» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

18/11/2011

LĂNG VUA DỤC ĐỨC


Năm 1883 trước khi băng hà, mặc dầu biết Nguyễn Phúc Ưng Chân còn có nhiều khiếm khuyết nhưng trong tình hình rối ren của đất nước, cần một vị vua lớn tuổi để có thể đương đầu với người Pháp, vua Tự Đức đã di chiếu truyền ngôi cho hoàng tử Ưng Chân là một trong ba người con nuôi của mình.

Lăng vua Dục Đức đổ nát hoang tàn – Ảnh: Mai Kim Thành 

Lăng vua Dục Đức đổ nát hoang tàn – Ảnh: Mai Kim Thành

Cũng nhằm mục đích răn đe, trong di chiếu có nhiều đoạn vua Tự Đức đã nhắc đến các khiếm khuyết của hoàng tử nhưng chính điều này đã khiến Ưng Chân khó chịu, cho rằng như thế sẽ giảm đi lòng tôn trọng của quần thần rất khó cho việc cai trị nên vị tân vương đã cho sửa đổi di chiếu. Việc làm này đã gây bất bình và là cái cớ để quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất nhà vua ngày 23-7-1883, ban đầu quản thúc tại Dục Đức đường, sau đem giam ở Thái Y viện, cuối cùng chuyển qua ngục Thừa Thiên và bị bỏ đói không cho ăn uống suốt 7 ngày đến chết ngày 6-10-1883.

 Sân chầu trước điện Long Ân – Ảnh: Mai Kim Thành

Sân chầu trước điện Long Ân – Ảnh: Mai Kim Thành

Mới lên ngôi được ba ngày, Ưng Chân chưa kịp đặt niên hiệu nên mọi người đã dùng tên tư thất của ông là Dục Đức đường để ám gọi vị phế đế. Do bị phế truất và hạ ngục thì cũng như một tội phạm nên sau khi chết, Dục Đức đã bị bó chiếu rồi do binh phu gánh đi chôn tại địa phận chùa Tường Quang bên làng An Cựu là nơi được một người bà con bên vợ vua Tự Đức xây dựng năm 1871. Không may trên đường đến chùa, vừa qua khỏi một cái khe ở cồn Phước Quả thì cổ “quan tài” bó chiếu bị đứt dây và di hài rơi tuột xuống một vũng nước. Cho là mệnh trời, người ta đã chôn cất qua loa tại đó và ba ngày sau mới báo tin cho vợ con biết để làm lễ cư tang.

Điện Long Ân – Ảnh: Mai Kim Thành

Điện Long Ân – Ảnh: Mai Kim Thành

Sáu năm sau, con trai của Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu Thành Thái. Vào năm Thành Thái thứ hai (1890), nhà vua đã xây lăng mộ cho cha mình một cách tươm tất nhưng đơn giản, khiêm tốn, không có Bái đình và Bi đình, đặt tên là An lăng. Năm 1899, nhà vua lại cho xây điện Long Ân bên phải An lăng để thờ phụng, gồm một chánh tịch và một tiền tịch, phía trước có Tả, Hữu Phối điện và phía sau có Tả, Hữu Tùng viện, Tả, Hữu Kiều gia. Sau này khi bà Từ Minh Huệ, vợ chánh của vua Dục Đức qua đời, triều đình đã an táng bà bên phải mộ nhà vua, và dựng tấm bình phong trước hai ngôi mộ, phía trước đắp nổi chữ “song hỷ”.

Phần mộ vua Dục Đức – Ảnh: Mai Kim Thành 

Phần mộ vua Dục Đức – Ảnh: Mai Kim Thành

An Lăng có mặt quay về phía Tây Bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai phía sau làm hậu chẩm, dòng khe Mụ Niệm chảy qua phía trước mặt làm yếu tố minh đường. Bao quanh lăng là ba vòng thành, vòng ngoài có chu vi 136m, cao 3,7m và dày 0,5m. Tại vòng thành thứ hai có cổng tam quan đồ sộ kiểu như cổng cung Trường Sanh trong hoàng thành. Bên trong vòng thành thứ ba là khu lăng mộ: hai bên là hai ngôi mộ vua Dục Dức và chánh cung Từ Minh Huệ đặt đối xứng qua nhà huỳnh ốc ở giữa.

Bia mộ vua Duy Tân – Ảnh: Mai Kim Thành 

Bia mộ vua Duy Tân – Ảnh: Mai Kim Thành

 Phần mộ vua Duy Tân – Ảnh: Mai Kim Thành

Phần mộ vua Duy Tân – Ảnh: Mai Kim Thành

Khu vực lăng mộ và tẩm điện được bố trí song song, cách nhau chừng 50m. Trung tâm khu tẩm điện là điện Long Ân được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc, trên nền đất có kích thước 24,2m x 22,2m, gồm chánh tịch ba gian hai chái kép và tiền tịch năm gian hai chái đơn, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Tại đây có đặt ba khám thờ, khám giữa đặt bài vị vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh Huệ, khám bên trái đặt bài vị vua Thành Thái và khám bên phải đặt bài vị vua Duy Tân.

 Bia mộ vua Thành Thái – Ảnh: Mai Kim Thành

Bia mộ vua Thành Thái – Ảnh: Mai Kim Thành

Phần mộ vua Thành Thái – Ảnh: Mai Kim Thành 

Phần mộ vua Thành Thái – Ảnh: Mai Kim Thành

Làm vua được 18 năm, do có tư tưởng và hoạt động chống Pháp nên vua Thành Thái bị truất ngôi, con trai là Nguyễn Phúc Vĩnh San được đưa lên ngai vàng lúc mới 7 tuổi, lấy niên hiệu Duy Tân. Vua Duy Tân lại đi theo con đường của vua cha nên sau 9 năm ở ngôi vua, ông cũng bị người Pháp bắt và cả hai cha con đều bị đày sang đảo Réunion bên châu Phi năm 1916.

Lễ kỷ niệm 55 ngày vua Duy Tân băng hà… – Ảnh: Mai Kim Thành 

Lễ kỷ niệm 55 ngày vua Duy Tân băng hà... – Ảnh: Mai Kim Thành

…và 100 năm ngày sinh (năm 2000) – Ảnh: Mai Kim Thành

...và 100 năm ngày sinh (năm 2000) – Ảnh: Mai Kim Thành

Năm 1947, do vua Duy Tân đã bị chết bởi tai nạn máy bay trước đó hai năm và do tuổi già (68 tuổi), vua Thành Thái được người Pháp cho về nước nhưng quản thúc tại Sài Gòn. Đến năm 1954 khi nhà vua từ trần thì hoàng tộc mới được phép rước di hài về Huế và an táng trong khuôn viên An lăng. Năm 1987 hài cốt vua Duy Tân cũng được đưa từ châu Phi về an táng cạnh mộ vua Thành Thái và An lăng trở thành nơi yên nghỉ của ba thế hệ làm vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu). Nơi đây còn có một số phần mộ của các hoàng hậu, hoàng tử và công chúa thuộc dòng Thoại Thái vương (Nguyễn Phước tộc).

 Lễ giỗ vua Duy Tân trong điện Long Ân – Ảnh: Mai Kim Thành

Lễ giỗ vua Duy Tân trong điện Long Ân: Trưởng nam vua Duy Tân (mặc veste trắng) đọc điếu văn bằng tiếng Pháp và được phiên dịch lại bằng tiếng Việt – Ảnh: Mai Kim Thành

An Lăng đã được Bộ Thông tin - Văn hóa công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Thăm An lăng là dịp nhìn lại một thời quá vãng đau thương của dân tộc, để cảm thông với thân phận của những vị vua tuy có lòng yêu nước thương dân nhưng cũng đành bất lực trước những nghịch lý và biến thiên của thời cuộc.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung