» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
09/05/2015
NGUYỄN HUỆ - PHỐ ĐI BỘ ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
Trong không khí tưng bừng của những ngày hội lớn, dự án nâng cấp, cải tạo công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ tại thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa vào vận hành từ ngày 29/4/2015, chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Với công trình mới hoàn thành, đã điểm thêm nét duyên dáng vào bộ mặt của một thành phố trẻ trung và năng động.
Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ảnh: Phạm Hữu - Hoài Nhơn (thanhnien.com.vn)
Thực tế người đến tham quan khu vực này chỉ mới được mục kích phố đi bộ, riêng tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi dự kiến bố trí tượng đài hiện được quây kín bằng một khối vuông lớn màu xanh. Có lẽ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh muốn dành việc khánh thành tượng đài vào một dịp ý nghĩa hơn chỉ cách thời điểm hiện nay chưa đến ba tuần: 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890).
Toàn cảnh phố đi bộ nhìn từ trên cao – Ảnh: nguồn baotintuc.vn
Là một công trình liên hoàn, phố đi bộ đầu tiên tại Việt Nam gồm 2 phân đoạn: từ đường Lê Thánh Tôn (trước mặt UBND Tp. HCM) đến đường Lê Lợi là Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng là quảng trường Nguyễn Huệ. Toàn bộ công trình có chiều dài 670m, rộng 64m gồm 6m vỉa hè mỗi bên, 2 làn đường 10,5m mỗi làn dành cho phương tiện lưu thông và trục chính giữa là quảng trường đi bộ rộng 31m. Theo kế hoạch, phố đi bộ sẽ đóng vai trò một quảng trường, nơi tổ chức các hoạt động lớn của thành phố Hồ Chí Minh như diễu hành, mít-tinh, các lễ hội đường phố, đường hoa… Cũng tại đây sẽ tổ chức những hoạt động về triển lãm văn hóa, thể thao và những cụm biểu diễn nghệ thuật vào cuối tuần…
Phố đi bộ với hệ thống nhạc nước nghệ thuật – Ảnh: nguồn khampha.vn
Ngoài điểm nhấn chính là hai hệ thống nhạc nước kết hợp trình diễn ánh sáng nghệ thuật tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi và Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi, phố đi bộ còn được trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật suốt chiều dài con phố, trên các cây xanh lớn cũng được lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm làm mát không gian… Được biết trong thời gian tới, Quận 1 sẽ bố trí lắp đặt 160 ghế gỗ rải đều hai bên đường để du khách có thể ngồi nghỉ chân, một số cây sẽ được thay bằng cây lớn hơn và nghiên cứu tạo tầng cho cây để tăng độ phủ bóng mát, riêng khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tổ chức trồng hoa theo mùa.
Phố đi bộ trông khá trơ trụi vào ban ngày – Ảnh: TTXVN (nguồn thethaovanhoa.vn)
Để thực hiện công trình này, Thành phố đã đầu tư tổng kinh phí gần 470 tỷ đồng, trong đó toàn bộ mặt đường và vỉa hè được lát toàn bằng đá thiên nhiên, các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện) được xây lại, hệ thống cây xanh và mảng xanh được thay thế, các hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống nhạc nước nghệ thuật đều được làm mới; ngoài ra còn có trung tâm điều khiển ngầm, 50 camera quan sát hiện đại để đảm bảo an ninh, nhà vệ sinh công cộng…
Nghệ thuật nhạc nước trên phố đi bộ – Ảnh: Thanh Hải - Tấn Cư (thanhnien.com.vn)
Trong giai đoạn đầu, đường Nguyễn Huệ chỉ thực sự là phố đi bộ vào hai tối Thứ Bảy và Chủ nhật (từ 18 - 23 giờ), trong thời gian này sẽ cấm các loại xe lưu thông. Khi người dân Thành phố đã quen dần với sự hiện hữu của phố đi bộ và các loại hình hoạt động của con phố này được bổ sung, tăng tính hấp dẫn và thu hút nhiều người đến đây vui chơi, thì phố đi bộ mới được mở rộng vào tất cả các buổi tối trong tuần (!).
Phố đi bộ hút khách khi đêm về – Ảnh: nguồn kienthuc.net.vn
Tuy được đánh giá khá tích cực từ cư dân thành phố và khách du lịch, ngoài “Công viên tượng đài” được chăm chút tập trung hơn, phố đi bộ không có vẻ đẹp “hoành tráng” của những “đường hoa Xuân” được tổ chức hàng năm, các cây xanh và bồn hoa cũng khá đơn điệu và thô thiển (so với trước khi chưa lập phố đi bộ) nên ngoài việc đến phố đi bộ vào hai buổi tối cuối tuần để thưởng lãm hệ thống nhạc nước và ánh sáng nghệ thuật tương đối lạ, người dân không còn biết đến đây để làm gì, đặc biệt lúc ánh nắng chói chang - khi phải lạc bước giữa phố đi bộ thênh thang, ai cũng ái ngại và muốn thoát nhanh ra khỏi khu vực…
Hệ thống nhạc nước thu hút khách tham quan – Ảnh: nguồn dddn.com.vn
Điều bất tiện lớn nhất cho người dân khi muốn vào khu vực phố đi bộ là phải lúng túng tìm chỗ gởi xe ở khu vực lân cận, đồng nghĩa với việc họ phải “miễn cưỡng” đi bộ một quãng đường khá dài trước khi vào được khu vực đi bộ “tự nguyện”. Dự kiến trong vòng 45 ngày tới sẽ có hệ thống xe điện (khoảng 20 chiếc) đưa đón khách từ các khu vực xung quanh như Công viên 23/9, Thảo Cầm Viên về đường Nguyễn Huệ phục vụ nhu cầu tham quan phố đi bộ. Dẫu sao đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa hẵng đem lại hiệu quả và sự đồng thuận của khách vãng cảnh khi họ phải sử dụng một phương tiện trung gian với những phát sinh về thời gian và nhiều điều bất như ý khác…
Hệ thống giải nhiệt cho phố đi bộ – Ảnh: nguồn news.zing.vn
Thiển nghĩ, nếu có kế hoạch dài hơi, phố đi bộ có thể là một điểm nhấn quan trọng của thành phố khi nơi đây được tổ chức thành một “trung tâm văn hóa - du lịch” ngầm ở bên dưới với đủ loại hình hoạt động, từ giải trí, mua sắm, ăn uống… đến cả bãi giữ xe như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới và khu vực. Lúc đó, phố đi bộ sẽ là điểm đến “tất cả trong một” hấp dẫn khách du lịch suốt cả ngày lẫn đêm, có nguồn thu để bổ sung nâng cấp và được bổ trợ bằng các giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại, chứ không chỉ chờ cây lớn để che nắng và giải nhiệt bằng phun sương quá thủ công mà hiệu quả cũng không nhiều, bởi phố đi bộ như hiện nay chỉ hoạt động vào xế chiều và buổi tối, lúc gió từ dòng sông “Bến Nghé” lồng lộng thổi vào…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- 20 NĂM ĐƯỜNG HOA XUÂN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH 20/01/2023
- ĐƯỜNG HOA NGUYẼN HUỆ 2014 31/01/2014
- BƯU ĐIỆN TRUNG TÂM SÀI GÒN 25/02/2011
- THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN 25/02/2011
- NHÀ HÁT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 25/02/2011
- CHỢ BẾN THÀNH 25/02/2011
- PHỐ TÂY BA-LÔ - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 25/02/2011
- NGÔI NHÀ CỔ NHẤT SÀI GÒN 25/02/2011