» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/10/2011

HOÀNG THÀNH


Hoàng thành hay Đại Nội ở vào vị trí trung tâm Kinh thành, là nơi tập trung quyền lực tối cao của chế độ quân chủ, nơi nhà vua thiết đại triều và tổ chức các nghi lễ long trọng của triều đình, đồng thời cũng là nơi thờ tự các vua chúa tiên liệt đã có công khai dựng vương triều nhà Nguyễn.

 Ngọ Môn nhìn từ Hoàng thành – Ảnh: nguồn lyhocdongphuong.org.vn

Ngọ Môn nhìn từ Hoàng thành – Ảnh: nguồn lyhocdongphuong.org.vn

Theo các sử liệu, Hoàng thành được khởi công ngày 1 tháng Tư năm Giáp Tý (1804) trên một diện tích khoảng 36ha với hai mặt Bắc, Nam dài 606m, hai mặt Đông, Tây dài 622m giới hạn bởi một la thành bằng gạch dày 1,04m và cao 4,16m. Tại khoảng giữa mỗi mặt Đông, Tây và Bắc thành đều có một khuyết đài dài 62m, rộng 22m và cao 4m, trên đó dựng một ngôi nhà vuông lợp ngói thường với cạnh 10,20m. Những ngôi nhà này sau đó bị triệt hạ và đến năm 1923 vua Khải Định đã cho dựng trên khuyết đài phía Bắc một lầu hai tầng, đặt tên là Tứ Phương Vô Sự.

 Toàn cảnh Đại nội – Ảnh: nguồn bvthanh2001.wordpress.com

Toàn cảnh Đại nội – Ảnh: nguồn bvthanh2001.wordpress.com

Hoàng thành thông thương với Kinh thành qua bốn cửa: mặt chính có Ngọ môn (cửa phía Nam), mặt Đông có cửa Hiển Nhơn, mặt Bắc có cửa Hòa Bình và mặt Tây có cửa Chương Đức. Do Hoàng thành được bao quanh bằng hệ thống hào bảo vệ có tên Kim Thủy trì nên để đi vào các cửa trên đã có những cây cầu bắc qua; tại Ngọ môn có ba cây cầu: cầu giữa dành cho vua đi lát đá thanh, hai cầu lát gạch ở hai bên dành cho bá quan văn võ; tại ba cửa còn lại mỗi nơi chỉ có một cây cầu bằng đá.

 Sơ đồ Hoàng thành Huế – Ảnh: nguồn pilot.vn

Sơ đồ Hoàng thành Huế – Ảnh: nguồn pilot.vn

 Cửa Hiển Nhơn nối Hoàng thành với Tử Cấm thành – Ảnh: m.go.vn

Cửa Hiển Nhơn nối Hoàng thành với Tử Cấm thành – Ảnh: m.go.vn

Nối Ngọ môn với sân Đại Triều nghi là chiếc cầu Trung Đạo bằng đá có bao lơn bắc qua hồ Thái Dịch. Hồ được đào năm 1833 dùng thả sen và nuôi cá cảnh, những cây sứ cổ thụ bên hồ quanh năm tỏa ngát hương thơm.

Tại hai đầu cầu có dựng nghi môn bằng đồng đúc nổi thật kỳ công gọi là “long vân đồng trụ”, trên các ngách trang trí bằng pháp lam ngũ sắc và cả hai mặt đều có gắn bốn chữ Hán với các nội dung “Chính Trực Đăng Bình” và “Cư Nhân Do Nghĩa” ở nghi môn phía Nam, “Cao Minh Du Cửu” và “Trung Hòa Vị Dục” ở nghi môn phía Bắc.

 Cầu Trung đạo dẫn vào điện Thái Hòa – Ảnh: nguồn vietnamculture.com.vn

Cầu Trung đạo dẫn vào điện Thái Hòa – Ảnh: nguồn vietnamculture.com.vn

Qua khỏi cầu Trung Đạo là tới sân Đại Triều nghi rộng trên 3.000m², cuối sân là điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng của nhà vua. Điện Thái Hòa cùng với sân Đại Triều nghi là nơi nhà vua thiết đại triều; ở hai góc sân gần điện có trang trí hai con kỳ lân bằng đồng thếp vàng, được đặt trang trọng trong chiếc lồng kính bằng gỗ sơn vàng, đây có thể xem như lời tuyên ngôn về cuộc sống thái bình, đồng thời cũng là một lời cảnh báo về sự nghiêm ngặt của chốn triều đình.

 Ngọ môn trong “đêm hoàng cung” – Ảnh: nguồn vn.360plus.yahoo.com

Ngọ môn rực rỡ trong “đêm hoàng cung” – Ảnh: nguồn vn.360plus.yahoo.com

Đằng sau điện Thái Hòa là Đại Cung môn dẫn vào khu vực Tử Cấm thành, ở giữa là con đường nối cửa Chương Đức với cửa Hiển Nhơn. Tại phía Bắc Hoàng thành còn có hồ Kim Thủy (khác với Kim Thủy trì) chạy từ Đông sang Tây, ngày trước nơi này cảnh trí rất đẹp.

Hoàng thành trong thời cực thịnh có đến 70 công trình kiến trúc, tiêu biểu trong số đó là Ngọ môn, điện Thái Hòa, Thế Miếu, Triệu Miếu, Hiển Lâm các, Cửu đỉnh, cung Diên Thọ, cung Trường Sinh… còn đến ngày nay hoặc đang được tu bổ phục chế, tuy không nhiều nhưng cũng đáng để chúng ta chiêm ngắm bằng tất cả sự trân trọng, biết ơn.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung