» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/10/2011

NGỌ MÔN


Ngọ môn là cổng chính đi vào Hoàng thành, nằm trên trục Trung đạo của Kinh thành và đối diện với Kỳ đài. Nguyên từ khi xây dựng Hoàng thành, tại vị trí Ngọ môn ngày nay là Nam Khuyết đài; năm 1806 vua Gia Long đã cho xây dựng trên đó điện Càn Nguyên. Đến năm 1833, vua Minh Mạng hạ lệnh tháo dỡ điện Càn Nguyên để lấy vật liệu làm cung Càn Thành và đích thân nhà vua đã trông coi đôn đốc việc tái thiết Nam Khuyết đài thành Ngọ môn.

 Ngọ môn rực rỡ đêm Festival Huế đầu tiên – Ảnh: Mai Kim Thành

Ngọ môn rực rỡ đêm Festival Huế đầu tiên – Ảnh: Mai Kim Thành

Có người đã hiểu chữ Ngọ theo nghĩa thời gian là giờ Ngọ chỉ lúc mặt trời đứng bóng, nhưng theo địa lý phong thủy, phía Nam thuộc hướng Ngọ, vì vậy Ngọ môn được xây dựng trên vị trí Nam Khuyết đài cũ chỉ nên hiểu đơn giản là cửa Nam mới đúng với ý nghĩa của dịch lý Đông phương.

Ngọ môn – Ảnh: nguồn nguyenuyenthu.vnweblogs.com

Ngọ môn – Ảnh: nguồn nguyenuyenthu.vnweblogs.com

Tổng thể Ngọ môn có cấu trúc hình chữ U gồm hai phần, bên dưới là đài còn bên trên là lầu, có dáng dấp như một tòa thành đồ sộ nhưng cũng thật đăng đối hài hòa với cảnh trí chung quanh. Phần đài có chiều cao 5,2m, chỗ dài nhất 50m và chỗ rộng nhất 27m được xây dựng bằng gạch, đá và đồng nên có kết cấu rất kiên cố với năm lối đi xuyên qua: lối chính giữa dành cho nhà vua có nền lát đá thanh và cửa sơn màu vàng được gọi là Ngọ môn. Hai bên Ngọ môn có Tả, Hữu Giác môn là lối đi của bá quan văn võ. Tại hai cạnh của chữ U còn có Tả, Hữu Dịch môn hay cửa quanh hình chữ L dành cho quân lính hay voi ngựa. Tuy năm cửa này đã được định danh như vừa nêu nhưng mỗi cửa còn có một tên gọi riêng theo thứ tự từ Đông sang Tây: Lô môn, Ứng môn, Trung môn, Tứ môn và Cao môn. Để lên phần lầu phía trên có các bậc cấp lộ thiên được bố trí đăng đối ở hai bên.

Dực lâu và một phần lầu Ngũ Phụng – Ảnh: nguồn est.congdulich.com

Dực lâu và một phần lầu Ngũ Phụng – Ảnh: nguồn est.congdulich.com

Trên đài là một hệ thống lầu gỗ hai tầng thiết kế theo hình chữ U được nâng đỡ bằng 100 cột gỗ lim bóng loáng; ở giữa là lầu Ngũ Phụng ba gian hai chái sơn son thếp vàng, hai bên là dãy Dực lâu. Nếu có điều kiện từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy chín nóc mái giáp với nhau, dãy ngang năm mái lợp ngói hoàng lưu ly và hai dãy dọc mỗi dãy hai mái lợp ngói thanh lưu ly, trông tựa như năm con chim phụng đang xòe cánh châu đầu.

Toàn bộ tầng dưới lầu được để trống chỉ trừ một gian có vách đố và cửa kính, đây là nơi nhà vua ngự tọa mỗi khi có khánh tiết hay lễ lượt. Tầng trên dành cho hoàng thái hậu và các bà phi nên đều có vách ván bao quanh; từ đây các bà có thể nhìn ra ngoài qua các cửa sổ hình tròn, hình quạt hay hình cái khánh có rèm che mà từ bên ngoài không ai nhìn thấy được gì ở bên trong.

 Ngọ môn – Ảnh: Nguyễn Bá Mậu (nguồn caidinh.com)

Ngọ môn – Ảnh: Nguyễn Bá Mậu (nguồn caidinh.com)

Tham quan lầu Ngũ Phụng, du khách sẽ vô cùng thán phục khi nhìn thấy tận mắt những hoa văn được chạm khắc tinh xảo trên các bờ nóc với những hình ảnh quen thuộc như rồng giao, lá lật, dơi ngậm kim tiền, hoặc những tranh mai, lan, cúc, trúc được khảm bằng sành sứ trên các ô hộc, ở dọc bờ nóc với những màu sắc tươi tắn hài hòa… tất cả đã thể hiện trình độ và tâm hồn người thợ thủ công Việt Nam ngày trước.

Ngọ môn, ngoài chức năng là một chiếc cổng ra vào Hoàng thành còn là nơi để nhà vua, hoàng thái hậu và chánh cung tham dự các buổi khánh tiết, khánh hạ… về sau này còn được dùng tổ chức các lễ truyền lô (xướng danh các người đỗ thi Hội hay thi Đình)… lễ ban sóc (nhà vua ban lịch đầu năm mới âm lịch)… đã làm cho Ngọ môn ngày càng trở nên gần gũi với đời sống chính trị xã hội của người dân chốn kinh thành.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung