» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

16/11/2011

CÔN ĐẢO HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ DI SẢN & DU LỊCH


Nằm tại tọa độ 8º34’ - 8º49’ vĩ độ Bắc và 106º31’ - 106º45’ kinh độ Đông, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý (179km) và cách cửa sông Hậu 45 hải lý (83km), Côn Đảo hay Côn Sơn là tên hòn đảo lớn nhất có hình dáng như một con gấu nằm nghiêng quay lưng về đất liền và cũng là tên gọi chung cho quần đảo gồm 16 hòn đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 80,71km².

Bản đồ du lịch Côn Đảo – nguồn condaoexplorer.com 

Bản đồ du lịch Côn Đảo – nguồn condaoexplorer.com

Mười sáu hòn đảo tựa như những ngọn núi mọc lên từ biển khơi, quây quần bên nhau hình thành quần đảo Côn Đảo, gồm đảo chính Côn Đảo hay Côn Lôn, Côn Sơn, Phú Hải (61,28km²) cùng các đảo nhỏ khác như hòn Côn Lôn Nhỏ hay hòn Bà, Phú Sơn (5,45km²), hòn Bảy Cạnh hay Phú Hòa (5,50km²), hòn Cau hay Phú Lệ (1,80km²), hòn Bông Lan hay Bông Lau, Phú Phong (0,20km²), hòn Vung hay Phú Vinh (0,15km²), hòn Ngọc hay hòn Trọc, hòn Trai, Phú Nghĩa (4,40km²), hòn Trứng hay hòn Đá Bạc, hòn Đá Trắng, Phú Thọ (0,10km²), hòn Tài Lớn hay Phú Bình (0,38km²), hòn Tài Nhỏ hay Hòn Thỏ, Phú An (0,10km²), hòn Trác Lớn hay Phú Hưng (0,25km²), hòn Trác Nhỏ hay Phú Thịnh (0,10km²), hòn Tre Lớn hay Phú Hòa (0,75km²), hòn Tre Nhỏ hay Phú Hội (0,25km²), hòn Anh hay hòn Trứng Lớn, hòn Em hay hòn Trứng Nhỏ… Mỗi hòn đảo đều mang vẻ đẹp của cảnh quan biển - rừng đầy ấn tượng với những tên gọi được hình thành từ thực tế hay nối kết những truyền thuyết, giai thoại mang đậm bản sắc văn hóa của các tầng lớp lưu dân đi mở cõi càng làm cho Côn Đảo có sức hấp dẫn lạ lùng.  

Chim biển ở Côn Đảo – Ảnh: nguồn phuotclub.blogspot.com 

Chim biển ở Côn Đảo – Ảnh: nguồn phuotclub.blogspot.com

NƠI BÌNH YÊN CHIM HÓT…

Những phát hiện về khảo cổ học cho biết từ 4.000 - 5.000 năm trước, lớp cư dân đầu tiên đã có mặt ở Côn Đảo. Đây là những cư dân có mối quan hệ văn hóa rất gần gũi với chủ nhân các di tích khảo cổ thuộc hậu kỳ đồng thau, sơ kỳ đồ sắt ở khu vực sông Đồng Nai (miền Đông Nam bộ) thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.

Do nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á, Côn Đảo được người phương Tây biết đến từ rất sớm. Năm 1294, đoàn thuyền gồm 14 chiếc của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo trên đường từ Trung Hoa về nước đã bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo. Trong các thế kỷ 15 - 16 đã có nhiều đoàn du hành của châu Âu dừng chân tại Côn Đảo.

 Đoàn thuyền của nhà thám hiểm Marco Polo – Ảnh: nguồn hoatdongtuthien.org

Đoàn thuyền của nhà thám hiểm Marco Polo – Ảnh tư liệu (nguồn hoatdongtuthien.org)

Các chúa Nguyễn khi lập nghiệp ở Đàng Trong cũng đã quan tâm thực hiện chủ quyền đất nước với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Côn Đảo. Đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Côn Đảo đã do đội Hoàng Sa kiêm quản quản lý. Năm 1702, công ty Đông Ấn của Anh đã đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ. Với chủ trương bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã dùng kế trá hàng, đưa người ra đảo rồi cùng đội Macassar (lính đánh thuê của chính quyền Anh) làm binh biến khiến đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo. Năm 1760, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã khuyến khích dân nghèo từ các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long ra lập nghiệp tại Côn Đảo, ưu tiên cấp vốn, công cụ, trâu bò, phương tiện… cho các di dân và cử người ra cai quản Côn Đảo.

 Côn Đảo thanh bình – Ảnh: nguồn vietcambodiatravel.com

Côn Đảo thanh bình – Ảnh: nguồn vietcambodiatravel.com

Thất bại trong cuộc giao tranh với quân Tây Sơn năm 1783, chúa Nguyễn Ánh đã rút chạy ra Côn Đảo đem theo 100 gia đình, lập nên các làng An Hội, An Hải, Cỏ Ống và Hòn Cau. Ngày 28-11-1783, Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) trong chuyến đưa hoàng tử Cảnh và ấn tín của Chúa Nguyễn Ánh về Pháp, đã đại diện Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles với Bá tước De Mantmarin, đại diện Vua Louis XVI. Đây là văn kiện đầu tiên của nhà Nguyễn, nhượng chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho người Pháp để đổi lấy việc người Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 lính Phi để đối đầu với  nhà Tây Sơn.

Ngày 28-11-1861, người Pháp đã đánh chiếm Côn Đảo và viên trung úy Lèspes thuộc hải quân Pháp đã đại diện chính phủ Pháp công bố văn bản xác nhận chủ quyền của người Pháp tại Côn Đảo. Từ đó, thực dân Pháp đã biến Côn Đảo xinh đẹp với biển trời trong xanh thành hệ thống lao tù khổ ải được mệnh danh “địa ngục trần gian”.

Mặt trời lặn trên đỉnh Tình Yêu – Ánh: nguồn Condaopark.com.vn  

Mặt trời lặn trên đỉnh Tình Yêu – Ánh: nguồn Condaopark.com.vn

Các sử sách Việt Nam trước thế kỷ 20 vẫn gọi đảo Côn Đảo là Côn Lôn, còn trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp lại dùng tên Poulo Condor có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai (“Pulau Kundur” – “Hòn Bí”). Về mặt hành chánh, trước khi thuộc Pháp, quần đảo Côn Lôn trực thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi sang tỉnh Vĩnh Long quản lý. Ngày 22-10-1956, tổng thống miền Nam lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm đã ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn. Đến ngày 24-4-1965, tỉnh Côn Sơn được đổi thành cơ sở hành chính Côn Sơn trực thuộc Bộ Nội Vụ và được quản lý bởi một Đặc phái viên hành chính. Sau Hiệp định Paris 1973, chính quyền miền Nam lại một lần nữa đổi Côn Sơn thành thị xã Phú Hải trực thuộc tỉnh Gia Định.

Đền thờ Côn Đảo, khánh thành 20-11-2011 – Ảnh: nguồn saigoncondao.com 

Đền thờ Côn Đảo, khánh thành 20-11-2011 – Ảnh: nguồn saigoncondao.com

Sau 30-4-1975, thị xã Phú Hải được đổi thành tỉnh Côn Đảo từ tháng 5-1975. Tháng 9-1976, tỉnh Côn Đảo được giải thể và chuyển thành huyện Côn Đảo trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1-1977 huyện Côn Đảo được chuyển về trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5-1979, Côn Đảo trở thành một quận thuộc đặc khu Côn Đảo - Vũng Tàu và từ tháng 10-1991 đến nay là một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trải qua bao lần đổi thay, Côn Đảo vẫn là một đơn vị hành chánh rất đặc biệt: tỉnh không có quận, huyện và quận, huyện không có xã, phường.

QUA RỒI ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN…

Trước ngày giải phóng 30-4-1975, Côn Đảo đã từng được biết đến là một nhà tù khổng lồ, một “địa ngục trần gian” của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng chính quyền miền Nam. Được người Pháp thành lập từ năm 1862 với mục đích giam giữ những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân như tội phạm chính trị, tử tù…, đến năm 1945 nơi đây đã trở thành một trại tù hoàn chỉnh với 4 trại giam và 15 nhà tù. Năm 1955, người Pháp đã bàn giao nhà tù Côn Đảo cho chính quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của họ tại Việt Nam. Trong suốt 20 năm, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nâng qui mô nhà tù lên thành 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m² với tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp, 45 xà lim cùng hàng chục cơ sở lao dịch như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy… nơi những người tù phải lao động khổ sai.

 Nhà tù Côn Đảo – Ảnh: nguồn zing.vn

Nhà tù Côn Đảo – Ảnh: nguồn zing.vn

Nhiều người hẳn còn nhớ những bức ảnh do Harkin – nhân viên trợ lý tại Quốc hội Mỹ khi đi cùng phái đoàn gồm 10 nghị sĩ Mỹ đến tìm hiểu tình hình cuộc chiến ở Việt Nam, đã phát hiện và chụp được những bức ảnh đặc biệt về khu “Chuồng Cọp” nhà tù Côn Sơn. Ngày 17-7-1970, tạp chí Life đã đăng tải loạt ảnh này và ngay lập tức tạo một sức ép từ dư luận quốc tế buộc chính quyền Sài Gòn phải phá hủy khu Chuồng Cọp, chuyển 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ đến các nhà tù khác trong đó có một số được đưa vào viện tâm thần. Gần 40 năm sau, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi Trẻ năm 2008 tại Washington DC, thượng nghị sĩ Tom Harkin chia sẻ về khám phá năm xưa của mình:“Đó là phát hiện thật sự gây sốc đối với tôi. Chúng tôi đã vi phạm Công ước Geneva về tù nhân trong chiến tranh. Chúng tôi đã vi phạm những quyền con người cơ bản nhất ở trong nhà tù đó. Tất cả những điều đó òa đến với tôi, khiến tôi nghĩ tới những bê bối ở nhà tù Guantanamo trong cuộc chiến chống khủng bố. Khi nhìn những nhà tù ở Guantanamo, tôi nghĩ: trời ơi, đây y như là ở nhà tù Côn Sơn…”.

 Mô hình tù nhân trong nhà tù Côn Đảo – Ảnh: nguồn lichsuvn.info

Mô hình tù nhân trong nhà tù Côn Đảo – Ảnh: nguồn lichsuvn.info

Tại nhà tù Côn Sơn trong suốt 113 năm (1862-1975), nhiều thế hệ người Việt yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất tổ quốc đã bị giam giữ, khủng bố và giết hại. Nhiều câu chuyện cảm động về các tù nhân đã trở thành huyền thoại với những tên tuổi như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu… và biết bao thế hệ cha ông tiếp nối trang lịch sử hào hùng. Ngày nay trong hòa bình, tuy Côn Đảo không còn là quần đảo ngục tù nhưng các di tích lịch sử vẫn được gìn giữ tôn tạo, các mô hình tù nhân trong cảnh nhục hình cũng được phục dựng để lưu dấu muôn đời về một địa ngục trần gian, nơi mà phẩm giá con người đã bị xâm hại đến mức tồi tệ nhất, để giáo dục các thế hệ sau về một giai đoạn đau thương nhưng cũng rất hào hùng, đã góp phần đào luyện những con người cách mạng trung kiên, không quản ngại gian khổ vì độc lập, tự do của dân tộc.

Du khách tham quan khu chuồng cọp – Ảnh: nguồn dulich.1ty.vn 

Du khách tham quan khu chuồng cọp – Ảnh: nguồn dulich.1ty.vn

Ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định số 54/VH.QĐ đặc cách công nhận khu di tích lịch sử Côn Đảo và ghi nhận đây là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Hiện Việt Nam đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di tích nhà tù Côn Đảo vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo, du khách có dịp biết đến những cái tên một thời làm nhức nhối lương tâm nhân loại như khu Chuồng Cọp, trại Chuồng Bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914, sở Lò Vôi, sở Muối… Tiếp cận với địa ngục khổ ải đã từng dày xéo bao phận người xuống tận đáy bùn đen, du khách khó tránh khỏi những bồi hồi xót xa, những cảm giác hãi hùng cùng niềm đau nhói tận tâm can và cầu mong sẽ không còn những cơ sở tương tự ở bất cứ nơi đâu, để con người được sống xứng với phẩm giá “linh ư vạn vật” mà Đấng Tạo hóa hằng tiền định.

Nghĩa trang Hàng Dương – Ánh: Thanh Tien (nguồn Condaopark.com.vn)  

Nghĩa trang Hàng Dương – Ánh: Thanh Tien (nguồn Condaopark.com.vn)

Trên toàn cõi Việt Nam không đâu có mật độ người quá vãng đông như ở Côn Đảo. Đến nơi đây, du khách cũng nên một lần ghé thăm các nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương với hơn 20.000 nấm mồ trùng điệp cả hữu danh lẫn khuyết danh, vừa cá nhân vừa tập thể, để kính cẩn nghiêng mình trước những anh linh đã sớm ra đi không kịp nhìn thấy ngày toàn thắng của đồng đội, ngày hòa bình thống nhất của quê hương đất nước, mà trong thành quả hôm nay có cả sự đóng góp tích cực của chính những người vừa nằm xuống…

VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI…

Nếu trong quá khứ Côn Đảo đã từng là địa ngục trần gian, giam hãm đày đọa bao phận người trong cái “vòng kim cô” vô nhân tính thì trong hòa bình Côn Đảo đã lột xác hồi sinh, trở thành vùng đất hứa đem lại nhiều niềm tin và hy vọng… Ngày nay Côn Đảo không chỉ là khu di tích lịch sử lớn của cách mạng Việt Nam mà còn là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp có không khí trong lành, 1 trong 21 khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Bình minh trên Côn Đảo – Ảnh: Tú Anh (nguồn petrotimes.vn) 

Bình minh trên Côn Đảo – Ảnh: Tú Anh (nguồn petrotimes.vn)

Trong qúy 3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững. Cũng theo quy hoạch, vùng lõi đô thị - Trung tâm Côn Sơn sẽ là khu vực đô thị di sản - đô thị du lịch với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ có quy mô dân số ở ngưỡng 13.500 với khoảng 1.000 phòng khách sạn, đạt mật độ dân cư khoảng 23 người / ha.

 Trekking trên đảo – Ảnh: Tạ Việt Thắng (VnExpress.net – 7.5.2010)

Trekking trên đảo – Ảnh: Tạ Việt Thắng (VnExpress.net – 7.5.2010)

Côn Đảo hoang vắng và lạnh lẽo ngày nào nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành khu du lịch ấn tượng với những resort 4 - 5 sao sang trọng, hấp dẫn khách suốt từ tháng Ba đến cuối tháng Chín. Đây là thời gian biển êm, mặc dầu rơi vào mùa mưa (từ tháng Năm đến tháng Mười) nhưng mưa Côn Đảo chủ yếu là mưa rào và thường không kéo dài quá 1 giờ nên các thời điểm còn lại vẫn chan hòa ánh nắng. Nơi đây những con đường chênh vênh với núi một bên và biển một bên, lượn vòng quanh đảo tạo cho du khách những cảm hứng thú vị, đặc biệt con đường đi xuyên qua thị trấn trung tâm thật vắng vẻ nối một đầu là sân bay Cỏ Ống còn đầu kia là cảng Bến Đầm cách nhau chừng 30km.

 Côn Đảo hấp dẫn khách du lịch – Ảnh: nguồn condaocamping.com

Côn Đảo hấp dẫn khách du lịch – Ảnh: nguồn condaocamping.com

Nhiều người vẫn kháo nhau đến Côn Đảo là cơ hội thoát ly lối sống ồn ào của nền văn minh đô thị, để tìm lại thuở hồng hoang của trời đất và tận hưởng cái thú sống giữa thiên đường hoang sơ ngay tại trần thế, nơi những nhát kéo vô tình của thời hiện đại chưa kịp can thiệp thô bạo vào dung nhan của tự nhiên giới. Du khách nước ngoài đến đây không nhất thiết để tắm tiên nhưng chỉ vì thích được thanh thản một mình giữa thiên nhiên tĩnh lặng, còn người Việt thích nơi đây bởi nét cổ kính của những dãy phố cổ rêu phong, loang lổ ánh nắng dưới những tán lá bàng… Nhìn chung, Côn Đảo đem lại cho mọi người cảm giác an bình bởi vốn dĩ miền đất này an ninh đến độ “cửa không cần cài then”.

Câu cá giải trí tại Côn Đảo – Ảnh: nguồn condaoexplorer.com 

Câu cá giải trí tại Côn Đảo – Ảnh: nguồn condaoexplorer.com

Đến Côn Đảo, du khách thích tìm hiểu về lịch sử có thể ghé thăm những di tích như dinh chúa đảo nay đã được bố trí thành Nhà Bảo tàng trưng bày những hình ảnh và hiện vật liên quan đến hệ thống nhà tù Côn Đảo cùng các phát hiện khảo cổ, trại Phú Hải là trại giam được xây dựng đầu tiên, chuồng cọp Pháp - Mỹ là hai dãy trại giam khắc nghiệt nhất, khu biệt lập chuồng bò nơi có hầm tra tấn, di tích bãi sọ người, nghĩa trang Hàng Dương, An Sơn miếu nơi thờ thứ phi Hoàng Phi Yến là vợ của Nguyễn Ánh trong thời còn chinh chiến… Du khách thích khám phá thiên nhiên Côn Đảo có thể chinh phục núi Thánh Giá cao 577m quanh năm mây bao phủ được ví như Đà Lạt của Côn Đảo để tận hưởng không khí tuyệt vời và có dịp chiêm ngắm cảnh trời biển bao la hoặc xuyên rừng nguyên sinh Sở Rẫy - Ông Đụng tìm hiểu hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo với hai kiểu rừng kín thường xanh và nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, phong phú hệ thực vật đại diện cho nhiều vùng trong cả nước. Du khách thích biển cả có thể thỏa sức vẫy vùng cùng sóng biển tại 20 bãi tắm tuyệt đẹp như bãi Đầm Trầu, bãi Nhát… còn rất hoang sơ với nước biển trong xanh và bờ cát mịn trải dài hoặc xem rùa biển lên bãi đẻ trứng, câu cá giải trí, khám phá thế giới kỳ ảo dưới lòng đại dương tại hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, vịnh Đầm Tre, hòn Tài…

Ốc Vú nàng tại Côn Đảo – Ánh: nguồn Condaopark.com.vn  

Ốc Vú nàng tại Côn Đảo – Ánh: nguồn Condaopark.com.vn

 Cua mặt trăng sau khi được luộc chín – Ảnh: nguồn afamily.vn

Cua mặt trăng sau khi được luộc chín – Ảnh: nguồn afamily.vn

Không dừng lại ở những di tích và danh thắng, Côn Đảo còn hấp dẫn du khách bởi những sản vật được thiên nhiên hào phóng ban tặng như đẻn biển, ghẹ, cua mặt trăng, nghêu Côn Đảo, tôm hùm, tôm mú ni, mực, cá mú sao đỏ, cá mú đen, cá thu… Du khách đến đây sẽ rất hài lòng với các hải sản được sơ chế như mực dẻo, mực một nắng, cá thu một nắng, đặc biệt ốc vú nàng, cá khô xủng sỉnh, mứt hạt bàng là những đặc sản độc đáo hiếm gặp ở những nơi khác.

Bãi tắm hoang sơ tinh khiết – Ảnh: nguồn condaopark.com.vn 

Bãi tắm hoang sơ tinh khiết – Ảnh: nguồn condaopark.com.vn

Thiên nhiên cùng cơ sở du lịch tại Côn Đảo đã lọt vào tầm ngắm và được tín nhiệm bởi nhiều cơ quan truyền thông nổi tiếng, như cẩm nang du lịch quốc tế Lonely Planet xếp Côn Đảo vào Top 10 hòn đảo lãng mạn nhất thế giới và Top 10 hòn đảo có chất lượng khách sạn tuyệt nhất thế giới, tạp chí New York Times đánh giá “Côn Đảo - quần đảo nằm ở phía Đông Nam Việt Nam là một trong những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á”, mới đây vào tháng 7-2011, tạp chí du lịch uy tín Travel and Leisure của Mỹ đã xếp Côn Đảo vào Top 20 hòn đảo chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất thế giới… Côn Đảo quả đang ngày càng ấn tượng, trở thành điểm đến tâm đắc của người mộ điệu khắp bốn phương…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung