» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/10/2011

KINH THÀNH HUẾ


Không phải ngẫu nhiên khi kinh đô Huế được các vua nhà Nguyễn chọn xây dựng trên vùng đất hiện nay; nguyên từ 1687 - 1775 nơi đây đã từng là thủ phủ xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, rồi triều Tây Sơn chọn làm kinh đô Phú Xuân từ 1778 - 1801. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí khi giới thiệu về kinh đô Phú Xuân, đã có những nhận xét lý thú:“có nơi hiểm yếu, có chỗ gò bằng, hình thế kín đáo, đất nước hiền lành, thuận tiện cho bốn phương đi lại tụ hội, từ xưa những chỗ dựng đô thành chưa có chỗ nào hơn đây”.

 Kỳ đài trong Kinh thành Huế – Ảnh: nguồn khamphahue.com.vn

Kỳ đài trong Kinh thành Huế – Ảnh: nguồn khamphahue.com.vn

Kế thừa sự xác lập của các tiên chúa, sau khi giành lại quyền lực từ tay nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã chọn địa điểm này làm nơi tập trung vương quyền đồng thời cũng có kế hoạch xây mới một kinh thành qui mô hơn xứng hợp với một vị đại hoàng đế vừa thâu tóm giang sơn về một mối. Theo tác giả Võ Liêm trong “Le Capitale de Thuan Hoa” được Phan Thuận An dẫn trong niên san Nghiên cứu Việt Nam 1973 thì “vào tháng 3 năm Gia Long thứ 3 (Giáp Tý - 1804), hoàng đế đã thân hành đi xem xét các địa điểm từ làng Kim Long đến làng Thanh Hà (Bao Vinh ngày nay) để nới rộng và tái thiết kinh đô. Ngài hạ lệnh cho quan Giám thành Nguyễn Văn Yến đi cắm cọc ở bên ngoài kinh đô cũ để xác định thủ phủ mới của Ngài”.

 Kinh thành Huế xưa – Ảnh: nguồn panoramio.com

Kinh thành Huế xưa – Ảnh: nguồn panoramio.com

Như vậy, để có đất xây dựng một kinh đô tầm cỡ, triều đình nhà Nguyễn đã phải thu xếp đền bù và di dời dân của tám làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Hòa, An Vân, An Mỹ, An Bửu thuộc hai tổng Phú Xuân và An Ninh (huyện Hương Trà - dinh Quảng Đức) ra khỏi khu vực. Công cuộc xây dựng kinh đô đã được tiến hành khẩn trương ngay từ những ngày tháng tư năm 1805 với 40.000 nhân công được trưng tập. Ban đầu thành đắp bằng đất và đến năm 1818 nhà vua mới cho xây lại bằng gạch, nhưng vua Gia Long băng hà năm 1819 đã để lại công trình còn dang dở cho vua Minh Mạng và tân vương đã cho tiếp tục xây dựng đến năm 1821 mới hoàn thành. Năm 1822, cơn mưa lũ lớn đã làm hư hỏng toàn bộ bốn mặt thành và việc gia cố sửa chữa phải kéo dài đến năm 1824 mới hoàn tất. Trong thời gian này trên công trường có lúc vua Minh Mạng đã huy động đến 80.000 nhân công mà đa phần trong số này là biền binh trên cả nước.

 Mô hình Kinh thành Huế trong Vườn Ngự Lãm – Ảnh: nguồn vietbao.vn

Mô hình Kinh thành Huế trong Vườn Ngự Lãm (Tp. HCM) – Ảnh: nguồn vietbao.vn

Kinh thành Huế có hình dáng hơi vuông với mặt trước phình ra theo sự uốn dòng của sông Hương, chu vi 9.949,44m bao gồm ba vòng thành lồng vào nhau: vòng trong là khu vực Tử Cấm thành, vòng giữa là khu vực Hoàng thành và vòng ngoài là khu vực Kinh thành; ngoài ra còn có một vòng thành phụ nằm ngoài và ở góc Đông Bắc Kinh thành, đó là Trấn Bình đài hay còn gọi thành Mang Cá, là pháo đài trấn giữ cửa ngõ từ biển Thuận An đi vào Kinh thành.

 Sơ đồ Kinh thành Huế - Ảnh: nguồn hoangtuden.com

Sơ đồ Kinh thành Huế - Ảnh: nguồn hoangtuden.com

Thiết kế theo kiến trúc Vauban (*), kinh thành Huế kết hợp được chức năng phòng thủ liên hoàn giữa thành và trì (hào) gồm mô thành cao 6m dày 20m ở dưới chân và 6m trên bề mặt với 24 pháo đài trải đều ở bốn phía, hệ thống hào bao quanh rộng 22,8m sâu 4m được tăng cường bởi sông Hương ngay trước mặt và sông đào Hộ thành ở ba phía còn lại đã nâng cao khả năng phòng thủ và được viên sĩ quan người Pháp Le Rey đánh giá năm 1819: “Kinh thành Huế là pháo đài đẹp nhất và đều đặn nhất ở Đông Dương, kể cả so với pháo đài William ở Calcuta và Saint Georges do người Anh xây dựng”.

 Phu Văn Lâu trước Kinh thành Huế – Ảnh: nguồn huesmiletravel.com

Phu Văn Lâu trước Kinh thành Huế – Ảnh: nguồn huesmiletravel.com

Kinh thành liên lạc với thế giới bên ngoài qua 10 cửa:

 - Mặt trước với Đông Nam môn (cửa Thượng Tứ), Thể Nhơn môn (cửa Ngăn), Quảng Đức môn (cửa Sập), Chính Nam môn (cửa Nhà Đồ).

 - Mặt phía Tây với Tây Nam môn (cửa Hữu), Chính Tây môn (cửa Chính Tây).

 - Mặt phía Đông với Chính Đông môn (cửa Đông Ba), Đông Bắc môn (cửa Kẻ Trài).

 -  Mặt sau với Chính Bắc môn (cửa Hậu), Tây Bắc môn (cửa An Hòa).

Ngoài ra còn một cửa phụ thông sang Trấn Bình đài là Trấn Bình môn và một cửa khác từ Trấn Bình đài ra bên ngoài gọi là cửa Trệt hay cửa Trương Định.

 Một cửa thành mới được trùng tu – Ảnh: nguồn soixam.com

Một cửa thành mới được trùng tu – Ảnh: nguồn soixam.com

Dựa vào nguyên tắc phong thủy và dịch lý Đông phương với “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về phương Nam để nghe thiên hạ), kinh thành Huế tuy vẫn trung thành với truyền thống nhưng do phụ thuộc vào núi Ngự Bình làm tiền án ở phía trước, hai cồn Dã Viên và cồn Hến làm thế “rồng chầu hổ phục” ở hai bên, núi Thất Thế giới làm hậu chẩm ở phía sau và dòng sông Hương lượn ngang trước mặt làm yếu tố Minh đường nên trục Trung đạo đi từ cửa Chính Bắc đến cửa Chính Nam thay vì phải nằm trên trục phương Bắc - Nam đã bị lệch một góc chừng 30º, điều này cho thấy đã có sự uyển chuyển nhân nhượng giữa lý thuyết với thực tế để có thể vận dụng yếu tố “địa lợi” từ tự nhiên giới vào ý đồ xây dựng của các vua quan Nhà Nguyễn.

Mai Kim Thành     

(*): Vauban - kỹ sư công binh Pháp, sống vào thế kỷ 17.

Danh mục nội dung