» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
04/11/2011
LĂNG VUA THIỆU TRỊ
Vua Thiệu Trị có tên Nguyễn Phúc Miên Tông, là con trai trưởng của vua Minh Mạng, lên ngôi vào tháng 1 năm Tân Sửu (1841) ở tuổi 34. Nhà vua chưa nghĩ đến chuyện chuẩn bị sinh phần thì tháng 9 năm Đinh Mùi (1847) đã bị bệnh rồi băng hà, chỉ kịp di chiếu cho người kế vị “lượng mà xây cất cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài hao phí đến tài lực của binh dân”.
Xương Lăng giữa cảnh yên bình của đồng quê… – Ảnh: nguồn huexuavanay.com
Lên ngôi trong một tâm trạng phấn khích, vua Tự Đức cho người đi tìm cuộc đất tốt và đã chọn ngọn núi Thuận Đạo thuộc địa phận làng Cư Chánh, nay thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách kinh thành chừng 6km về phía Nam để xây dựng lăng cho vua cha trong một thời gian thật kỷ lục: khởi công tháng 10 - 1847, đến ngày 19-6-1948 đã có thể đưa thi hài vua Thiệu Trị vào an táng sau 8 tháng quàn ở cung Bảo Định, và đến tháng 11 - 1848, Xương lăng đã cơ bản hoàn thành.
Bi đình nhìn từ xa – Ảnh: nguồn vietnamwebs.vn
Xương lăng hay lăng vua Thiệu Trị là sự kết hợp kiến trúc của hai lăng tiền triều, vừa có nét đơn giản phóng khoáng của lăng vua Gia Long, vừa có nét chỉnh chạc uy nghiêm của lăng vua Minh Mạng. Khác với Thiên Thụ lăng lấy những ngọn núi bao quanh làm la thành, Xương lăng có la thành là những cánh đồng lúa xanh tươi, đặc biệt do chọn ngọn núi Chằm cách lăng 8km phía trước mặt làm tiền án, núi Ngọc Trản và đồi Vọng Cảnh làm thế “hổ phục rồng chầu” nên lăng quay mặt về hướng Tây - Bắc, một hướng ít dùng trong kiến trúc cung điện thời Nguyễn.
Hồ Nhuận Trạch – Ảnh: nguồn vietnamwebs.vn
Tổng thể kiến trúc lăng được chia làm hai phần: lăng mộ và tẩm điện.
Quần thể lăng nằm về bên phải: sau hồ Nhuận Trạch là một nghi môn bằng đồng dẫn vào Bái đình với hai hàng tượng đá gồm voi, ngựa và thị vệ là điển hình của nghệ thuật tạc tượng nửa đầu thế kỷ 19. Cuối Bái đình là Bi đình với bia Thánh Đức Thần Công bằng đá cao 3,25m, rộng 1,5m dựng ngày 19-11-1848, ghi bài minh của vua Tự Đức giới thiệu tiểu sử và công đức vua cha. Nhà vua đã ca ngợi tiên đế là một người khoan dung, nhân hoà, hiếu để… tuy thời gian trị vì không dài nhưng rất mực chăm lo việc nước và đồng thời cũng là một nhà thơ nổi tiếng đã lưu truyền cho hậu thế nhiều bài thơ hay.
Bi đình và lầu Đức Hinh – Ảnh Tư liệu (nguồn hue.blogsite.org)
Bia Thánh Đức thần công – Ảnh: nguồn hue.blogsite.org
Phía sau Bi đình là lầu Đức Hinh rồi tiếp đến là hồ Ngưng Thúy có dáng vầng trăng khuyết ôm gọn Bửu thành; bắc ngang hồ là ba chiếc cầu Tây Định (bên trái), Chánh Trung (giữa) và Đông Hòa (bên phải). Bửu thành là một vòng thành cao 3,25m có chu vi 144m là nơi yên nghỉ của nhà vua nhưng không ai biết được vị trí an định di hài. Xa xa về phía phải còn có gác Hiển Quang, nơi linh hồn nhà vua “có thể” nghỉ ngơi và suy tưởng.
Lầu Đức Hinh khi còn nguyên vẹn – Ảnh Tư liệu (nguồn hue.blogsite.org)
Phía trước là Bửu thành – Ảnh: nguồn hue.blogsite.org
Khu vực điện nằm về phía trái cách lầu Đức Hinh chừng 100m với trung tâm là điện Biểu Đức, nơi thờ thần vị của vua Thiệu Trị và thái hậu Từ Dũ. Phía trước điện có Đông, Tây Phối điện và phía sau có Tả, Hữu Tùng viện, còn trước mặt là cửa Hồng Trạch dẫn vào điện Biểu Đức. Tại cửa Hồng Trạch và điện Biểu Đức có đến 450 bài thơ được chạm khắc thật tinh xảo là những bài thơ có giá trị văn học cao.
Hồng Trạch môn – Ảnh: nguồn dichvudulich.net.vn
Điện Biểu Đức đang trùng tu – Ảnh: Bùi Ngọc Long (thanhnien.com.vn – 30.8.2011)
Là một người bình dị hiền lành, ông vua thi sĩ đã được yên nghỉ trong một khung cảnh thanh bình của đồng quê và đầm ấm tình quyến thuộc, bởi quanh ông còn có lăng của mẹ ông (Tá Thiên Nhân hoàng hậu), vợ ông (thái hậu Từ Dũ) cùng các con của ông.
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH 29/11/2011
- LĂNG VUA ĐỒNG KHÁNH 24/11/2011
- LĂNG VUA DỤC ĐỨC 18/11/2011
- LĂNG VUA TỰ ĐỨC 10/11/2011
- LĂNG VUA MINH MẠNG 26/10/2011
- LĂNG VUA GIA LONG 19/10/2011
- KINH THÀNH HUẾ 10/10/2011
- HOÀNG THÀNH 10/10/2011
- TỬ CẤM THÀNH 10/10/2011
- NGỌ MÔN 10/10/2011