» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

24/11/2011

LĂNG VUA ĐỒNG KHÁNH


Vua Đồng Khánh có tên Nguyễn Phúc Ưng Đường, là một trong ba người con nuôi của vua Tự Đức và là trưởng nam của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (em vua Tự Đức), người cha của ba vị vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh.

Ngược dòng lịch sử, sau khi vua Dục Đức bị hại thì Nguyễn Phúc Hồng Dật (em vua Tự Đức) được đưa lên thay tức vua Hiệp Hòa. Vua Hiệp Hòa lại bị hại thì Nguyễn Phúc Ưng Đăng (em ruột Ưng Đường) được đưa lên thay, đó là vua Kiến Phúc. Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì bất đắc kỳ tử, Nguyễn Phúc Ưng Lịch (em ruột Ưng Đường) được đưa lên ngôi tức vua Hàm Nghi.

Cung môn lăng Đồng Khánh – Ảnh: Thái Lộc (nguồn vietnamtime.org) 

Cung môn lăng Đồng Khánh – Ảnh: Thái Lộc (nguồn vietnamtime.org)

Là anh mà không được làm vua, Ưng Đường rất ức nên khi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, ông đã chạy vạy cầu kiến và được người Pháp điền khuyết vào chỗ trống của ngai vàng. Cái vui của người đạt được ước nguyện và cái vui của kẻ xâm lược tìm được người trợ thủ đã được biểu hiện bằng niên hiệu Đồng Khánh (cùng vui) – đó là những ngày năm 1885 sau khi kinh đô Huế thất thủ.

Làm vua mới được ba năm, Đồng Khánh chưa kịp nghĩ đến việc xây dựng sơn lăng đã lâm trọng bệnh rồi đột ngột từ trần lúc mới 25 tuổi. Do con còn quá nhỏ, Nguyễn Phúc Bửu Lân (con vua Dục Đức) đã được đưa lên ngôi vua với niên hiệu Thành Thái.

Bái đình và Bi đình – Ảnh: nguồn huexuavanay.com 

Bái đình và Bi đình – Ảnh: nguồn huexuavanay.com

Lên ngôi vào lúc nền kinh tế đất nước đang gặp hồi kiệt quệ và trong triều ngoài nội nhiều rối ren, vua Thành Thái đã lấy điện Trung Tư vừa xây xong đổi thành điện Ngưng Hy để thờ thần vị vua Đồng Khánh, an táng vua tiền nhiệm trên đồi Hộ Thuận cách đó 300m về phía Tây và đặt tên khu vực này là Tư lăng. (Nguyên điện Trung Tư do vua Đồng Khánh cho xây dựng cạnh lăng Kiên Thái vương để thờ phụng cha mình và đã rước bài vị vào thờ từ tháng 10 năm Mậu Tý – 1888). Tư lăng tọa lạc tại làng Dương Xuân Thượng, phía Tây núi Khiêm sơn, cách Khiêm lăng 500m và cách kinh thành 6,5km về phía Nam.

Điện Ngưng Hy –  Ảnh Đào Hoa Nữ (nguồn Vietgle)

Điện Ngưng Hy –  Ảnh Đào Hoa Nữ (nguồn Vietgle)

Năm 1916, con trai trưởng vua Đồng Khánh là Nguyễn Phúc Bửu Đảo được đưa lên ngôi lấy niên hiệu Khải Định. Vua Khải Định đã cho tu sửa điện Ngưng Hy gồm một chánh tịch và một tiền tịch, các công trình phụ trợ có Tả, Hữu Phối điện ở phía trước, Tả, Hữu Tùng viện và Kiều gia ở phía sau. Tuy kiến trúc điện Ngưng Hy vẫn mang nét cổ điển với những hàng cột sơn son thếp vàng và các ô hộc trang trí hình tứ linh, tứ quý, tùng lộc, điểu liên áp… vừa bằng chạm nổi vừa bằng khảm xà cừ với một nghệ thuật sơn mài độc đáo nhưng riêng bộ cửa đã mang dấu ấn châu Âu với các cánh cửa gắn kính màu.

 Phần mộ vua Đồng Khánh – Ảnh: nguồn dichvudulich.net.vn

Phần mộ vua Đồng Khánh – Ảnh: nguồn dichvudulich.net.vn

Khu vực lăng mộ được Âu hóa hoàn toàn hơn với Bi đình là một kiến trúc Romance pha trộn đường nét Á đông mà bia Thánh Đức Thần Công chỉ mới được vua Khải Định lập ngày 19-6-1917, Bái đình với tượng quan viên, voi, ngựa được đắp bằng gạch và xi-măng, còn Bửu thành nơi an vị vua Đồng Khánh lại được lát bằng gạch ca-rô (!).

Hình thành trong một thời gian dài, Tư lăng là sự pha trộn rối rắm giữa các đường nét kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian và kiến trúc mới du nhập, phản ánh buổi giao thời lúc mà nền kiến trúc Á đông đã phần nào phai nhạt nhường bước cho kiến trúc hiện đại lên ngôi.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung