» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG


Năm 2002, trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, Chính phủ đã cho phép Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng khu vực nằm về phía Tây của điện Kính Thiên trong Hoàng thành thời Lê sơ, và từ tháng 12-2002, với diện tích khai quật được mở rộng đến 19.000m², đã phát lộ một phức hệ di vật - di tích rất đa dạng và phong phú từ thành Đại La (tk VII - IX) đến thành Thăng Long (tk XI - XVIII) và thành Hà Nội (tk XIX). Căn cứ vào khẩu truyền, tư liệu, thư tịch, bi ký, bản đồ cổ, một số di tích hiện tồn cùng các phát hiện khảo cổ gần đây, giới khảo cổ đã có thể xác định Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê có quy mô chừng 400ha với mặt Nam ở khoảng chợ Cửa Nam - Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), mặt Tây ở khoảng Ngọc Hà, mặt Bắc ở khoảng tiếp gần đường Quán Thánh và mặt Đông ở khoảng phố Lãn Ông. 

hinh anh

Đường viền đỏ là giới hạn của Cấm Thành Thăng Long. Khu vực nằm trong hình vuông viền xanh là số 18 Hoàng Diệu, chỉ cách trục Thần Đạo 87m - Ảnh chụp từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long Quà tặng các đại biểu quốc tế dự APEC 2006 (nguồn CINET)

Ngược dòng lịch sử, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) Lý Công Uẩn lên ngôi tại kinh đô Hoa Lư, đến tháng 7 năm sau nhà vua đã cho dời đô về kinh phủ Đại La. Trên cơ sở kế thừa cố đô của Cao Vương, Thái Tổ đã cho tu sửa, mở rộng và xây dựng kinh đô Thăng Long với trung tâm là điện Càn Nguyên (nơi nhà vua thiết triều), hai bên có điện Tập Hiền và Giảng Võ, phía sau có điện Long An, Long Thụy (nơi nghỉ ngơi của nhà vua)… Theo sử liệu, đến cuối năm 1010 đã hoàn thành ba cung, tám điện. Song song với việc dựng cung điện, một vòng thành bằng đất bao quanh cũng được xây đắp gọi là Long thành hay Phượng thành, phía ngoài có hào với 4 cửa Đại Hưng ở phía Nam, Quảng Phúc ở phía Tây, Diệu Đức ở phía Bắc và Tường Phù ở phía Đông. Bên ngoài Long thành và Cấm thành là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng với các phố phường, bến chợ, thôn trại nông nghiệp cùng một số cung điện và chùa tháp…, nơi đây được bao bọc bằng vòng thành Đại La hay La thành, xây đắp từ năm 1014 có tận dụng, tu bổ một phần thành Đại La cũ đời Đường, với chức năng vừa là lũy thành bảo vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt.

hinh anh

Trục trung tâm của Cấm Thành: Bắc Môn - Hậu Lâu - Kính Thiên - Đoan Môn - Cột cờ. Đường viền đỏ là phạm vi trung tâm của Cấm Thành còn sót lại (nguồn CINET)

Do những biến loạn cuối đời Lý, Hoàng thành bị tàn phá nặng nề nên sau khi thành lập, nhà Trần đã phải đắp lại thành, xây lại các cung điện nhưng vị trí, qui mô của Long Phượng thành vẫn không có gì thay đổi. Qua thời Lê sơ, Hoàng thành được tu bổ nhiều lần và mở rộng thêm với trung tâm là điện Kính Thiên dựng năm 1428, xây lại năm 1465 và làm lan can bằng đá chạm rồng năm 1467. Đến thời Nguyễn khi xây dựng Bắc thành năm 1803, vua Gia Long đã cho hạ thấp độ cao và thu nhỏ qui mô so với Hoàng thành cũ nhưng vẫn giữ lại trục thần đạo gồm Đoan Môn - Kính Thiên của Hoàng thành thời Lê làm trục trung tâm trên đó có cửa Bắc và đến năm 1812 đã phá Tam Môn (cửa phía trước Đoan môn) để dựng Cột cờ.

hinh anh

Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần ở hố D4 - D6 (khu D)Chụp lại từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long, quà tặng cho các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị APEC 2006 (nguồn CINET)

Việc phát lộ di tích Hoàng thành với khối lượng lớn di vật thu được từ các tầng văn hóa chồng lên nhau, trải dài liên tục qua các thời kỳ lịch sử đã bổ sung hoàn hảo những điểm yếu cơ bản và hé lộ phần nào diện mạo cùng qui mô của Hoàng thành Thăng Long ngày trước. Năm 2006, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tháng 9 - 2008 hồ sơ này đã được đăng ký và đến tháng 1-2009 đã chính thức đệ trình lên UNESCO.

hinh anh hinh anh

Chi tiết di vật đầu phượng / Tuợng đầu chim phượng và lá đề trang trí đôi chim phượng tìm thấy ở hố A2, A3 (nguồn CINET)

Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan tư vấn ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ) đã tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ và đến ngày 31.7.2010, tại kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhóm họp tại Brasilia (thủ đô nước Brasil), đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới với 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; Các tầng di tích, di vật đa dạng. Với 3 trong số 6 tiêu chí của UNESCO, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã trở thành di tích thứ 900 trong danh mục di sản thế giới được công nhận.

hinh anh

Đại biểu của các nước thành viên dự họp chúc mừng thành công của đoàn VN Ảnh: NGUYỄN VĂN PHÚC (nguồn Thanh Niên Online – 01.08.2010)

Việc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới vào thời điểm 2010 có thể ví như một món quà đặc biệt ý nghĩa được gởi đến nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trước thềm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một niềm vui lớn, một niềm tự hào dân tộc đồng thời gắn với một nghĩa vụ bảo tồn không hề nhỏ, để di tích mãi là di sản chung của nhân loại, không chỉ hôm nay mà còn cả ngày mai…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung