

Mái hiên

a

Dàn rui lợp ngói và phần trang trí bên trong

Khi Giám mục Pierre Pigneau qua đời vào năm 1799, vị Giám mục kế nhiệm đã ở trong ngôi nhà này cho đến năm 1811 thì bị đóng cửa do chính sách cấm đạo Công giáo của triều đình Huế. Đến năm 1864 sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà này mới được giao lại cho Tòa Giám mục và sau đó được di chuyển về đường Alexandre de Rhodes (gần nhà thờ Đức Bà ngày nay). Năm 1900, cùng với việc xây dựng Tòa Giám mục Sài Gòn, ngôi nhà đã được chuyển về vị trí hiện nay và được sử dụng như một ngôi nhà nguyện.

a

Ngôi nhà đã được dùng làm nguyện đường với gian giữa đặt bàn thờ

a

Án thờ ở phần trên, gian giữa

Từ sau 1945, do những bức vách gỗ bị mối mọt nên đã được sửa chữa thay thế bằng gạch. Đến năm 1980, khi những cột gỗ bị mối mọt ăn rỗng bên trong, những người quản lý đã cẩn trọng hơn khi thực hiện đổ bê-tông vào bên trong các cột gỗ, và nâng phần đế cột lên cao hơn 30cm, nhờ vậy công trình được bảo vệ tốt hơn và trông bề ngoài vẫn giữ nguyên giá trị cổ xưa.

a

Phần cột và bệ cửa mặt tiền

a

Cột bị mối ăn rỗng được xử lý bằng bê-tông bên trong và nâng cao 30cm

Thật đáng mừng là đang khi nhiều công trình, di tích lịch sử trên khắp đất nước bị phá hỏng hình dáng ban đầu hay biến dạng do sự tu sửa cẩu thả và tắc trách, thì tại Tòa Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi nhà đã được bảo quản khá tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người đời sau khi tìm về một “dấu xưa xe ngựa”, để từ đó hướng về tương lai với nhiều hy vọng…

Mai Kim Thành

Ảnh: Mai kim Thành

Danh mục nội dung