» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
KHU DI TÍCH CỔ LOA
Khu di tích Cổ Loa ở vào địa phận xã Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 17km về phía Bắc, trên một diện tích bảo tồn gần 50ha. Nơi đây nguyên là kinh đô của nước Âu Lạc thời kỳ Thục Phán - An Dương Vương (257-207 trước CN) và của Ngô Quyền (939-944 sau thời kỳ Bắc thuộc), mà thành Cổ Loa là một di tích thành có niên đại sớm nhất Việt Nam và vào loại sớm trên thế giới còn tồn tại.
Cổng tam quan hiện lên một cách oai nghiêm sừng sững
Ngược dòng lịch sử, nguyên vào nửa sau thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa bằng chiến tranh đã thống nhất đất nước lập nên nhà Tần. Không dừng lại ở đó, con người luôn muốn “bình thiên hạ” kia đã phái 50 vạn quân đi xâm lược phương Nam và trong gần 10 năm, Thục Phán đã chỉ huy kiên cường cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược.
Kháng chiến thành công, Thục Phán đã thay vua Hùng dựng nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa. Nhà vua đã cho đắp một tòa thành bằng đất mà tương truyền có tới 9 vòng thành, nhưng thực tế ngày nay chỉ còn 3 vòng thành được ghi nhận: thành trong hay thành nội hình chữ nhật chu vi 1.650m; thành giữa hình đa giác chu vi 6.500m, thành ngoài có chu vi 8.000m (chu vi của cố đô Huế khoảng 10.000m). Toàn bộ 3 vòng thành nằm trên diện tích khoảng 5km2 được thiết kế theo hình trôn ốc. Thân thành có chiều cao trung bình từ 4m đến 5m, có nơi cao tới 12m ; đỉnh thành rộng 12m và chân thành rộng đến hai, ba mươi mét.
Những mũi tên này được khai quật tại di chỉ Cầu Vực, Cổ Loa có niên đại 2.000 - 2.500 năm
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, khối lượng đất được dùng để đắp thành lên tới hơn hai triệu mét khối. Về mặt kỹ thuật phòng ngự, các cửa của 3 vòng thành đã được bố trí lệch chéo, do vậy mặc dù đường nối cửa hai thành ở cùng một hướng, nhưng lại phải đi quanh co, cộng thêm với những ụ phòng ngự ở hai bên sẽ gây nhiều trở ngại cho quân địch khi có ý định tiến công thành.
Đáng tiếc là sau 50 năm tại vị, có lẽ do muốn cho người dân sống trong cảnh thái bình, Thục Phán đã chấp nhận giao hòa và kết thông gia với giặc để rồi chỉ sau ba năm, giang sơn Âu Lạc đã rơi vào tay Triệu Đà do nỏ thần tượng trưng bí mật quân sự bị con rể đánh cắp. Mỵ Châu bị Thục Phán chém đầu, Trọng Thủy hối hận gieo mình xuống giếng Ngọc tìm hình bóng người yêu… Cổ Loa trở thành hý trường của tấn thảm kịch nước mất nhà tan (!).
Khách tới thăm Cổ Loa hôm nay, qua cổng làng cũng là cổng thành nội xưa, con đường quê dẫn lối tới đình làng tương truyền là nền cũ của điện Ngự Triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa. Trong đình còn thấy treo tấm hoành phi có 4 chữ “Ngự Triều Di Quy”.
Cổng tam quan vào đình Cổ Loa
Cạnh đình là miếu thờ công chúa Mỵ Châu được gọi am Bà Chúa, nép mình khiêm tốn bên gốc đa cổ thụ như thái độ sám hối của một người trót phạm tội. Nơi đây có thờ một tảng đá giống hình người cụt đầu mà theo truyền thuyết đó chính là nhục thân của công chúa Mỵ Châu được sóng đẩy ngược về Cổ Loa.
Một đường quê khác dẫn khách tới đền Thượng tức đền An Dương Vương, tương truyền được dựng trên nền nội cung ngày trước. Đôi rồng đá ở bậc tam cấp cổng đền là di vật của thời Trần hoặc Lê sơ, còn đền như hiện thấy chỉ mới làm lại hồi đầu thế kỷ 20 nên không có di vật cổ. Tại nhà Bái đình có đền thờ Kim Quy và nỏ thần, tại nhà Hậu cung có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cách đây bảy, tám mươi năm khi làm lại đền. Phía trước đền là một hồ lớn hình bán nguyệt ở giữa có đắp bờ đất tròn tạo thành giếng gọi là Giếng Ngọc, tương truyền Trọng Thủy vì ân hận đã trầm mình xuống đây kết liễu cuộc đời.
Bao quanh giếng Ngọc là một hồ nước khá lớn, đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ phong phú vào những dịp lễ hội
Cổ Loa, ngoài di tích lịch sử, còn là một di chỉ khảo cổ. Trong những năm gần đây, nhiều di chỉ đồ đá, đồ đồng được phát hiện tại vùng đất này đã củng cố thêm luận điểm trước khi Thục Phán đến đây dựng kinh đô hàng ngàn năm, Cổ Loa đã có người cư trú.
Hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Mai Kim Thành
Ảnh: NGUYỄN KHÁNH (Tuổi Trẻ Online 14.9.2009)
Chủ đề liên quan :
- BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG ĐẾN NHẤT HÀ NỘI 09/05/2014
- VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM 10/10/2010
- CỘT CỜ HÀ NỘI 10/10/2010
- BIA TIẾN SĨ: DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 10/10/2010
- ĐỀN NGỌC SƠN VÀ CỤM DI TÍCH HỒ HOÀN KIẾM 10/10/2010
- GÒ ĐỐNG ĐA 10/10/2010
- THÀNH CỔ HÀ NỘI 10/10/2010
- DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG 10/10/2010
- KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 10/10/2010
- Ô QUAN CHƯỞNG 10/10/2010